Thời sự
Đức ‘Nhân’ trong đạo làm tướng của Võ Nguyên Giáp
PGS-TS. Trần Ngọc Long - 22/12/2013 09:59
Đức “Nhân” trong con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp được biểu hiện qua những mối quan hệ chủ yếu: với nhân dân, với bộ đội, với kẻ địch và với chính bản thân. Tướng Thước: 'Võ Nguyên Giáp là vị tướng toàn năng' >Hình ảnh nhân dân nghẹn ngào vĩnh biệt Đại tướng >100 sự kiện trong đời Tướng Giáp

Năm nay, lần đầu tiên kỷ niệm ngày truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam vắng bóng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Trần Ngọc Long, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam về đức Nhân vị tướng của lòng dân.

Suốt đời tu trọn đức NHÂN

Thời thế tạo ra anh hùng, nhưng anh hùng lại góp phần tạo ra thời thế. Đó là quy luật của lịch sử. Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một minh chứng cho điều đó. Cuộc đời và sự nghiệp của Ông gắn liền với những chặng đường vẻ vang, với những chiến công hiển hách của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng - một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng của Nhân Dân

Trong lịch sử quân sự thế giới, có lẽ hiếm có một người nào xuất thân từ một thầy giáo dạy sử, chưa từng kinh qua một trường lớp chính quy nào về quân sự lại được giao sứ mệnh cầm quân để rồi trở thành “người Anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thành một “thống soái quân sự” cỡ lớn như Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Năm nay, lần đầu tiên kỷ niệm ngày truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam vắng bóng Anh Văn, nhưng với bộ đội, với nhân dân Việt Nam, cũng như nhiều người trên thế gian này, kể cả những người một thời là đối thủ bên kia chiến tuyến, thì Võ Nguyên Giáp vẫn sống mãi như một danh tướng, một nhà chính trị đi trước nhà quân sự, một thống soái quân sự cỡ lớn, một cây đại thụ rợp bóng nhân văn. Riêng với cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, Ông không chỉ là “người Anh cả” của Quân đội, mà còn là một vị tướng suốt đời tu trọn đức NHÂN trong “đạo làm tướng”.

Trong các truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam mà Võ Nguyên Giáp kế thừa, phát triển đều lấy chữ “Nhân” làm gốc. Đức “Nhân” trong con người Võ Nguyên Giáp được biểu hiện qua những mối quan hệ chủ yếu: với nhân dân, với bộ đội, với kẻ địch và với chính bản thân.

Lấy dân làm gốc

Hơn ai hết, Võ Nguyên Giáp là một vị tướng hiểu rõ và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “trọng dân”, “nước lấy dân làm gốc” của các bậc tiền nhân. Yếu tố nhân dân luôn luôn bám rễ sâu trong tư duy quân sự của Võ Nguyên Giáp. Ngay từ buổi đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Ông đã soạn thảo “Muời lời thề” và trực tiếp huấn thị các đội viên thấm nhuần sâu sắc nội dung “Mười lời thề”, trong đó đề cập chủ yếu đến mối quan hệ quân - dân.

Trong hai cuộc kháng chiến, trên cương vị Tổng Tư lệnh, Võ Nguyên Giáp thường nhắc nhở các mặt trận, địa phương “thà mất đất chứ nhất quyết không để mất dân”. Với Ông, yếu tố chính trị quần chúng là chỗ dựa không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động quân sự nào. Dưới “trướng” Ông, quan hệ quân - dân như cá - nước đã trở thành nét đẹp truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam kể cả trong thời chiến lẫn thời bình. Võ Nguyên Giáp có công lớn trong việc tạo dựng hình ảnh “Anh bộ đội cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Trong con người Võ Nguyên Giáp luôn hội tụ đủ tố chất của một vị tướng: Trí, Dũng, Tín, Liêm, Trung và các tố chất ấy đều được phát triển trên nền tảng của đức “Nhân”. Võ Nguyên Giáp là một con người “Dĩ công vi thượng”, luôn biết đề cao vai trò của tập thể, có ý thức phục tùng tổ chức, kể cả khi sự phân công của tổ chức không phù hợp với cương vị và sở trường của mình. Ông luôn biết chịu đựng, kiềm chế, chờ đợi; biết hành động, nói ra thế nào, vào thời điểm nào mà không phương hại đến tập thể, quân đội và đất nước.

Thương yêu bộ đội hết mực

Với bộ đội, Đại tướng - Tổng tư lệnh giống như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi. Trước nhiều trận đánh lớn, bao giờ Ông cũng viết thư thăm hỏi, động viên bộ đội. Ông thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; chăm lo bồi dưỡng cán bộ, thương yêu, quý trọng và biết trọng dụng những người có đức tài.

Võ Nguyên Giáp là một con người luôn coi trọng việc mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể. Ông luôn biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cấp dưới. Trước khi quyết bất cứ vấn đề hệ trọng nào, Ông đều đưa ra thảo luận tập thể. Võ Nguyên Giáp là một vị tướng thương yêu bộ đội hết mực, cho dù người đó giữ cương vị to hay bé, quân hàm cao hay thấp.

Là một nhà cầm quân, thì phải khát khao chiến thắng, song ở Ông không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá mà chiến thắng phải luôn đi kèm với giảm thiểu hy sinh xương máu của bộ đội một cách thấp nhất. Trong 60 ngày đêm khói lửa ở Thủ đô cuối năm 1946, chứng kiến những chiến sỹ quả cảm ôm bom ba càng lao vào xe thiết giáp của địch, lòng vị Tổng chỉ huy day dứt khôn nguôi. Ông đã chỉ thị và tạo mọi điều kiện cho ngành quân giới, dưới sự chỉ huy của Trần Đại Nghĩa, nhanh chóng sản xuất Bazoka để hạn chế thương vong cho bộ đội.

Ngoài ra, việc quyết định thay đổi phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài yếu tố bảo đảm đánh chắc thắng còn nhằm giảm thiểu tổn thất cho bộ đội. Võ Nguyên Giáp luôn quan niệm, quý trọng sinh mệnh của cán bộ, chiến sỹ, suy cho cùng cũng là quý trọng sinh mệnh của người dân.

Đức Nhân trong đạo làm tướng của Võ Nguyên Giáp còn bao hàm cả yếu tố “nhân hòa và hòa mục”. Từ mối quan hệ giữa nước với dân là “nước lấy dân làm gốc”, Ông đã giáo dục cho bộ đội thấy được trong mối quan hệ giữa quân và dân, giữa tướng và sỹ thì “nhân hòa” là đạo lý có ý nghĩa quyết định hơn hết của mọi thắng lợi.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp thấu triệt sâu sắc tư tưởng quân sự của Người là phải biết đánh giặc với một hậu phương chiến lược vững mạnh, một căn cứ địa cách mạng được xây dựng bằng sức mạnh của “nhân sơn”, “nhân hải”.

Trong cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, không thể để Mặt trận Hà Nội thiếu một hậu phương trực tiếp, Võ Nguyên Giáp đã đề nghị Thường vụ Trung ương cho sáp nhập Mặt trận Hà Nội với Chiến khu 2. Đề nghị đó được chấp thuận, Mặt trận Hà Nội có hậu phương trực tiếp vững chắc là Hà Đông và Sơn Tây; theo đó, lực lượng cũng được bổ sung tạo cơ sở cho sự ra đời trung đoàn chủ lực đầu tiên mang tên Trung đoàn Thủ đô.

Lấy chí nhân thay cường bạo

Đối với kẻ địch, thấu triệt tinh thần “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của các bậc tiền nhân, Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng biết đánh thắng địch bằng quân sự, mà còn biết thắng địch bằng nhân nghĩa, “biết khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã một thời đứng bên kia chiến tuyến, từ những tướng lĩnh của Pháp và Mỹ đến những người lính Âu - Phi... đều dành cho Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp một sự kính trọng và khâm phục đặc biệt.

Tư tưởng nhân nghĩa được kết tinh từ truyền thống nhân văn trong chống giặc ngoại xâm của cha ông trên tinh thần “không vì tư thù, tư oán” được Võ Nguyên Giáp kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Đây vừa là chiến lược, vừa là sách lược, nhằm “phá được địch mà không phải đánh”, giành được thắng lợi mà không phải tiêu diệt đến tên địch cuối cùng. Chính điều đó đã đưa Võ Nguyên Giáp trở thành “cây đại thụ rợp bóng nhân văn” như nhận xét của một nhà quân sự nổi tiếng thế giới.

Hy sinh và khiêm nhường

Với chính mình, cái “tôi” trong con người Võ Nguyên Giáp là cái “tôi” dĩ công vi thượng. Ông là người nghiêm khắc, nhưng khiêm tốn, bình dị, bao dung và độ lượng; cả cuộc đời cầm quân dường như ít thấy Ông cáu gắt to tiếng với cấp dưới. Duy nhất một lần trong chiến dịch Điện Biên Phủ, người ta thấy Ông phê bình to tiếng với một cán bộ chỉ huy trận đánh Đồi A1; nhưng sau đó hiểu rõ nguyên nhân, Ông đã chủ động cải chính và “làm lành” ngay.

Người ta luôn thấy Võ Nguyên Giáp nói về cái tốt, cái đúng của đồng đội, mà ít khi thấy Ông thanh minh bất cứ một vấn đề nào thuộc về bản thân. Có lẽ, ở Ông còn bộc lộ tính kiên trì và đức “Nhẫn”; tất nhiên “nhẫn” ở đây không có nghĩa là thụ động, là thủ tiêu đấu tranh, mà là sự chịu đựng một cách bình thản, là chờ đúng lúc và chọn đúng cách để giãi bày.

Võ Nguyên Giáp giáo dục cấp dưới đã biết “nhân hòa” thì không kiêu căng; cán bộ không được kiêu căng với chiến sỹ; kiêu căng ắt tạo ra kiêu binh; đã coi trọng “nhân hòa” thì phải biết khiêm nhường, đức khiêm nhường và đức hy sinh đều là những biểu hiện cao cả của nhân hòa và dũng khí, bởi những kẻ khiếp nhược và đê tiện thì đâu dám hy sinh và khiêm nhường vì nhân dân để có thể hiếu với dân.

Là một Đại tướng được phong cấp hàm một lần duy nhất trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (năm 1948), nhưng các tố chất trong đạo làm tướng được hòa quyện vào nhau trên cơ sở lấy đức NHÂN làm nền tảng, đã tạo nên phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh và năng lực siêu phàm của danh tướng Võ Nguyên Giáp.

Đạo làm tướng trong con người Võ Nguyên Giáp không chỉ bộc lộ ở tư tưởng, ở ý chí, ở chỗ giữ cho cá nhân mình được trong sạch; mà trở thành triết lý sống, phương pháp hành động; trở thành phẩm chất năng lực của một tướng quân. Chính điều đó đã làm cho hình ảnh của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong lòng bộ đội, nhân dân và bạn bè quốc tế trở nên bất diệt.

Phấn đấu để được trở thành một tướng quân đã khó; suốt đời giữ trọn ĐẠO LÀM TƯỚNG lại càng khó hơn. Vậy mà Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã làm được điều đó.n

(*) Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác