Ngân hàng thương mại ồ ạt xin room tín dụng cao ngất ngưởng, NHNN nêu lý do không chiều
Từ đầu năm đến nay, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 8,16%, nhiều ngân hàng thương mại đã sử dụng gần hết room tín dụng được cấp và đang mong ngóng được Ngân hàng Nhà nước nới thêm room.
Trao đổi với báo chí sáng 15/6, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước 3 năm trở lại đây cho thấy, room tín dụng mà các ngân hàng thương mại đăng ký luôn trên 20%, vượt xa khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế.
Nếu chiều theo nhu cầu tăng trưởng tín dụng trên của các ngân hàng thương mại, áp lực với lạm phát là rất lớn. Bởi vì để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. Đây cũng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng room tín dụng.
Theo ông Quang, mỗi năm Ngân hàng Nhà nước đều đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng, nhưng đều có sự điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của tưừng tổ chức tín dụng.
Về room tín dụng của các ngân hàng thương mại, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, hiện nay nhiều ngân hàng vẫn chưa sử dụng hết room tín dụng được cấp. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
Đặc biệt, hiện có tình trạng một số ngân hàng đã cho vay cận room 155 với khách hàng lớn, ông Quang khuyến nghị cần đa dạng hóa danh mục để giảm rủi ro.
“Định hướng mà Ngân hàng Nhà nước mong muốn là chuyển tải dần vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng sang các phân khuc khác của thị trường vốn”, ông Phạm Chí Quang khẳng định.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dù lạm phát 5 tháng đầu năm chỉ tăng 2,25% song áp lực lạm phát với nền kinh tế nước ta là rất lớn, đặc biệt là lạm phát nhập khẩu vì độ mở nền kinh tế cao.
Trên thế giới, các nước đang tăng cường chính sách thắt chặt tiền tệ. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên thế giới đã có 114 lượt tăng lãi suất. Áp lực nhập khẩu lạm phát thế giới cộng với nhu cầu tín dụng tăng nhanh trong nước sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý.
11 năm qua, kể từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế room tín dụng, song song với việc nâng cao áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào quản trị của hệ thống ngân hàng.
“Nhưng dù là vậy, nhu cầu tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế rất cao. Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng bình quân của nước ta là trên 30%/năm, có năm tăng 53,8%, vượt xa khả năng quản trị và cân đối vốn của ngân hàng thương mại, dẫn tới mất khả năng thanh toán.
Với bài học đó, Ngân hàng Nhà nước phải đi song song cả hai chân: vừa nâng cao chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, vừa giám sát từ sớm, từ xa các hoạt động của ngân hàng thương mại, trong đó có tín dụng.
NHNN không gia hạn Thông tư 14, doanh nghiệp buộc phải dừng cơ cấu nợ sau hạn 30/6
Đây là thông tin được ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) khẳng định. Như vậy, doanh nghiệp chỉ còn được cơ cấu nợ đến hết tháng 6/2022.
Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc tiếp tục gia hạn quy định về cơ cấu nợ (Thông tư 14/2021/TT-NNNN), ông Trần Đăng Phi cho hay, cuối năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”
Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản cũng cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp và người dân đã trở lại trạng thái hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, việc kéo dài Thông tư 14/2021/TT-NNNN (sửa đổi các Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19) là không cần thiết.
Hơn nữa, quy mô dư nợ tín dụng với các đối tượng được cơ cấu nợ theo Thông tư 14 chỉ chiếm 5% tổng dư nợ, nên việc dừng thực hiện Thông tư này cũng không khiến tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng nhiều.
“Với tinh thần dó, NHNN không đặt vấn đề kéo dài Thông tư 14”, ông Phi cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, không nên gia hạn Thông tư 14 khi Thông tư này hết hiệu lực vào 30/6 tới đây.
“Dù là nợ xấu hay nợ dưới chuẩn thì ngành ngân hàng đang chịu rủi ro, nếu tiếp tục kéo dài thì kéo dài nỗi lo nợ trong tương lai. Các tổ chức cũng nên nhìn nhận và đánh giá lại doanh nghiệp của mình, có giải pháp hỗ trợ tiếp tục duy trì tìm kiếm nguồn vốn. Do đó, việc dừng Thông tư 14 vào thời điểm ngày 30/6/2022 là phù hợp để các tổ chức tín dụng lo dần những khoản nợ tiềm ẩn trong tương lai và có hướng xử lý”, ông Hùng nêu quan điểm.
Theo Hiệp hội ngân hàng, 2 năm qua, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Quy định cho phép cơ cấu nợ của Thông tư 01/2020/TT-NHNN; Thông tư 03/2021/TT-NHNN; Thông tư 14/2021/TT-NHNN khiến những khoản nợ dưới chuẩn được cơ cấu để khách hàng được vay tiếp tăng lên.
Theo số liệu, hàng triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song nợ cơ cấu chỉ rơi vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Thực tế, nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng cao hơn nhiều so với số liệu trên sổ sách kế toán. Dừng thực hiện Thông tư 14 sẽ giúp các ngân hàng đối mặt rõ hơn với nợ xấu.
Về phía NHNN, ông Nguyễn Đăng Phi cho biết, sau khi dừng thực hiện Thông tư 14, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh cũng như vướng mắc của doanh nghiệp để có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.
Kiểm soát rủi ro tín dụng bất động sản
Bất động sản là thị trường tiềm năng để ngành ngân hàng triển khai tín dụng, song nguồn vốn cho vay bất động sản chủ yếu là vốn trung và dài hạn, nên khó tránh được rủi ro.
Ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay với khách hàng cá nhân có nhu cầu thực sự về nhà ở, cũng như các dự án có đầu ra tốt.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nguồn vốn vào bất động sản chủ yếu là vốn trung và dài hạn, trong khi vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn, cho vay trung, dài hạn nhằm hạn chế rủi ro.
TS. Hùng cho rằng, cần xác định nguồn vốn vào thị trường bất động sản không chỉ hoàn toàn từ tín dụng ngân hàng. Thị trường vốn phải song hành với thị trường tiền tệ, thị trường tiền tệ chỉ là bổ sung cho thị trường vốn. Doanh nghiệp muốn huy động vốn trung, dài hạn phải qua thị trường vốn (trái phiếu, chứng khoán, quỹ đầu tư nước ngoài...) mới phát triển bền vững và bớt phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng.
Trong giai đoạn 2019-2021, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu huy động một lượng vốn lớn là 71.000 tỷ đồng. Ba tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp này tiếp tục phát hành trái phiếu huy động được hơn 30.000 tỷ đồng. Nhưng hiện tại có khó khăn, nên các doanh nghiệp đang tìm biện pháp để khơi thông thị trường vốn đối với lĩnh vực bất động sản.
Chủ trương của Chính phủ, NHNN luôn là kiểm soát tín dụng ở các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản, chứng khoán, nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. Bong bóng bất động sản năm 2009 - 2013 đã để lại hậu quả nợ xấu và phải thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để xử lý nợ của ngành ngân hàng.
Phó thống đốc thường trực NHNN, ông Đào Minh Tú cho rằng, bất động sản năm 2009-2011 tăng nóng dẫn đến vỡ bong bóng, để lại “cục máu đông” nợ xấu đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để. Điều này ảnh hưởng lớn đến nền tài chính quốc gia và quá trình phát triển. Vì thế, chính sách của NHNN là kiểm soát chặt chẽ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao. Quan điểm điều hành này của NHNN cũng là thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
Theo ông Đào Minh Tú, không thể nói khác về câu chuyện kiểm soát dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản. Nếu rót quá nhiều vốn vào lĩnh vực này, rủi ro sẽ rất lớn vì sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn lớn để cho vay trung, dài hạn. Như NHNN đã báo cáo của Quốc hội, 94% dư nợ bất động sản là trung và dài hạn. NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại xem xét cho vay các dự án hiệu quả, chứ không phải là siết, nhưng phải đảm bảo được rủi ro.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản hiện là hơn 12% trên tổng dư nợ, giảm nhiều so với năm 2018 (26%). Điều này cũng phù hợp với lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 34% kể từ tháng 10/2022. Phần lớn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của ngân hàng là vào bất động sản, nên phải có giải pháp tiếp theo để giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhằm kiểm soát rủi ro.
Theo ông Đào Minh Tú, nhiều năm qua, ngành ngân hàng vẫn phải dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để phát triển bất động sản, phát triển kinh tế, trong khi thị trường vốn, thị trường trái phiếu chưa phát triển mạnh. Do đó, thị trường tiền tệ vẫn phải gánh cho cả thị trường vốn, thị trường trái phiếu. Nhưng điều này không thể tiếp tục mãi được, vì thị trường vốn trung, dài hạn sẽ chậm phát triển.
“Tuy nhiên, việc rút dần của thị trường tiền tệ cũng phải phù hợp với tốc độ và đảm bảo sự phát triển của thị trường vốn trung, dài hạn, nếu rút ngay, sẽ rất khó cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong 2 năm qua đã bị hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, ông Tú nói.
Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, tài chính, khi nói đến “siết” dòng vốn tín dụng vào bất động sản, cần hiểu rõ rằng, dòng vốn đó vào phân khúc nào. Nếu dòng vốn tín dụng ngân hàng vào phân khúc khách hàng cá nhân có nhu cầu thực sự về nhà ở, cũng như các dự án có đầu ra tốt, thì ngân hàng sẵn sàng cho vay. Đồng thời, dòng vốn tín dụng ngân hàng vào hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp cũng cần được khuyến khích.
Tuy nhiên, cần thiết kiểm soát dòng tiền vào bất động sản kinh doanh, đầu cơ để hạn chế rủi ro nợ xấu. Cụ thể, nên “siết” và kiểm soát dòng tiền vào các khu đô thị “bỏ hoang” được mua đi bán lại. “Các nhà đầu cơ bất động sản sử dụng đòn bẩy vốn vay ngân hàng sẽ khó có sức chịu đựng lâu dài nếu không quay vòng được vốn”, TS. Lịch nói.
Thanh toán online bùng nổ, ngân hàng mong cơ chế xử lý tranh chấp rõ ràng
Nhiều người dân cho biết không còn nhu cầu tiêu dùng bằng tiền mặt. Phòng giao dịch của các ngân hàng ngày càng "ế khách” khi hầu hết dịch vụ đều có thể thao tác trên kênh số.
Tại Hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt” diễn ra chiều nay (17/6), ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho hay, hành vi, kỳ vọng người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Tác động đa chiều của đại dịch Covid-19 càng khiến thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm ở nước ta đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản mobile money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Khảo sát của tổ chức thẻ Visa cho thấy, những năm gần đây, tỷ lệ người dân sử dụng cùng một lúc rất nhiều hoặc một trong các phương thức không dùng tiền mặt như thẻ hay ví trên mobile… lên tỷ lệ rất cao trung bình khoảng 93%, trong đó, Việt Nam 95%, Singapore khoảng 97%, Malaysia là 96%.
Số lượng ngày người tiêu dùng không cần dùng tiền mặt và có thể quản lý chi tiêu của mình không dùng tiền mặt thì với Việt Nam là trung bình khoảng 13,7 ngày và nằm trong top rất tốt, cứ 3 người thì 2 người cố gắng sử dụng không cần dùng tiền mặt, đồng thời 50% là thành công trong việc sử dụng không dùng tiền mặt.
Thực tế tại các ngân hàng cho thấy, khách hàng ngày càng có xu hướng giao dịch trên kênh số. Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB cho hay, chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc với các ngân hàng bởi hiện nay, hầu hết khách hàng không còn muốn giao dịch tại quầy nữa mà chủ yếu giao dịch online. Năm 2021, kênh số chiếm hơn 92,3% số lượng giao dịch tại MB.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cũng cho hay, hiện nay, tỷ lệ giao dịch qua online ở nhiều ngân hàng lên tới 90%. Ngay cả vùng nông thôn có yếu tố công nhân, công nghiệp cũng có tới 98%, còn cao hơn đô thị
“Việc thanh toán hiện nay là phổ biến và thích ứng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ cập”, ông Tâm nói.
Mặc dù thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng bùng nổ, lãnh đạo các ngân hàng thương mại vẫn chỉ ra nhiều thách thức.
Ông Lưu Trung Thái cho hay, 4 thách thức lớn nhất là: lãnh đạo, nhân sự, công nghệ, cạnh tranh
“Việc chuyển đổi số là đầu tư với quy mô lớn, nhưng doanh thu và lợi nhuận tạo ra lại là câu hỏi rất lớn, trong khi dịch vụ cơ bản miễn phí, nên bao giờ tạo ra hiệu quả thực sự là rất khó”, ông Thái cho biết MB liên tục triển khai dự án nhưng quan niệm coi chuyển đổi số là quá trình chứ không phải là dự án.
Về nhân sự đặt ra yêu cầu tăng hiệu suất, làm chủ công nghệ và quản lý trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh. Thách thức về cạnh tranh đặt ra, nên MB sẽ đặt vấn đề vừa cạnh tranh và hợp tác để các kết nối tăng lên nhanh.
Đề xuất giải pháp, ông Thái đề xuất cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các nền tảng ngành ngân hàng, tăng dịch vụ và tính bảo mật, an ninh an toàn. Đẩy mạnh chuẩn QR quốc gia VietQR, gia tăng cung cấp sản phẩm đến khách hàng eKYC để phòng ngừa rủi ro, tiếp cận đa dạng và thuận tiện sản phẩm ngân hàng. Có cơ chế cho phép trích lập dự phòng xử lý rủi ro công nghệ.
Trong khi đó, đại diện HDBank đề nghị, hàng lang pháp lý liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt cần đầy đủ hơn để có cơ sở giải quyết các tranh chấp.
“Hiện nay, mỗi khi tranh chấp xảy ra, ngân hàng thường chủ động chịu thiệt”, lãnh đạo ngân hàng cho hay.
Tỷ giá thế nào sau quyết định của Fed mà các chuyên gia khuyến nghị phải theo sát
Sau khi Fed tăng lãi suất, tỷ giá USD/VND dự báo tăng không quá lớn do: NHNN thực hiện chính sách điều hành linh hoạt chủ động, bám sát diễn biến thị trường và can thiệp khi cần thiết.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức cao kỷ lục (khoảng 110 tỷ USD) và nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 5 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD và cả năm dự kiến vẫn thặng dư (dự báo khoảng 4-8 tỷ USD).
Các chuyên gia kinh tế nhận định, tác động của chính sách này đến Việt Nam là không nhiều vì cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư đều đã dự báo trước động thái này.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực nhận định, việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ có một số tác động nhất định.
Thứ nhất, việc này sẽ khiến cho chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng đồng USD bị tăng lên.
Thứ hai, sẽ tác động một phần đối với tỷ giá vì USD đã đang và sẽ còn tăng giá và tỷ giá sẽ tăng nhẹ
Thứ ba, có thể bắt đầu thêm sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư tức là khi Fed tăng lãi suất thì dòng vốn sẽ quay trở về Mỹ vì lãi suất ở đó cao hơn và một phần quay trở lại châu Âu vì mức độ rủi ro ở đó được đánh giá thấp
Tuy nhiên, ông Lực nhận định, khả năng dịch chuyển vốn không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn. Nhưng bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá tại Việt Nam.
Theo TS Lực, tỷ giá năm nay sẽ gặp nhiều áp lực hơn năm ngoái, song vẫn sẽ ở trạng thái tương đối ổn định. Dự kiến, tỷ giá năm nay chỉ tăng 0,5 - 1% so với năm ngoái do quan hệ cung - cầu ngoại tệ tương đối tốt.
Một chuyên gia tài chính khác cũng nhận định, so với mức tăng 0,25% của những lần trước, việc Fed tăng 0,75% có thể tác động rõ nét hơn, nhưng vẫn không phải quá lớn đến Việt Nam. Vì vay ngoại tệ của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp FDI.
Mặc dù đánh giá lần tăng lãi suất này của Fed không đáng lo ngại, song giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải theo sát động thái của Fed từ nay đến cuối năm.
Trường hợp, nếu Fed tăng lãi suất nhiều lần với cường độ mạnh, thì chắc chắn tỷ giá trong nước sẽ khó tránh khỏi tác động tâm lý.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 2-2,3%. Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND.
Báo cáo cập nhật vĩ mô mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, áp lực điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn, tiền đồng dự báo mất giá khoảng 2-2,5% trong năm 2022.
Mặc dù vậy, VDSC nhận định, tiền đồng sẽ không bị mất giá quá mạnh như các đồng tiền khác dựa trên một số cơ sở.
USD đang neo ở mức cao kỷ lục, nhóm phân tích kỳ vọng về lộ trình tăng lãi suất của Fed đã phản ánh phần nhiều vào đợt tăng từ đầu năm đến nay, chỉ số USD sẽ khó giảm mạnh, nhưng cũng khó tăng cao hơn từ vùng hiện tại.
Áp lực mất giá của đồng nhân dân tệ sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và định hướng điều hành tỷ giá linh hoạt tiếp tục được khẳng định trong cuộc họp mới nhất của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi tín hiệu sẵn sàng ứng phó với áp lực lớn hơn nữa từ những biến động bên ngoài trong thời gian tới. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại khoảng hơn 100 tỷ USD, tương đương 3,1 tháng nhập khẩu.
Theo VDSC, diễn biến cán cân thương mại và cung - cầu USD trong nước có thể tạo áp lực lên tỷ giá trong một số thời điểm, tuy nhiên, NHNN vẫn có khả năng can thiệp để cân bằng lại khi cần thiết.
Số liệu của Tổng cục Hải Quan cho thấy, cán cân thương mại thâm hụt khoảng 1,7 tỷ USD trong tháng 5, và lũy kế 5 tháng thì thặng dư thương mại đạt 632 triệu USD.
Về cơ bản, nhóm phân tích VDSC cho rằng, cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2022 sẽ đối diện với nhiều làn gió “ngược”, bao gồm tình hình giá nguyên liệu và nhập khẩu xăng dầu tăng cao, là yếu tố không khả quan đối với cán cân thương mại.
Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp giải ngân dù tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng đồng thời áp lực chuyển lợi nhuận về nước của doanh nghiệp FDI khi lãi suất tăng ở các nền kinh tế phát triển và xu hướng rút ròng vốn đầu tư gián tiếp khiến mất cân đối cung -cầu USD.
Từ những cơ sở này, VDSC kỳ vọng tiền đồng chỉ mất giá khoảng 2-2,5% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm % so với kỳ vọng đưa ra đầu năm nay.Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng dự báo biến động của tỷ giá trong thời gian sắp tới sẽ không quá lớn, cả năm dao động quanh mức trên dưới 2%.
Trong khi đó, HSBC đánh giá, Ngân hàng Nhà nước cũng theo kịp tiến độ bình thường hóa chính sách tiền tệ. Nhờ xuất khẩu ấn tượng và tiêu dùng cá nhân phục hồi, Việt Nam chắc chắn lấy lại mức tăng trưởng như trước đại dịch.
Trong khi lạm phát hiện tại vẫn ở dưới mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước, HSBC dự báo tình trạng giá năng lượng cao còn kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả nói chung lên, nhiều khả năng sẽ có lúc vượt qua trần 4% của Ngân hàng Nhà nước trong nửa sau của năm 2022, nhưng chỉ là tạm thời. Và tình hình đó có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2022 trước khi tăng lãi suất ba lần mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023.
NHNN đặt lộ trình xem xét sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng
Vàng luôn được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh lạm phát cao và khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Nhưng với các nhà đầu tư trong nước, rót vốn vào vàng rất rủi ro.
Trước các ý kiến cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần được sớm sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, cần có thêm thương hiệu vàng khác để cạnh tranh với SJC.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trước đây khi xây dựng Nghị định 24 để áp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Trong suốt 10 năm qua, không chỉ NHNN mà các báo cáo, đánh giá, nhìn nhận đều cho thấy câu chuyện quản lý vàng đã tạo được sự ổn định trong quản lý kinh tế vĩ mô, từ đó kiểm soát lạm phát, kiểm soát được thị trường vàng, không tác động đến mặt bằng giá cả và các chỉ tiêu khác.
Tuy nhiên, sau 10 năm, có những tác động của tình hình kinh tế thế giới, tác động của hàng hóa vàng thế giới với Việt Nam, NHNN đã và đang cử các đoàn nghiên cứu, đánh giá câu chuyện vàng bạc thực tế trong nền kinh tế, nhu cầu thực của người dân là thế nào... để có hướng sửa đổi Nghị định 24.
Theo lãnh đạo NHNN, không phải Quốc hội đặt vấn đề NHNN mới nghiên cứu mà việc này các lực lượng chức năng đã nghiên cứu hàng năm nay. NHNN nghiên cứu một cách thấu đáo và cũng đặt ra lộ trình xem xét để sửa đổi Nghị định 24/2012 trong thời gian tới sao cho phù hợp, để đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức.
Trước đó, tại phiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chiều 8/6, đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra điểm bất hợp lý, khi chênh lệch giá giữa vàng miếng SJC - thương hiệu vàng miếng quốc gia và các thương hiệu vàng miếng khác, cũng rất lớn. Việc này gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và gia tăng lạm phát.
Trả lời chất vấn, Thống đốc NHNN nhắc lại sự phức tạp, khó lường trong diễn biến thị trường vàng thế giới thời gian qua do bị tác động bởi nhiều yếu tố, như chỉ số đồng USD hay là căng thẳng chính trị giữa Ukraine và Nga... Có thời điểm giá vàng tăng lên đến 2.000 USD một ounce, rồi lại giảm về quanh mức 1.700-1.800 USD mỗi ounce.
Ở thị trường trong nước, có hiện tượng giá vàng của các nhãn thương hiệu khác ngoài SJC, tức là vàng nguyên liệu, chênh lệch so với quốc tế khoảng 2 triệu đồng một lượng. Nhưng riêng giá vàng SJC tăng ở mức lớn, khoảng 16-17 triệu trên một lượng.
Cũng theo bà Hồng, do chủ trương chống vàng hóa nên từ năm 2014, NHNN không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng. Việc này khiến nguồn cung vàng giảm.
Với biến động của giá vàng thế giới, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng cũng lo ngại về rủi ro, nên thường niêm yết giá rất cao. Chẳng hạn, SJC, thương hiệu vàng mà người dân ưa chuộng, thường được niêm yết giá cao. Theo giá vàng được các doanh nghiệp niêm yết, hiện mức chênh mua - bán của các doanh nghiệp khoảng 1-1,5 triệu đồng một lượng.
Giá vàng cao, chênh nhiều giữa các nhãn hiệu vàng trong nước, song ở phía cầu, lãnh đạo NHNN nhận xét, người dân cũng giảm nhu cầu mua vàng miếng. Tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng cho thấy, người dân cũng không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều khi số liệu là bán ròng, có nghĩa khi giá càng cao, người dân mang đi bán để lấy VND nên NHNN chưa nhập khẩu để can thiệp thị trường vàng.
Vì nhập về sẽ phải dùng tới dự trữ ngoại hối, song NHNN đã sẵn sàng phương án can thiệp trong trường hợp cần thiết để bình ổn thị trường khi cần thiết.
Một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư trong nước không còn xem vàng là kênh đầu tư như trước khi Nghị định 24 được ban hành là do giá vàng trong nước không được liên thông với quốc tế. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiên định với mục tiêu chống đôla hóa, vàng hóa trong nhiều năm qua. NHNN cho rằng, từ khi Nghị định 24 đi vào cuộc sống (từ năm 2012 đến nay) đã cho thấy, lợi ích đem lại rất lớn cho nền kinh tế, kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô.
Đó là giá vàng không còn “nhảy múa” như trước khi có Nghị định 24 và không ảnh hưởng chung tới tất cả các giá cả hàng hóa, không ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, giới phân tích tài chính cho rằng, do Nghị định 24 ra đời đã được một thời gian khá dài, trong khi tình hình thực tế thị trường đã thay đổi nên cũng cần có dự thảo để sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 24 phù hợp hơn với diễn biến thị trường.
Nhà đầu tư trong nước không thể coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng như một số kênh đầu tư khác trong bối cảnh thị trường vàng trong nước không liên thông với quốc tế. Vì Chính phủ đã sớm đưa loại tài sản này vào quản lý chặt chẽ và ổn định giá từ năm 2014 đến nay. Hoạt động xuất nhập khẩu vàng cũng được cơ quan quản lý đưa về một mối là NHNN.
Thế nhưng, một khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế quá lớn, lên đến hàng chục triệu đồng và có thời điểm chênh đến 20 triệu đồng/lượng cũng là một điểm đáng lưu ý.
Các kiến nghị từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cũng được gửi lên NHNN gần đây và cho rằng, cơ quan quản lý cũng sẽ lưu ý để làm sao giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có sự cân bằng, liên thông với nhau, thay vì giá vàng SJC một mình một chợ như hiện nay.
Vì nếu chênh lệnh quá lớn như hiện nay dẫn tới nguy cơ đầu cơ và nhập lậu vàng vào Việt Nam. Vả lại, người mua vàng trong nước chịu thiệt lớn, trong khi nhu cầu tích trữ vàng của người dân Á Đông, trong đó có Việt Nam là không thể thiếu từ trước đến nay.
VGTA đề nghị NHNN sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 24/2012. Vì ở thời điểm 2012, thị trường vàng Việt Nam có nhiều bất ổn, tình trạng các cơn sốt vàng thường xuyên xảy ra nên Nghị định 24 được ban hành vào thời điểm đó là phù hợp và đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm, trong bối cảnh hệ thống luật phát đã thay đổi, nhiều quy định tại Nghị định 24 hiện đã không còn phù hợp. Đặc biệt, nhiều điểm trong Nghị định 24 cần phải được thay thế cho phù hợp với hệ thống pháp luật cũng như những thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đã tham gia trong những năm gần đây.
Trong đó, phải kể đến là các luật pháp mới được ban hành trong thời gian qua như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Thương mại...
Đồng thời, để phát triển sản xuất vàng trang sức, đề nghị Chính phủ và NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu để sản xuất.
Đây cũng là giải pháp quan trọng để thu hẹp giá vàng trong nước và quốc tế không có sự chênh lệch cao như vừa qua, lên đến 17-20 triệu đồng/lượng.