Doanh nghiệp
Đường nhập lậu “bức tử” doanh nghiệp mía đường
Thu Phương - 27/08/2019 17:22
Doanh nghiệp mía đường đang lao đao vì đường nhập khẩu, nhiều nhà máy làm ăn thua lỗ, buộc phải đóng cửa, thậm chí, ngành mía đường Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.
Đường nhập lậu tăng mạnh khiến các doanh nghiệp mía đường trong nước lao đao, hàng triệu hộ nông dân trồng mía bị ảnh hưởng.

Suy giảm lợi nhuận, ngừng hoạt động

Thời điểm này, tại Công ty cổ phần Đường mía Sơn La, những bao đường đang xếp thành đống cao ngút, những băng chuyền cho các chuyến hàng lớn đang nằm bất động vì không được sử dụng. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy Chế biến đường Sơn La (Công ty cổ phần Đường mía Sơn La) cho biết, Công ty đang tồn kho gần 40.000 tấn đường (trị giá 500 tỷ đồng).

Cũng trong tình cảnh tương tự, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa hiện cũng tồn kho khoảng 15.000 tấn đường (hơn 170 tỷ đồng).

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, tính đến hiện tại, cả nước tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, mức tồn kho kỷ lục từ trước đến nay. Kinh doanh không thuận lợi, 10 nhà máy đường đóng cửa, 17/36 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Số còn lại cũng chỉ hoạt động cầm chừng, nên rất khó dự đoán chính xác bao nhiêu nhà máy sẽ trụ lại được trong niên vụ 2019 - 2020.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường trong năm vừa qua cũng rất ảm đạm. Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đạt 877,6 tỷ đồng doanh thu thuần trong niên độ tài chính 2018/2019 (1/7/2018 - 30/6/2019), tăng 46% so với niên độ trước, nhưng giá vốn tăng 71,3%, khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng 34,8%. Kết quả, Công ty chỉ thu về 63,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 45,6% so với niên độ trước, ghi nhận năm suy giảm lợi nhuận thứ 2 liên tiếp.

Không khác Mía đường Sơn La, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn công bố doanh thu niên độ 2018/2019 tăng 36,2%, nhưng giá vốn tăng mạnh hơn, kéo lợi nhuận gộp đi xuống. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 6,1 tỷ đồng, giảm 45,5% so với niên độ trước, dù chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đã được Công ty nỗ lực tiết giảm.

Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, một trong những doanh nghiệp có năng lực sản xuất, quy mô lớn nhất ngành đường cả nước, cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ khó khăn chung.

Trong quý IV niên độ 2018/2019, Thành Thành Công - Biên Hòa ghi nhận doanh thu thuần 2.856 tỷ đồng, tăng gần 37% so với cùng kỳ niên độ trước; trong đó, doanh thu bán đường tăng gần 48%. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 54%, khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 197 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Trừ các chi phí, Công ty thu về 76,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 61,1% so với cùng kỳ, dù ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt trên 336 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ.

Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn suy giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, không ít doanh nghiệp nhỏ trong ngành đã phải đóng cửa nhà máy. Đầu tháng 7/2019, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ gửi công văn đến lãnh đạo tỉnh Hậu Giang về việc tạm ngừng sản xuất Nhà máy Đường Vị Thanh, làm dày hơn danh sách các nhà máy mía đường ngưng hoạt động trong thời gian qua.

Trước đó, Nhà máy Đường Hiệp Hòa (Long An) đóng cửa mà không thông báo trước, Nhà máy Đường Bình Định ngưng hoạt động nhiều tháng qua…

Ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Nhà máy Đường Tuy Hòa cho biết, trong niên vụ mía vừa qua, một số vùng mía nguyên liệu đã phải phá bỏ, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng… Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ngành đường trong nước phải đối diện với nguy cơ phá sản.

Đường nhập lậu gia tăng theo cấp số nhân

Theo VSSA, có 3 nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đường lâm vào cảnh “bi đát”, tồn kho tăng. Đó là do khối lượng đường ngoại nhập tăng; đường tạm nhập tái xuất, nhưng không tái xuất, mà để lại tiêu thụ ở thị trường trong nước và lượng đường nhập lậu ngày càng tăng cao.

Nổi cộm nhất, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang được xem là “thiên đường” cho đường nhập khẩu từ Campuchia và Thái Lan vào nước ta. Thống kê của VSSA cho thấy, năm 2018, có trên 800.000 tấn đường nhập lậu và hợp thức hóa tại Việt Nam. Con số này tương đương lượng hàng tồn kho tại các nhà máy đường trong nước.

Hiện giá đường mua sát biên giới Việt Nam - Thái Lan chỉ 8.000 đồng/kg, bán ra thị trường 10.000 đồng/kg, trong khi giá đường tại các nhà máy của Việt Nam đã là 12.500 đồng/kg, bán lẻ ra thị trường 18.000 - 20.000 đồng/kg. Chênh lệch giá cao như vậy, nên đường trong nước khó tiêu thụ là điều hiển nhiên.

Thị trường trong nước đang lao đao vì đường nhập khẩu. Không những thế, từ đầu năm 2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực sau 2 năm tạm hoãn, đường nhập khẩu trong khu vực sẽ có thuế suất 0%. Lúc đó, các nhà máy đường trong nước muốn tồn tại thì phải hạ giá, đồng nghĩa thua lỗ sẽ nặng hơn và đóng cửa nhiều hơn.

Hội nhập là tất yếu, nhưng trong hoàn cảnh cạnh tranh bất bình đẳng vì đường nhập lậu, gian lận thương mại ngày càng tăng, ngành mía đường nước ta đang bị đẩy vào thế khó. Hàng triệu hộ nông dân trồng mía, hàng chục doanh nghiệp chế biến đường trong cả nước chắc chắn sẽ chịu tổn hại lớn, thậm chí, ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

Trước khó khăn của ngành mía đường, VSSA đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ cấu lại sản xuất nguyên liệu mía nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu. Mới đây, VSSA cũng có văn bản khẩn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xin chỉ đạo định hướng giá thu mua mía cho niên vụ 2019 - 2020, trong đó đề xuất tạm hoãn thực thi cam kết ATIGA để có đủ thời gian đánh giá chính xác, toàn diện và chuẩn bị hội nhập.

“Tình hình đường nhập lậu hiện nay đã tác động rất rõ đến sản xuất đường trong nước. Để hạn chế được vấn đề này, thực thi pháp quyền vẫn là quan trọng nhất. Việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật sẽ giúp tạm thời làm yên ổn thị trường. Có như vậy, doanh nghiệp mới có cơ hội để giải quyết phần nào lượng đường tồn kho hiện tại”.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Tin liên quan
Tin khác