- Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Tập đoàn TTC
Việc TP.HCM trở thành trung tâm tài chính, thương mại của cả nước và khu vực không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại, mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng trong việc nâng tầm quốc gia lên vị thế mới trong bản đồ các trung tâm tài chính phát triển của thế giới.
Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố cần chỉnh trang quy hoạch đô thị, giao thông như đường tàu điện ngầm, sân bay… với định hướng xanh, sạch, văn minh, hiện đại. Xem xét điều tiết nâng tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP.HCM để tạo động lực phát triển của địa phương. Tỷ lệ ngân sách nếu được nâng lên sẽ tạo tiền đề để thành phố phát triển nhanh, bền vững, có thêm nguồn lực giải quyết được những nhu cầu cấp thiết về hạ tầng.
Thành phố cần xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, thể chế thông thoáng, không những giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mà còn áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế để thu hút nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Thiết lập mạng lưới kết nối thông minh, các trung tâm vận hành kỹ thuật số trong các hoạt động tài chính, thương mại quốc tế, khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm giúp môi trường hoạt động tài chính thương mại chuyên nghiệp.
- Ông Lê Ngọc Ánh Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pacific Group
Hiện nay, hạ tầng giao thông của TP.HCM không bắt kịp sự phát triển của Thành phố và liên vùng. Không chỉ đi Bà Rịa - Vũng Tàu, mà đi Bình Dương, Tiền Giang đều bị tắc nghẽn.
Theo tôi, TP.HCM cần xin Chính phủ cơ chế riêng để xây dựng hạ tầng giao thông theo mô hình mới là công ty cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông và nên xóa bỏ mô hình Ban quản lý dự án. Khi TP.HCM lập công ty phát triển hạ tầng giao thông theo mô hình công ty cổ phần, có thể niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán để kêu gọi vốn đầu tư. Công ty cần có Hội đồng quản trị, Ban điều hành có chuyên môn về hạ tầng giao thông để thực hiện từng dự án bài bản.
Công ty đại chúng này sẽ gọi vốn, lập dự án và triển khai dự án đúng tiến độ để đưa vào khai thác kinh doanh thu lãi chia cho cổ đông. Có thể lập công ty cổ phần phát triển dự án đường sắt nội đô, công ty cổ phần phát triển cầu đường vành đai, phát triển cầu đường nối Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Mỗi công ty cổ phần đại chúng phụ trách một dự án và kinh doanh bài bản thì chỉ trong vài năm, TP.HCM sẽ có hạ tầng giao thông nội đô và liên vùng xuyên suốt.
- Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)
Trong chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố sẽ phát triển thêm 50 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 367.000 căn nhà. Qua đó, nâng tỷ lệ diện tích nhà ở bình quân toàn Thành phố lên mức 23,5 m2/người.
Mục tiêu này cao hơn khoảng 2,3 lần so với thời kỳ 2016 - 2020. Điều này đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Thành phố trong thực hiện chương trình phát triển nhà ở. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là thủ tục hành chính. HoREA kiến nghị các dự án thuộc diện phải rà soát về pháp lý, thanh tra, kiểm tra, điều tra theo hướng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước cần sớm có kết luận để đưa đất vào làm dự án.
Sớm ban hành quy định tiêu chí tách thành dự án độc lập đối với phần diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, giúp tăng cung dự án nhà ở. Đồng thời tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại mà doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất, giúp làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở cho thị trường.
- Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM
Nhằm tạo đột phá trong thời gian tới, TP.HCM xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng tất yếu. Tập trung phát triển logistics cho thương mại điện tử và cung cấp chuỗi dịch vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường châu Á và trung chuyển ra cảng Cái Mép - Thị Vải để đi châu Âu, Mỹ.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM xác định đầu tư phát triển hạ tầng gồm hệ thống trung tâm logistics, hệ thống giao thông. Trong đó, hệ thống cảng biển là đầu mối vận tải quan trọng, là nơi tập trung, kết nối tất cả các phương tiện gồm: đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không và đường ống.
Dự kiến từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ tập trung triển khai mời gọi đầu tư 3 trung tâm logistics tại Khu công nghệ cao, Khu chế xuất Linh Trung và Long Bình.
- Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel
Để TP.HCM lấy lại vị trí là một trung tâm du lịch lớn của cả nước, chúng tôi đề xuất xây dựng lại các sản phẩm chuyên về du lịch văn hóa, hội nghị, du lịch mua sắm, du lịch sinh thái, du lịch y tế... Đây là những thế mạnh của TP.HCM nên cần tập trung chuyên sâu và rõ nét theo từng sản phẩm.
Song song với các sản phẩm du lịch độc đáo vào ban ngày, các doanh nghiệp và quận, huyện cần phối hợp để phát triển, làm mới sản phẩm du lịch về đêm. Quy hoạch đồng bộ hơn các điểm khu kinh tế ban đêm, không chỉ tập trung vào quận 1 như hiện nay.
Tăng cường phối hợp triển khai chương trình kích cầu du lịch TP.HCM để thu hút khách quốc tế, khách MICE đến với Thành phố nhiều hơn. Hợp tác phát triển du lịch, xây dựng thêm các sản phẩm liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
- Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM
Trên cơ sở 366 tài nguyên du lịch đã được tiến hành khảo sát, Sở Du lịch TP.HCM đã tích cực phối hợp các quận, huyện và TP. Thủ Đức cùng doanh nghiệp thực hiện khảo sát, đầu tư, xây dựng làm mới và giới thiệu nhiều chương trình du lịch.
Với lợi thế về hệ thống sông và kênh nội đô thuận lợi, ngành du lịch đã cùng các doanh nghiệp khai thác sản phẩm du lịch gắn với đường thủy, hoàn thiện dịch vụ, tăng giá trị trải nghiệm các hoạt động trên tuyến. Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng chính sách giá dịch vụ hợp lý, phương thức phục vụ phù hợp với xu hướng mới để đảm bảo an toàn cho du khách. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch gắn với đường thủy.
Sở Du lịch đã và đang triển khai nhiều chương trình kích cầu, thực hiện các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến nay đã ký kết với 52 tỉnh, thành phố trên cả nước và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng “mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng”.
- Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM
TP.HCM cần chính sách và những yếu tố thuận lợi để tạo sự đột phá, trong đó phát triển các tập đoàn tài chính đa ngành, phát triển ngân hàng số… Quá trình này sẽ không chỉ tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ tài chính mới, mà còn tạo môi trường cạnh tranh mạnh mẽ, là động lực thúc đẩy các định chế tài chính nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng tăng trưởng, hình thành nên các thương hiệu ngân hàng mạnh, lớn, có uy tín trong khu vực và trên thế giới theo đúng định hướng chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Tạo cơ hội đổi mới và phát triển ngành ngân hàng, đổi mới mô hình và phương thức quản lý phù hợp với xu hướng và yêu cầu khách quan về phát triển của ngành ngân hàng, đáp ứng những mục tiêu phát triển đặt ra cho trung tâm tài chính tại Thành phố.
- Bà Mary Tanowka, Giám đốc điều hành, AmCham Vietnam
TP.HCM là một trong những đô thị năng động nhất trên thế giới và cũng là đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Đây là một thành phố rất hấp dẫn để đầu tư, làm việc và sinh sống. Đến nay đã có hơn 550 công ty thành viên của chúng tôi đầu tư vào TP.HCM và vùng phụ cận.
Tôi cho rằng, Thành phố cần đầu tư trọng tâm hơn vào hạ tầng giao thông như đường cao tốc, bến cảng, trung tâm logistics, sân bay, để gắn kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiếp tục đầu tư vào năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, tiến tới mục tiêu zero carbon vào năm 2050. Thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện các cam kết ESG của chính họ.
Chúng tôi hoan nghênh các chiến lược của Thành phố trong việc thực hiện chính quyền điện tử và đưa TP.HCM trở thành thành phố thông minh. AmCham coi trọng đối thoại và quan hệ đối tác với các cơ quan chức năng của Thành phố. Chúng tôi cam kết hợp tác để cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững. Chúng tôi đang đầu tư vào TP.HCM và đầu tư vào tương lai của thành phố này.
- Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham
Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đã cởi mở, cạnh tranh và hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp ngoại. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, TP.HCM cần chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường khuôn khổ pháp lý, ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp, mở rộng quỹ đất cho đầu tư, nâng cao tốc độ chuyển đổi của TP.HCM thành thành phố thông minh thông qua phát triển hạ tầng hiện đại và đào tạo lao động tay nghề cao. Chú trọng các ngành chiến lược công nghệ cao vì các ngành này đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.
EuroCham rất mong muốn được làm việc với các cơ quan chức năng của TP.HCM để giải quyết những khó khăn trong phát triển của Thành phố. Khi những vấn đề này được giải quyết rốt ráo, Thành phố sẽ giữ vững là một trong những điểm đến cạnh tranh nhất đối với FDI trên thế giới và là động lực tăng trưởng chính cho Việt Nam.
- Ông Kim Nam Hoon, Tổng giám đốc Công ty SH Investment Consultant
\Việc thu hút FDI tại Việt Nam đang bị cản trở bởi thiếu nhân lực lành nghề, giá thuê đất nhà xưởng quá cao và hệ thống thị thực rất bất tiện. Việt Nam muốn thu hút FDI chất lượng cao thì phải thành lập trường trung học kỹ thuật, trung học thương mại hoặc trung tâm dạy nghề, cung cấp nhân lực cần thiết cho các công ty như mô hình Hàn Quốc đã làm.
Đối với giá thuê đất nhà xưởng quá cao hiện nay, Việt Nam cần ưu đãi về giá thuê đất cho các doanh nghiệp. Riêng đối với thị thực, các nhà đầu tư cảm thấy rất bất tiện khi đến đầu tư tại Việt Nam. Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý có thể xem xét cung cấp miễn phí thị thực cho nhà đầu tư nước ngoài.
- Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM
Đối với Khu công nghệ cao TP.HCM, muốn thu hút các doanh nghiệp FDI phải dựa trên yếu tố sản xuất trình độ cao, đó là con người, khoa học - công nghệ và hệ sinh thái ngành, chứ không thu hút bằng các yếu tố như ưu đãi thuế.
Về cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM, chúng tôi đề xuất chính quyền Thành phố hỗ trợ các chương trình, đề án khoa học - công nghệ. Đồng thời, giao Khu công nghệ cao là đầu mối chủ trì các đề án khoa học - công nghệ. Đặc biệt, TP.HCM cần có cơ chế ưu đãi để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với những ngành công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
- Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA)
TP.HCM cần đưa logistics trở thành một trong những ngành ưu tiên cho gói kích cầu. Gói này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp lãi suất vay để nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ, đồng thời kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng logistics.
Gói này không chỉ hỗ trợ cho ngành logistics, mà còn giúp các doanh nghiệp ngành khác giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
- Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hàng hóa TP.HCM
Tôi cho rằng, chính quyền TP.HCM cần lưu ý đặc trưng của từng địa phương khi xây dựng chính sách phát triển và quy hoạch. Ngoài ra, nên trao quyền chủ động về ngân sách, quy hoạch, phát triển đô thị cho chính quyền các địa phương này. Điều đó sẽ giúp chính quyền các địa phương có chính sách phát triển phù hợp với đặc trưng, bối cảnh của địa phương mình, vốn khác so với vùng lõi trung tâm TP.HCM.
- Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza)
Định hướng thu hút đầu tư của TP.HCM trong những năm tới tập trung vào những ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, dựa trên nền tảng công nghệ cao. Đặc biệt là các ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phần mềm, vi mạch, robot...
Để thu hút các ngành công nghệ cao, chúng tôi đề xuất 3 giải pháp: Chính phủ điều chỉnh tăng quỹ đất công nghiệp để đón các nhà đầu tư lớn; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tạo cơ chế một cửa tại chỗ ở khu công nghiệp; có cơ chế ưu đãi với các “đại bàng” gồm tiền thuê đất, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp...
- Ông Võ Mạnh Tín, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BCG Land
Cần xây dựng các đô thị vệ tinh để chuyển dịch các ngành sản xuất truyền thống về đó, TP.HCM chỉ tập trung vào các ngành công nghệ cao, dịch vụ, tài chính… Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc Thành phố đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, phát triển và hoàn chỉnh hạ tầng giao thông ở các vùng ngoại thành nhằm tạo ra nhiều quỹ đất cho sự phát triển. Qua đó, giúp giảm áp lực, sức nén về nhu cầu nhà ở cũng như các vấn đề về hạ tầng giao thông, tiện ích xã hội lên các khu vực đô thị hiện hữu.
Điều mà doanh nghiệp bất động sản cần nhất hiện nay là các thủ tục, quy trình phê duyệt pháp lý dự án cần được cải cách mạnh hơn. Hiện nay, trong mảng bất động sản, nhiều tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Thuận… đã thu hút những dự án tỷ đô, mà trong đó có không ít doanh nghiệp đến từ TP.HCM. Điều đó cho thấy môi trường đầu tư là cực kỳ quan trọng.
- Ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT Novaland
Chương trình Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và mục tiêu xây dựng 2,5 triệu m2 nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025 của TP.HCM là chương trình vô cùng thiết thực và nhân văn.
Với kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có, Novaland sẽ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội. Đây cũng một mục tiêu mà Tập đoàn sẽ hoàn thành để góp phần vào nỗ lực của Chính phủ và TP.HCM trong việc giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động.
Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện, hoàn thiện về chính sách để các doanh nghiệp bất động sản tham gia vào quá trình xây dựng nhà ở xã hội thuận lợi hơn.
- Ông Nguyễn Trường Thịnh, Founder Công ty Phô mai Việt Nam (Vinacheese)
Hiện nay, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức khởi nghiệp, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có nhiều hỗ trợ cho các startup như tư vấn về pháp lý, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ…
Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp, là “bàn ăn” của thế giới, đây là thế mạnh của chúng ta. Vì thế, cùng với việc phát triển công nghệ 4.0, chúng ta cũng cần chú trọng phát triển nông nghiệp. Mong các cơ quan, đoàn thể, ban, ngành quan tâm nhiều hơn, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối các startup trẻ như chúng tôi với nông dân để đưa nông sản Việt Nam đi xa hơn.