Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Hậu Giang thống nhất trình cổ đông kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 35%, cao hơn so với kế hoạch đề ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm năm trước (30%).
Phương án chi trả cổ tức sẽ được trình cổ đông thông qua tại cuộc họp thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 19/4/2023. Cổ tức năm 2022 tương đương năm liền trước nhưng vẫn thấp hơn mức 40% của năm 2019 và 2020.
Với gần 131 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Dược Hậu Giang cần chi xấp xỉ 457,5 tỷ đồng. Taisho Pharmaceutical - công ty mẹ sở hữu 51,01% vốn Dược Hậu Giang dự kiến sẽ nhận được gần 234 tỷ đồng. SCIC - cổ đông lớn thứ hai của công ty nhận về 198 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của Dược Hậu Giang cô đặc khi hai cổ đông lớn đã nắm giữ tới 94,3% vốn điều lệ.
Dược Hậu Giang sở hữu lượng tiền dồi dào. Công ty chỉ để hơn 34 tỷ đồng tiền mặt tại quỹ nhưng lượng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn trên 3 tháng lên tới 2.355 tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng tài sản trị giá gần 5.170 tỷ đồng của công ty.
Nguồn vốn tài trợ cho các hoạt động của công ty cũng chỉ có một phần nhỏ khoảng 17% đến từ vốn vay (877 tỷ đồng). Trong đó, vay ngân hàng xấp xỉ 115 tỷ đồng, đều là khoản vay ngắn hạn. Tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của hãng dược này đạt 4.291 tỷ đồng. Ngoài khoản vốn điều lệ 1.307 tỷ đồng, công ty còn gần 1.960 tỷ đồng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển, 1.018 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Năm 2022, Dược Hậu Giang thu về 4.676 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 17% và 27% so với năm 2021. Khoản lợi nhuận đạt được trong năm vừa qua cũng là mức cao nhất kể từ khi công ty đi vào hoạt động. Nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm kháng sinh và sản phẩm phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch là động lực chính giúp tăng doanh thu. Cùng đó, công ty chủ động tăng dự trữ nguyên liệu, kiểm soát tốt chi phí, công nợ và dòng tiền. Đồng thời, năng suất lao động và hiệu quả đầu tư tăng, tồn kho giá thấp cũng giúp lãi gộp được cải thiện.
Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt 7.318 đồng. Cổ phiếu DHG đang giao dịch trên sàn HoSE với mức giá 98.500 đồng, theo cập nhật cuối ngày 01/3/2023. Tương ứng, P/E của cổ phiếu xấp xỉ 13,5 lần.
Dù sẵn vốn và tiền mặt, hoạt động đầu tư mới của Dược Hậu Giang giải ngân khá chậm. Công ty đang đầu tư mở rộng dự án nhà máy dược phẩm và nhà máy in bao bì DHG. Đến cuối năm 2022, giá trị đầu tư đạt gần 47 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 39 tỷ đồng trong năm.
Hãng dược phẩm dự kiến tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 19/4/2023. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 17/3. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/3.
Lợi nhuận trước thuế của Dược Hậu Giang liên tục tăng trong bốn năm gần đây. (Nguồn: BCTC) |
Ngành dược năm qua phải đối mặt với nhiều thách thức như gián đoạn chuỗi cung ứng và chiến dịch chống tham nhũng trong ngành y tế. Dù vậy, hầu hết các công ty ngành dược đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng ở mức hai con số trên mức nền thấp của phân khúc bán theo đơn bác sĩ ETC trong năm 2021.
Theo chuyên gia phân tích từ SSI Research, cuộc đua về nâng cấp chất lượng đang diễn ra tại các công ty dược phẩm lớn. Nhiều công ty đang đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn EU GMP cho các cơ sở sản xuất. Các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn EU GMP sẽ được xét vào nhóm thuốc chất lượng cao nhất trong đấu thầu ở bệnh viện công.
Ngoài ra, việc nâng cấp EU GMP sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư ban đầu và chi phí duy trì cao, các yêu cầu khắt khe và thời gian phê duyệt kéo dài, các công ty sẽ phải cân nhắc việc theo đuổi cuộc đua này hoặc đầu tư vào các mảng khác để có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn.