Doanh nghiệp
Dương Mạnh Tân và giấc mơ thương hiệu cà phê sạch
Gia Huy - 10/03/2016 09:47
Từ bỏ công việc có thu nhập ổn định, mày mò học cách làm cà phê sạch chỉ vì chứng kiến những người bà con nơm nớp “lo được mùa rớt giá”, rồi vấn nạn cà phê bẩn, Dương Mạnh Tân bước đầu đã thành công với thương hiệu cà phê sạch Pulls Coffee.

Giấc mơ cà phê sạch

Sinh năm 1986 tại vùng đất thủ phủ cà phê TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), nên việc Dương Mạnh Tân khởi nghiệp với cà phê cũng không phải quá lạ. Nhưng kể về câu chuyện khởi nghiệp của mình, Tân cho biết, mọi việc không tuần tự như vậy.

Năm 2008, sau khi nhận bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh Trường đại học Kinh tế TP.HCM, anh vào làm cho Công ty Bất động sản Phú Mỹ Hưng. Cũng định gắn bó lâu dài ở đây nên anh học thêm ngành xây dựng. Nhưng mọi việc xoay chuyển nhanh. Năm 2011, Tân chuyển qua lĩnh vực ngân hàng với mức lương khá cao...

Dương Mạnh Tân, Giám đốc Công ty TNHH Pulls Coffee

Sự nghiệp gắn với cà phê của Tân chỉ thực sự bắt đầu khi một lần về thăm nhà, đúng vụ thu hoạch cà phê. Anh kể, chứng kiến cảnh dù được mùa lớn mà người dân trồng cà phê vẫn nơm nớp lo do giá bán tiếp tục xuống thấp, rồi thông tin về cà phê bẩn có tẩm ướp hóa chất tràn lan trên thị trường khiến việc tiêu thụ càng khó.

“Tại sao tôi không làm cà phê sạch. Nhưng cũng không dễ làm. Tiền thì phải mượn ba mẹ, nhưng trong gia đình nhiều người bàn ra khi cho rằng, ý tưởng viển vông. May quá, bố mẹ tôi vẫn cho vay 200 triệu đồng. Tôi đã khởi nghiệp với khoản tiền này”, Tân chia sẻ.

Nghỉ việc và mở một quán cà phê nhỏ tại quận 10 (TP.HCM), Dương Mạnh Tân chính thức ngập vào những nỗi lo. Lúc đầu là không tìm được nơi dạy làm cà phê dù bỏ ra cả tháng trời tìm kiếm nhưng đều bị từ chối. May quá, trong lần đi hỏi mua máy rang say cà phê, ông chủ cửa hàng hứa sẽ dạy. Vậy là giao quán cho nhân viên quản lý, Tân trở thành thợ học rang say tẩm ướp cà phê. Hai tháng sau, Tân thành nghề. Xưởng sản xuất đầu tiên của chính Dương Mạnh Tân tại Quận 9 chính thức chạy máy.

Vốn ít, xưởng nhỏ, lại chưa có chỗ bao tiêu sản phẩm, ngoại trừ quán cà phê nhỏ của mình, lo lại chồng chất. Rồi còn giấc mơ cà phê sạch. Vậy là vòng quay mới bắt đầu. Ngày thì bán cà phê, tối mày mò rang say, rồi về quê học cách bà con trong thôn vẫn tự chế biến để uống. Năm 2013, những mẻ cà phê sạch  do chính tay Tân sản xuất ra lò.

Bán lẻ để mọi người biết cà phê sạch là gì

Sau 1 năm đi vào sản xuất, số quán sử dụng cà phê mang thượng hiệu Pulls Coffee ngày một tăng cao. Từ chỗ phải mang thương hiệu cà phê sạch đi bán từng cân lẻ, phải chào khách ở từng cửa hàng nhỏ, mời khách đến tham quan xưởng sản xuất để họ tin sản phẩm của Tân sạch từ nguyên liệu tươi, do lấy ở vườn người dân trồng cho nhà uống ở Bảo Lộc, sạch ở quy trình rang say…, hay phải mua máy xay cà phê đặt tại quán để khách uống an tâm, Pulls Coffee giờ đã có chỗ đứng tại thị trường cà phê khó tính như Sài Gòn.

Nhưng Tân tính toán, nếu chỉ sản xuất và cung ứng theo mô hình này thì khó phát triển, vì những năm này, đang có nhiều tên tuổi mới tiếp cận, chưa kể các thương hiệu cà phê đình đám đến từ nước ngoài đổ bộ vào Sài Gòn. Tân quyết định mở Công ty TNHH Pulls Coffee, xác lập thương hiệu cà phê sạch của mình.

“Với tôi, khó nhất là thay đổi thói quen người tiêu dùng. Một phần vì có nhiều nơi nói làm cà phê sạch, nhưng thực chất lại không phải như vậy, nên ảnh hưởng tới sản phẩm của chúng tôi. Phần khác vì khẩu vị của nhiều người uống cà phê ở Việt Nam quen với loại có pha tạp chất, mặc địch cà phê là phải đen, phải đắng…”, Tân chia sẻ.

Hơn thế, thị trường đang cạnh tranh khốc liệt. 2 năm trước, mọi việc dễ hơn giờ nhiều. Lúc này, doanh nghiệp nhỏ hay bị ép ở mức giá rất thấp. Song, điểm thuận cho sản phẩm Pulls Coffee là người tiêu dùng bắt đầu tìm đến cà phê sạch.

“Chúng tôi tiếp tục hướng phát triển là quán cà phê truyền thống để trực tiếp đưa sản phẩm tới khách dùng. Nhưng cũng phải tính tới việc phát triển mẫu mã mới cho sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu làm cà phê quà tặng”, CEO Dương Mạnh Tân tiết lộ kế hoạch trong năm nay. Từ khi “chào đời” đến giờ, Pulls Coffee chỉ được đóng túi, bịch chứ chưa có sản phẩm đóng hộp.

Ngoài ra, Công ty sẽ phát triển đơn hàng và giao dịch trên hệ thống thương mại điện tử bằng việc bán hàng online qua những kênh như Facebook, 5 giây, Lazada… và đào tạo đội ngũ bán hàng để tăng doanh số.

Vì hướng tới người tiêu dùng cuối cùng, Tân cho biết, nên Pulls Coffee sẽ chấp nhận bán hàng từ nửa cân trở lên và giao tận nhà để mọi người quen với sản phẩm sạch, rồi sau đó mới đưa sản phẩm vào siêu thị, các hệ thống phân phối ở các tỉnh thành. Với thị trường nước ngoài, sẽ có cà phê sạch chuẩn ISO hay các chứng nhận khác mà các nước trên thế giới yêu cầu. “Trước mắt, chúng tôi đang nhắm tới những khách du lịch nước ngoài, mời họ thưởng thức cà phê phin nguyên chất của mình và chia sẻ cho họ cách pha cà phê truyền thống của Việt Nam, để họ biết, Việt Nam không chỉ có cà phê nhân thô…”, Tân nói.

Theo đánh giá của CEO Tân, đây là thời điểm tốt để Pulls Coffee phát triển, bởi thị trường cà phê trong nước, cũng như ở TP.HCM đang bão hòa. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất cà phê nhắm tới sản phẩm cà phê bột pha sẵn, quên đi thị trường truyền thống và rất lớn là cà phê pha phin.

“Tôi muốn những khách hàng uống cà phê pha phin đến với Pulls Coffe vì cà phê của chúng tôi sạch, nguyên chất, đậm đà và trên hết là có lợi cho sức khỏe”, Dương Mạnh Tân nói.

Mọi việc đang tiến triển thuận lợi với CEO của Công ty TNHH Pulls Coffee. Tới thời điểm này, doanh thu hàng tháng từ cà phê sạch của Pulls Coffee đã ổn định ở mức 200 triệu đồng/tháng trở lên, với mức sản phẩm sản xuất được trên 500 kg/ngày. Quan trọng nhất là thương hiệu Pulls Coffee đã được người tiêu dùng chấp nhận. Chớp thời cơ, Tân tìm hướng mở rộng xuất khẩu sau khi đã thử nghiệm với những đơn hàng nhỏ Anh và Mỹ.

“Trong năm nay, tôi sẽ mở rộng nhà xưởng để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đặc biệt là khi đơn hàng xuất khẩu đã bắt đầu tăng về số lượng. Đơn cử như cuối tháng trước, có doanh nghiệp tại Mỹ đặt đơn hàng 20 tấn/tháng, nhưng vì nhà xưởng hiện quá nhỏ nên chúng tôi đành phải lùi đơn hàng này lại, đợi xây dựng nhà xưởng lớn hơn. Dự kiến, nhà máy của chúng tôi sẽ có công suất khoảng 2 tấn/ngày. Lúc đó, Pulls Coffee sẽ đủ sức nhận đơn hàng xuất khẩu lớn”, Tân cho biết dự định của mình.

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Dương Mạnh Tân

Khởi nghiệp có khó khăn không?
Khó khăn khi khởi nghiệp là đương nhiên, vấn đề là có quyết tâm vượt khó hay không.

Khó khăn nhất với người khởi nghiệp là gì?
Kinh nghiệm và đồng vốn. Kinh nghiệm sẽ được đúc kết trong quá trình hoạt động, nghiên cứu, phát triển thị trường hay quá trình sản xuất cụ thể. Nhưng không có vốn thì không thể thành công được. Tất nhiên, mỗi người một hoàn cảnh và khả năng, nhưng phải tìm cách để có được một khoản đầu tiên để bắt tay vào việc.

Yếu tố nào quyết định thành công của anh?
Tôi chưa bao giờ cho phép ý định bỏ dở giữa chừng xuất hiện trong đầu mình, dù có thời điểm tôi phải đi vay nợ hàng tháng để trang trải chi phí. Không từ bỏ thì mới có thành công.
Tin liên quan
Tin khác