Không để nhà đầu tư đơn độc
Khởi động từ năm 2009 với 9 nhóm công tác PPP nông nghiệp, đến nay, cả nước đã có 8 nhóm PPP nông nghiệp và một số ngành hàng khác như lúa gạo, chăn nuôi… cũng đang đề xuất thành lập nhóm công tác PPP. Đã có 15 tập đoàn đa quốc gia tham gia các nhóm PPP này, như Nestle, Unilever, IDH, Metro Cash & Carry Việt Nam, Syngenta, Monsanto, Olam, Công ty Tài chính quốc tế (IFC)…
Thế nhưng, trong 8 nhóm ngành hàng PPP nông nghiệp hiện nay, chỉ có nhóm cà phê và chè hoạt động sôi nổi, đạt được mục tiêu đề ra, trong khi kết quả hoạt động của các nhóm khác nhìn chung rất yếu. Thậm chí, theo thông tin của Báo Đầu tư, nhà đầu tư Metro Cash & Carry Việt Nam còn muốn rút khỏi nhóm PPP thủy sản. Trong khi đó, IFC cũng không còn tiếp tục tham gia nhóm PPP tín dụng nông nghiệp.
Vốn đầu tư vào nông nghiệp còn rất hạn chế, trong đó vốn FDI vào lĩnh vực này chiếm chưa tới 1,3% tổng vốn FDI của cả nước. Ảnh: Đức Thanh |
Một trong những nguyên nhân được Ban Thư ký Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững (PSAV) chỉ ra là sự tham gia thiếu nhiệt tình của cơ quan chức năng (như Tổng cục Thủy sản). Bên cạnh đó, vốn thực hiện các dự án PPP chủ yếu vẫn do doanh nghiệp tự bỏ ra, trong khi khu vực công chỉ tham gia đối thoại, tháo gỡ chính sách; nói cách khác, gọi là dự án đối tác công - tư, song các dự án này mang tính chất dự án tư nhân nhiều hơn.
“Dự án PPP có nghĩa là Nhà nước phải trực tiếp góp vốn tham gia cùng doanh nghiệp để thực hiện. Tuy nhiên, do thời gian qua, vốn thực hiện các dự án PPP chủ yếu do doanh nghiệp đóng góp, nên chưa mang đúng tính chất PPP”, bà Phạm Thị Hồng Hạnh (Ban Thư ký PSAV) nhận xét.
Liên quan vấn đề này, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận, phát triển các dự án PPP nông nghiệp vẫn rất khó khăn, một phần do sự tham gia của khu vực công còn hạn chế.
“Thực tế, đối với PPP trong nông nghiệp thời gian qua, sự tham gia của khối công chưa như mong đợi. Ngoài ra, năng lực và kinh nghiệm thúc đẩy dự án còn hạn chế, đồng thời cũng chưa hình thành được mạng lưới chuyên gia trong vấn đề này…”, ông Tuấn phân tích.
Trước những vướng mắc của các nhà đầu tư khi tham gia dự án PPP, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, PPP là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư vào chế biến sâu. Bộ sẽ luôn theo sát nhà đầu tư để có những tháo gỡ kịp thời về mặt cơ chế, lấy ý kiến nhà đầu tư để hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Nhà nước sẽ rót vốn tham gia cùng doanh nghiệp
Hiện nay, vốn đầu tư vào nông nghiệp rất hạn chế, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến nay, tổng vốn FDI vào nông nghiệp mới đạt trên 3,6 tỷ USD, chiếm chưa tới 1,3% tổng số vốn FDI của cả nước. Do đó, đẩy mạnh các dự án PPP là một trong những giải pháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng sẽ kích hoạt được dòng vốn FDI cũng như vốn đầu tư tư nhân trong nước đổ vào nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, quyết tâm thu hút đầu tư theo cơ chế PPP đã được Bộ thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật. Hiện tại, Thông tư về đầu tư PPP theo chuỗi giá trị đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Thông tư này, ngay khi được phê duyệt, sẽ là căn cứ pháp lý để Bộ tham gia sâu hơn vào các dự án PPP.
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh cho biết, điểm đáng mừng là bắt đầu từ năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương thực hiện một số dự án mới, mang đúng tính chất PPP. Cụ thể là sẽ thử nghiệm ở 6 dự án. Riêng một dự án sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đối tác như IDH, Unilever, Nestle phối hợp thực hiện. Trong đó, Chính phủ có thể góp tới 30% kinh phí, 70% kinh phí còn lại là từ các doanh nghiệp đối tác.
“Hiện các dự án đã được hoàn thiện về văn kiện, thủ tục và đã được gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng ký gói dự án”, bà Hạnh cho hay.
Tuy nhiên, hiện nay, vướng mắc lớn nhất là thông tư về chuỗi giá trị PPP mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hiện vẫn đang chờ Chính phủ phê duyệt, nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có hành lang pháp lý để góp vốn tham gia dự án. Dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP, song Nghị định lại chủ yếu thiên về các vấn đề đầu tư hạ tầng.
Bên cạnh sự tham gia tích cực hơn của khu vực công, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, một yếu tố nữa để các dự án PPP thực hiện thành công là cần sự tham gia của doanh nghiệp trong nước cùng với các tập đoàn nước ngoài, bởi đa số dự án PPP hiện nay do doanh nghiệp FDI thực hiện chưa có sự kết nối nhiều với doanh nghiệp trong nước, khiến mô hình này khó lan tỏa.
“Các nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện rất tốt về công nghệ, vốn, thị trường, nhưng lại yếu hơn các nhà đầu tư trong nước trong mối quan hệ tương tác với nông dân, làm việc với chính quyền địa phương, với các ngân hàng… Do vậy, nếu các cơ quan chức năng tích cực tham gia kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thì các dự án PPP sẽ phát triển lan tỏa rất nhanh”, ông Tuấn nhận định.