Những thông tin tích cực từ các địa phương cùng các thông tin vĩ mô đều cho thấy, kinh tế Việt Nam đang hồi phục. |
Sẵn sàng hồi phục mạnh mẽ
Trong làn sóng Covid-19 thứ tư bùng phát dữ dội, TP.HCM là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất. Thế nên, năm 2021, GRDP của đầu tàu kinh tế cả nước đã tăng trưởng âm tới 6,78%, mức giảm sâu nhất trong lịch sử.
Nhưng tình hình đang dần được cải thiện. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, kinh tế - xã hội của Thành phố đã khởi sắc trong quý I, với tăng trưởng GRDP 1,88%. “Đây là mức tăng trưởng chưa cao, song việc GRDP của TP.HCM đã tăng trưởng dương là rất đáng mừng, cho thấy kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ”, ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, kết quả này có được là do trong thời gian qua, TP.HCM đã rất tích cực triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đóng góp tới hơn 20% GDP của cả nước, việc kinh tế TP.HCM phục hồi sẽ góp phần quan trọng thúc tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm nay, tăng trưởng GDP đã đạt 5,03%, cao hơn mức tăng trưởng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020.
Không chỉ TP.HCM, nhiều địa phương trong cả nước đã đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cao trong quý đầu năm. Tăng trưởng trên 10% có Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hải Phòng... Tăng trưởng trên 8% có Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nam... Điều đáng nói, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, là tăng trưởng có được ở cả phía cung (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) và phía cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu)...
Đặc biệt, Bắc Giang còn tăng trưởng trên 14%, dẫn đầu cả nước. “Hiện nay, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều tăng cao, kể cả xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, thu ngân sách”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết.
Cũng theo ông Dương, nhiều khả năng sang quý II, năng lực sản xuất công nghiệp của Bắc Giang sẽ tăng cao, khi các dự án đầu tư nước ngoài đẩy mạnh việc sản xuất. “Chúng tôi hy vọng, quý II, tốc độ tăng trưởng GRDP sẽ đạt trên 20%”, ông Dương nói.
Với đà này, Bắc Giang hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 14,5% đã đề ra. Năm ngoái, dù đối mặt với không ít khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát trong các khu công nghiệp của tỉnh vào tháng 4, tháng 5, song cả năm, tăng trưởng GRDP của Bắc Giang vẫn đạt 7,82%. Những năm gần đây, Bắc Giang đang vươn mình trỗi dậy, khi trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư ở khu vực phía Bắc, với hàng loạt dự án quy mô lớn trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp công nghệ cao “đổ bộ”.
Những thông tin tích cực từ các địa phương, cộng thêm các thông tin vĩ mô về tăng trưởng GDP, thu hút đầu tư, tăng trưởng xuất nhập khẩu, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp... đều cho thấy, kinh tế Việt Nam đang hồi phục.
Đương đầu với bão tố
Có một điểm khá đặc biệt trong các báo cáo về triển vọng kinh tế của Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào cuối tuần qua. Trong khi ADB có cái nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam, thì WB ngược lại.
Trong bản báo cáo có tựa đề “Đương đầu với bão tố”, cập nhật về tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 6,5% đưa ra hồi tháng 10/2021, xuống chỉ còn 5,3%. Thậm chí, đó là kịch bản cơ bản, còn nếu xấu hơn nữa, thì mức tăng trưởng có thể chỉ còn 4,4%.
Lâu nay, ADB và WB có những dự báo khá tương đồng về kinh tế Việt Nam, các chỉ số về tăng trưởng GDP, lạm phát cũng khá sát nhau. Lần này, có lẽ là một trường hợp đặc biệt. Và chính sự khác biệt này đã cho thấy những yếu tố bất định, những rủi ro khôn lường của nền kinh tế.
Theo ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mà WB phải điều chỉnh giảm mạnh các dự báo về tăng trưởng. Và lý do là những khó khăn mà Việt Nam đã gặp phải khi đối phó với biến chủng Omicron, dẫn tới số lượng các ca nhiễm mới tăng cao. Bên cạnh đó, còn là các lý do liên quan đến tình hình giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong đó có giá xăng dầu.
“Mặc dù Việt Nam tận dụng được nhiều nhất các cơ hội để mở rộng thương mại toàn cầu, nhưng chính điều đó lại khiến Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài”, ông Aaditya Mattoo nói.
Trên thực tế, dù ADB có những đánh giá khá lạc quan về kinh tế Việt Nam, song cũng thừa nhận, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít rủi ro, như số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng cao, nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và giá dầu thế giới đang tăng mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
“Nếu dịch bệnh không giảm bớt, thì có thể cản trở sự quay trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế trong năm nay. Sự phục hồi của nền kinh tế cũng còn phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai nhanh chóng và hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội”, ADB nhận định.
Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh những rủi ro mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Đó là tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tăng trưởng, lạm phát, giá dầu, ổn định tài chính; dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh trong cộng đồng; một bộ phận cán bộ, người dân còn chủ quan, lơ là trước dịch bệnh khi nước ta có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cao và mở cửa hoàn toàn các hoạt động kinh tế - xã hội...
“Sức mua vẫn chưa phục hồi. Chỉ số giá tiêu dùng tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Một số ngành kinh tế chủ lực như điện tử, xây dựng, du lịch còn phục hồi chậm, chưa đạt mức trước dịch. Giải ngân vốn đầu tư còn chậm”, ông Mãi đã nói như vậy về những khó khăn trong hiện tại của TP.HCM.
Đó cũng chính là những khó khăn chung mà kinh tế Việt Nam sẽ phải “đương đầu” trong thời gian tới đây.
“Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023, do tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries nhận định.