Chính phủ Đức dự kiến giữ 2 "ghế" trong Ban kiểm soát của Lufthansa. Ảnh: AFP |
Hai nguồn thạo tin của Reuters cho hay, Chính phủ Đức và hãng hàng không hàng đầu lớn nhất nước này Lufthansa đã đạt thỏa thuận sơ bộ về gói cứu trợ 9 tỷ euro (tương đương 9,8 tỷ USD).
Ban chỉ đạo Quỹ cứu trợ chống dịch Covid-19 của Đức dự kiến sẽ nhóm họp với Ban quản trị Lufthansa cùng đại diện phía Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 25/5 (giờ địa phương) để xem xét thỏa thuận trên.
Hãng hàng không lớn thứ 2 châu Âu Lufthansa đã từ chối bình luận về thỏa thuận này, trong khi Bộ Kinh tế Đức khẳng định các cuộc đàm phán liên quan đến thỏa thuận trên đã bước vào giai đoạn cuối nhưng chưa chính thức hoàn tất.
Sau thông tin đạt được gói cứu trợ “khủng”, cổ phiếu của Lufthansa tăng vọt 6,2% lên 8,56 EUR/cổ phiếu. Lufthansa cho biết tuần trước đã xúc tiến đàm phán về thỏa thuận. Theo đó, Chính phủ Đức sẽ giữ 2 "ghế" trong Ban kiểm soát của hãng này, nhưng chỉ thực hiện quyền bỏ phiếu trong các trường hợp bất thường nhằm bảo vệ hãng này trước nguy cơ bị thâu tóm.
Lufthansa đã đàm phán với Chính phủ Đức trong nhiều tuần qua về gói cứu trợ giúp hãng này đối phó với lượng khách sụt giảm kéo dài do đại dịch Covid-19. Trong khi đó, các đối thủ như Air France-KLM của Pháp và Hà Lan và 3 hãng hàng không lớn của Mỹ, gồm: American Airlines, United Airlines và Delta Air Lines đều đã tìm kiếm được khoản viện trợ từ chính phủ.
Theo Lufthansa, các điều khoản trong thỏa thuận với Chính phủ Đức có thể gồm cả việc bỏ thanh toán cổ tức trong tương lai và giới hạn về trả lương cho cấp quản lý.
Cũng theo nguồn tin của Reuters, Chính phủ Đức dự kiến nắm giữ 20% cổ phần tại Lufthansa. Đức cũng sẽ chi 300 triệu EUR (tương đương 327 triệu USD) mua cổ phiếu phát hành mới của Lufthansa với giá danh nghĩa 2,56 EUR/cổ phiếu. Ngoài ra, Chính phủ Đức có thể sẽ sở hữu thêm 5% cổ phần tại Lufthansa bằng việc chi 5,7 tỷ EUR mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết.
Ngoài khoản viện trợ trên, Lufthansa sẽ nhận được khoản vay 3 tỷ EUR từ Ngân hàng quốc doanh KfW. Lufthansa và cơ quan giám sát cạnh tranh Đức vẫn đang thảo luận về các vị trí tại sân bay mà Lufthansa sẽ phải ngừng khai thác để đảm bảo gói cứu trợ cho hãng này không vi phạm quy định cạnh tranh trong kinh doanh.
“Các vị trí tại sân bay mà Lufthansa ngừng khai thác sẽ được xem xét kỹ lượng bởi đây là gói cứu trợ đầu tiên trong đại dịch được tiến hành theo hình thức góp vốn”, nguồn tin của Reuters cho biết.
Tờ nhật báo kinh tế Handelsblatt dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước này sẽ đấu tranh để các biện pháp phục hồi kinh tế không quá khó khăn.