Ngân hàng - Bảo hiểm
Được nới room, tín dụng có bật tăng?
Vân Linh - 14/07/2023 09:19
Mặt bằng lãi suất giảm so với đầu năm 2023, song các ngân hàng cho hay, khó có thể đẩy mạnh cho vay trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu ra của doanh nghiệp giảm.
MSB đã sử dụng hết hạn mức cho vay trong 3 tháng đầu năm. Ảnh: Lê Toàn

Room được nới

Trong bối cảnh tín dụng 6 tháng mới đi được 1/3 chặng đường của năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có động thái giao thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% (dự kiến hơn 1 triệu tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế từ nay đến cuối năm).

NHNN cho biết, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của các tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động của hệ thống…  

Thực tế cho thấy, ngân hàng không còn khát room tín dụng. Agribank cho biết, tăng trưởng của Ngân hàng không đáng kể, do đó Agribank chưa có nhu cầu điều chỉnh chỉ tiêu. Tương tự, Vietcombank không đề nghị điều chỉnh room tín dụng. VietinBank, BIDV được điều chỉnh lên 14%.

Nhiều ngân hàng cổ phần trong nhóm tư nhân cũng chưa sử dụng hết room tín dụng được giao đầu năm 2023. Chỉ có MSB sớm sử dụng hết hạn mức cho vay trong 3 tháng đầu năm nay. Với tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6/2023 đạt 7,7%, OCB vừa được nới room tín dụng so với đợt đầu năm.

Khác với các năm trước (cầu tín dụng tăng trong khi room tín dụng khá chật hẹp), năm nay, ngân hàng còn nhiều dư địa cho vay trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm. Lãnh đạo các nhà băng cho biết, không huy động vốn bằng mọi giá, mà chỉ huy động đủ nhu cầu để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm lại.

Tín dụng có tăng?

NHNN cho hay, đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, mới tăng 4,73% so với cuối năm 2022, bằng 1/3 kế hoạch. Theo Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú, sở dĩ tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm thấp do cầu tiêu dùng giảm; một số doanh nghiệp lớn không có nhu cầu tín dụng; doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vốn, nhưng khó đáp ứng được điều kiện tín dụng đưa ra; các ngân hàng hết sức thận trọng trong lựa chọn khách hàng, đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro nợ xấu…

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay, ít nhất là 1,5-2%. Đồng thời, ngành ngân hàng cần có các giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cho rằng, không phải vì tín dụng chưa tăng nhanh mà ngân hàng hạ chuẩn tín dụng. Ngược lại, tăng trưởng tín dụng luôn đi với nguyên tắc là không hạ chuẩn tín dụng, bởi việc hạ chuẩn đồng nghĩa với rủi ro tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Thực tế hiện nay cho thấy, tại một số ngân hàng, nợ xấu nội bảng vẫn dưới 3%, nhưng nợ tiềm ẩn đang có xu hướng tăng.

Trước bối cảnh thị trường khó khăn, tín dụng tăng thấp, thì áp lực lãi vay vẫn khá cao. Hiện lãi suất cho vay doanh nghiệp phổ biến ở mức 9-12% tùy từng phân khúc khách hàng, riêng lĩnh vực ưu tiên có lãi vay thấp hơn. Các doanh nghiệp cho rằng, mức lãi suất này vẫn ngoài tầm với của họ và cần giảm thêm.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM dự báo, lãi suất có xu hướng giảm và tốc độ giảm lãi suất cho vay 6 tháng cuối năm sẽ mạnh hơn so với trước đây. Dòng vốn huy động giá rẻ đã bắt đầu về, nên khả năng lãi suất cho vay sẽ giảm sâu hơn.

Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành, thị trường và các tổ chức phân tích vẫn kỳ vọng, NHNN sẽ hạ thêm 0,5 điểm %, đưa lãi suất điều hành mức 4% trong quý III/2023. Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, bối cảnh hiện nay đã khác, nên lãi suất cho vay khó có thể quay về thời tiền rẻ như giai đoạn Covid-19. Tuy nhiên, thời điểm này, vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất.

Tin liên quan
Tin khác