Việc dốc sức thi công của ngành điện vẫn không thể cứu vãn được thực tế Đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) không thể hoàn thành trong tháng 12/2020 bởi vướng giải phóng mặt bằng sạch.
Thi công tuyến đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Dốc Sỏi - Pleiku |
Theo ông Bùi Văn Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), đến thời điểm cuối tháng 12/2020, công tác bàn giao mặt bằng của dự án vẫn chưa hoàn thành. Tính toàn dự án, phần móng mới hoàn thành 1.551/1.606 vị trí (đạt 96% kế hoạch). Phần hành lang tuyến mới chỉ hoàn thành 1.142/1.606 khoảng cột (đạt 71,11%), trong khi đó, khoảng néo mới chỉ đạt 278/438 khoảng néo (63,4%).
Trước đó, khi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với các địa phương tại TP. Đà Nẵng ngày 6/3/2020, hầu hết các địa phương có đường dây đi qua đều đồng loạt đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng theo chỉ đạo. Tuy nhiên, kết quả là tới nay vẫn có những địa phương chưa đáp ứng được tiến độ theo chỉ đạo.
Cụ thể, các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình triển khai rất quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ. Tỉnh Kon Tum đã hoàn thành bàn giao toàn bộ vị trí móng và hành lang tuyến. Tỉnh Gia Lai bàn giao 100% vị trí móng, 90,91% khoảng cột và 92,3% khoảng néo. Tỉnh Thừa Thiên Huế bàn giao 100% vị trí móng, 77,93% khoảng cột và 80% khoảng néo. Tỉnh Quảng Bình bàn giao 99% vị trí móng, 90,32% vị trí khoảng cột và 76,1% khoảng néo.
Các địa phương hiện còn chậm giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ dự án có Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị và TP. Đà Nẵng.
Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi mặc dù bàn giao 99% vị trí móng nhưng mới bàn giao được 39% khoảng cột và 51% khoảng néo. Tỉnh Quảng Trị bàn giao 96% vị trí móng, 70% vị trí cột và 26% khoảng néo. Tỉnh Quảng Nam bàn giao 88% vị trí móng, 52% khoảng cột và 33,3% khoảng néo. TP. Đà Nẵng đã bàn giao 100% vị trí móng nhưng mới bàn giao được đạt 31,94% khoảng cột và 17,8% khoảng néo.
Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương bàn giao mặt bằng chậm nhất khi mới bàn giao 85% vị trí móng và 58% khoảng cột, 74,2% khoảng néo.
Những nguyên nhân chính khiến công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương này chậm là xác định nguồn gốc đất để thực hiện các thủ tục thu hồi và bồi thường hỗ trợ đất khó khăn, do công tác quản lý đất đai của địa phương còn bất cập.
Nhiều hộ gia đình tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp ngay trên vị trí móng cột và trong hành lang tuyến đường dây của dự án. Đơn giá bồi thường hỗ trợ đất và tài sản trên đất ở nhiều địa phương chưa được các hộ dân thống nhất. Công tác tận thu cây rừng của các chủ rừng còn chậm, đơn giá bán cây cao, địa hình khó khăn nên hầu hết không có đơn vị nào tham gia. Việc xây dựng các khu tái định cư để di chuyển hộ dân ra ngoài hành lang tuyến còn chậm so với tiến độ dự án. Nhiều địa phương chưa đủ nhân lực tại các trung tâm phát triển quỹ đất và hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến trình triển khai các thủ tục để phê duyệt phương án bồi thường và giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Ông Kiên cho hay, theo tiến độ đã được duyệt, phải hoàn thành bàn giao mặt bằng phần móng trong tháng 6/2020, hành lang tuyến trong tháng 8/2020 thì mới đảm bảo tiến độ dựng cột, kéo dây để thi công hoàn thành dự án trong tháng 12/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, công tác bàn giao mặt bằng đã chậm 06 tháng, nên tiến độ hoàn thành dự án cũng sẽ bị chậm.
Cùng với đó, đại dịch COVID-19 và thiên tai diễn biến phức tạp, bão lũ, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến công tác BT-GPMB của dự án. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm chậm tiến độ gần 5 tháng. Ảnh hưởng của bão lũ chậm khoảng 4 tháng.
Với khối lượng mặt bằng phần móng và hành lang tuyến còn lại, EVNNPT sẽ tập trung đôn đốc hoàn chỉnh thủ tục để phê duyệt phương án bồi thường, tiếp tục chi trả tiền cho các phương án đã lập.
Đối với các vị trí móng còn vướng mắc ở các địa phương có khối lượng còn lại nhiều như các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, EVNNPT sẽ tập trung cao độ để giải quyết xong trong tháng 12/2020 và tháng 01/2021; phần hành lang tuyến, sẽ tập trung để hoàn thành theo tiến độ dựng cột/kéo dây, phấn đấu kết thúc trong tháng 03/2021.
Với kế hoạch này, tiến độ hoàn thành, đóng điện các dự án trong Dự án đường dây 500kV mạch 3 là trong tháng 9/2021.
Sáng 18/12/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã tổ chức lễ khởi công các dự án đường dây 500 kV: Nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Quảng Trạch - Dốc Sỏi, Dốc Sỏi - Pleiku2.
Quy mô tổng thể của 3 dự án bao gồm: xây dựng mới gần 742 km đường dây 500 kV mạch kép đi qua 9 tỉnh, thành phố là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai.
Dự án cũng xây mới 8 ngăn lộ 500 kV tại sân phân phối Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; mở rộng một số ngăn lộ 500 kV tại các trạm biến áp 500 kV Vũng Áng, Dốc Sỏi, Pleiku 2; xây dựng mới 3 trạm lặp quang và 3 nhà quản lý vận hành đội truyền tải điện.
Tổng mức đầu tư toàn bộ các dự án là gần 12.000 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thi công của tất cả các dự án là khoảng 20 tháng và phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành vào khoảng tháng 5-6/2020.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc đầu tư dự án đường dây 500 kV mạch 3 là “hết sức cấp bách”, “không thể chần chừ”.