| ||
Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được nâng cấp thành cao tốc 6 làn xe |
Theo tờ trình xin phê duyệt Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Tp. Hà Nội vừa được Ban quản lý dự án (PMU) Thăng Long đề nghị Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, tuyến quốc lộ dài 30 km từ Km182+300, Quốc lộ 1 đến Km 211, Quốc lộ 1 này sẽ được đầu tư nâng cấp để thành đường cao tốc loại A, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Đại diện PMU Thăng Long cho biết, có hai lý do khiến việc đầu tư nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn đầu của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông trở lên cấp bách.
Thứ nhất, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện tại được khai thác với quy mô đường cấp I đồng bằng.
Kể từ đầu năm 2012 chỉ có xe cơ giới lưu thông trên tuyến. Hiện mặt đường đã xuống cấp, hư hỏng nhiều, không đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc. Hai là, áp lực giao thông lên tuyến là rất lớn nhất là từ khi tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đưa vào khai thác vào tháng 6/2012.
Theo đề xuất của PMU Thăng Long, Dự án được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I giữ nguyên hiện trạng, cải tạo toàn bộ trắc dọc, mặt đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Mặt bằng giai đoạn I nằm hoàn toàn trong diện tích đã được giải phóng trước đây, trừ vị trí các trạm thu phí.
Do đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ dự kiến tiến hành thu phí để hoàn vốn đầu tư xây dựng cho nhà đầu tư BOT nên trên tuyến có 4 vị trí ra vào đường cao tốc là: đầu tuyến (Km204 +200), nút giao Thường Tín (Km192+873), nút giao Vạn Điểm (Km204 +200) và nút giao cuối tuyến (Km211 +256). Ước tính để xây dựng các trạm thu phí này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải thu hồi khoảng 31.100 m2 đất với giá trị khoảng 15,5 tỷ đồng tại quận Hoàng Mai và 2 huyện: Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Nội.
Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 1.593 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí xây dựng là 1.185 tỷ đồng.
Giai đoạn II của Dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, mở rộng đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới và xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp VI đồng bằng. Dự kiến, Dự án cần phải thu hồi khoảng 1 triệu m2 đất, trong đó có 391 hộ dân sẽ phải tái định cư.
Tổng mức đầu tư giai đoạn II 4.085 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.664 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.232 tỷ đồng.
Để đảm bảo bài toán tài chính, PMU Thăng Long kiến nghị Bộ GTVT lựa chọn phương án nhà đầu tư thực hiện toàn bộ, hoàn vốn xong giai đoạn I mới thực hiện giai đoạn II với mốc tiến độ như sau: giai đoạn I thi công từ quý IV/2013 đến quý IV/2014 và khai thác thu phí hoàn vốn từ quý I/2015.
Anh Minh