Lo đầu vào lẫn đầu ra
Là nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động thương mại từ năm 2009, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được hưởng những lợi thế nhất định khi bán hàng trên thị trường. Nhưng từ đầu năm 2018 trở lại đây, nhà máy này phải đối mặt với những biến động lớn ở cả đầu vào lẫn đầu ra.
. |
Cụ thể, giá dầu thô đầu vào từ đầu năm 2018 đến nay đã tăng mạnh so với năm 2017 với con số cụ thể là 74,64 USD/thùng so với 56,52 USD/thùng. Mức giá thực tế này cao hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra cho năm 2018 chỉ là 53,15 USD/thùng.
Điều đáng nói là, trong khi giá dầu thô đầu vào tăng mạnh (32%) so với bình quân năm 2017, thì giá bán sản phẩm lại không theo kịp mức tăng này.
Trong báo cáo mới được UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi tới Chính phủ có nêu, giá xăng Ron 95 năm 2018 là 89,56 USD/thùng, cao hơn 17% so với mức 76,43 USD/thùng của năm 2017; xăng RON 92 có sự chênh lệch 18% giữa mức 86,76 USD/thùng với 73,43 USD/thùng, mặt hàng diesel chênh lệch 26% với con số tương ứng là 83,7 USD/thùng và 66,42 USD/thùng.
Ở khâu đầu ra, việc NSRP bắt đầu bán hàng ra thị trường cũng đem lại thách thức lớn cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
“Từ tháng 5/2018 đến nay, khi Nghi Sơn bắt đầu cung cấp sản phẩm cũng là lúc nhu cầu của thị trường khá thấp, trong khi nguồn cung hàng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lẫn nhập khẩu lại khá dồi dào. Điều này dẫn tới dư thừa nguồn cung, khiến giá bán các sản phẩm của Dung Quất bị ảnh hưởng lớn theo hướng bất lợi”, ông Trần Ngọc Cang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay.
Với việc NSRP đã chốt bán khoảng 419.000 m3 xăng dầu trong tháng 8/2018, chào bán khoảng 554.000 m3 trong tháng 9/2018 và một lượng tương đương trong các tháng tiếp theo, thị trường được đánh giá là đang “bội thực”. Trước đó, khối lượng xăng dầu NSRP đã sản xuất từ tháng 6/2018 vẫn chưa tiêu thụ hết và còn đang nằm tại các kho ở khu vực phía Nam và phía Bắc.
Thực tế này khiến lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và UBND tỉnh Quảng Ngãi cho là “gây áp lực đến việc tiêu thụ xăng dầu các tháng cuối năm 2018 cũng như các năm tới”.
“Theo ghi nhận ý kiến của một số khách hàng, đặc biệt là Petrolimex, việc giá bán thấp trong thời gian qua khiến cho thị trường xăng dầu nội địa rất bất ổn. Giá bán quá thấp khiến cho mức chiết khấu trên thị trường thay đổi liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra và tồn kho của nhiều đầu mối”, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay.
Với các nguồn cung hiện có ở trong nước, gồm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, NSRP và các cơ sở chế biến condesate, mặt hàng dầu diesel sẽ cần nhập khẩu lớn, từ hơn 1 triệu m3 đến 3,6 triệu m3 trong thời gian từ 6 tháng cuối năm 2018 đến năm 2022.
Sợ kém về cơ chế ưu đãi
Để đảm bảo sản xuất, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang nhập khẩu một phần dầu thô Azeri có xuất xứ từ Azerbaijan với mức thuế nhập khẩu 5%, do không thuộc thành phần thực hiện Đối xử Tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Bởi vậy, mức thuế nhập khẩu dầu thô của NSRP là 0% cũng được cho là tạo ra những khoảng cách nhất định trong quá trình cạnh tranh giữa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và NSRP.
Với thực tế cung vượt cầu ở mặt hàng xăng theo tính toán trên, việc xuất khẩu xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng khi được chế biến từ tài nguyên dầu thô.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng liệt kê hàng loạt điểm yếu về cơ chế, chính sách của Nhà máy lọc dầu Dung Quất so với Nghi Sơn. Cụ thể, Dung Quất không được cấp bù 3-5-7% cho hạt nhựa, LPG hay xăng dầu khi bán tại nội địa. Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% của Dung Quất chỉ áp dụng 30 năm kể từ khi hoạt động, còn của NSRP là cả đời dự án; hay Dung Quất không được tự do chuyển đổi ngoại tệ như NSRP mà phải xin phép Ngân hàng Nhà nước khi có nhu cầu và thanh toán cho từng hợp đồng mua dầu…
Trao đổi với báo giới, đại diện Bộ Công thương cũng cho hay, khoản ưu đãi tương đương với thuế nhập khẩu Chính phủ dành cho NSRP nhằm để đảm bảo hiệu quả đầu tư Dự án cho các nhà đầu tư, đảm bảo khả năng trả nợ của Chủ đầu tư trong giai đoạn đầu khi Dự án đi vào hoạt động. BSR cũng đã được hưởng khoản ưu đãi này trong giai đoạn đầu khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại.
Được biết, Bộ Công thương đã đồng ý cho NSRP được xuất khẩu 70.000 m3 xăng RON92; 170.000 m3 xăng RON 95; đồng thời yêu cầu NSRP xin ý kiến Bộ Tài chính về các vấn đề liên quan đến thuế, giá xuất khẩu trước khi thực hiện xuất khẩu sản phẩm.