Đầu tư
Đường ra cho dự án LNG
Thanh Hương - 19/11/2023 08:37
Thi công được hơn 65% khối lượng công việc, nhưng chủ đầu tư Dự án Điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 đang rất nhấp nhổm, bởi dù rất quyết liệt, song tới nay, Hợp đồng Mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa được ký.

Sự chậm trễ này cũng đang ảnh hưởng tới việc thu xếp phần lớn vốn vay cho Dự án. Khi nói về quá trình thu xếp vốn vay cho Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower, chủ đầu tư Dự án) cũng cho hay, Dự án đã trải qua nhiều thách thức bởi không phải tổ chức tài chính nào cũng coi khí hóa lỏng (LNG) là năng lượng sạch khi có nguồn gốc từ khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Sau những nỗ lực của các bên liên quan để chứng minh điện khí LNG là bước đi phù hợp cho Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải, việc thu xếp vốn vay đã thuận lợi hơn. Mặc dù vậy, để thực sự giải ngân được nguồn vốn này, PPA được xem là điều kiện tiên quyết do đây cũng là cơ sở để các nhà tài trợ nhìn thấy khả năng trả nợ cho những khoản vay được họ mở hầu bao. 

Thế nhưng đã gần 3 năm trôi qua, việc đàm phán PPA vẫn chưa tới thời điểm đặt bút ký chính thức.

Một trong những nguyên nhân chính là cơ quan chức năng hiện chưa ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện khí LNG - điều vô cùng mới với hệ thống điện.

Nguyên do là bởi, khác với các loại hình nhiệt điện than, thủy điện, điện mặt trời hay điện gió… hiện có nhiều nhà máy, nên có nhiều dải thông số đa dạng để xây dựng khung giá phát điện, thì với điện khí LNG, hiện có duy nhất Dự án Nhơn Trạch 3&4 đang xây dựng. Chính vì thế, khi tính toán khung giá, thì cũng chỉ có duy nhất thông số của dự án này.

Nhưng cũng chính việc phải dùng các thông số của một nhà máy để xây dựng khung giá chuẩn, rồi lại dùng chính khung giá này áp dụng vào quá trình đàm phán PPA của nhà máy đó đã khiến nhiều bên liên quan phải suy tính cẩn thận, bởi rất có thể sẽ khó giải thích thấu đáo cho câu hỏi “vì sao” từ các cơ quan luật pháp về sau.

Điểm đáng nói nữa là chủ đầu tư nhà máy điện đã đề xuất mức sản lượng bao tiêu hằng năm là 90% và thời gian áp dụng là 15 năm kể từ khi nhà máy vận hành thương mại. Dù đây là đề nghị phù hợp với thời gian trả nợ vay của dự án, nhưng bên mua điện (EVN) cho rằng, điều này chưa từng có tiền lệ, phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Thực tế trong các hướng dẫn đàm phán PPA hiện nay, việc cam kết sản lượng là theo từng năm và ở mức không dưới 60%. Chốt trên mức đó thì do hai bên đàm phán. Như vậy, khi EVN mua điện từ nguồn có giá cao như điện khí LNG hiện nay và bán lại cho nền kinh tế theo mức giá (có sự chấp thuận của cơ quan chức năng) thấp hơn so với giá mua vào, thì hẳn nhiên, EVN cũng phải suy nghĩ cẩn thận thêm 1 lần nữa nhằm tránh hệ luỵ về sau.

Không có khung giá, sản lượng điện mua hàng năm không cao sẽ khiến việc đàm phán không dễ chốt kèo. Điều này càng khiến cho các nhà máy điện khí LNG khác không có căn cứ thực tế để hiểu và quyết tâm đầu tư nhà máy khác. Do đó, các dự án điện từ khí LNG khác, gồm Hiệp Phước, Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II, Quảng Ninh, Bạc Liêu, Hải Lăng, Long An… cũng khó có thể làm tốt hơn, nhanh hơn Nhơn Trạch 3&4.

Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu có 22.400 MW công suất điện từ khí LNG được đưa vào vận hành từ nay cho đến năm 2030. Chỉ còn 6 năm nữa là tới năm 2030, nếu không sớm có giải pháp cho điện khí LNG hay tìm phương án dự phòng khi các nhà máy điện khí LNG chậm tiến độ, thì việc đáp ứng điện cho nền kinh tế sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định, ngành kinh doanh khí LNG cũng gặp thách thức.

Với vốn đầu tư ban đầu lớn và khách hàng chính lại là phát điện (chiếm trên 90% lượng khí tiêu thụ), nhưng lại chưa giải quyết được bài toán tiêu thụ một cách thông suốt, thì các kế hoạch mở rộng, đầu tư mới hệ thống kinh doanh LNG trên toàn quốc cũng bị ảnh hưởng theo. Đó là chưa kể theo tinh thần của Quy hoạch điện VIII và các cam kết của về cắt giảm phát thải ròng của Việt Nam tại COP26, việc triển khai các dự án điện khí LNG tại Việt Nam sẽ phải dừng sau năm 2035. Có nghĩa, ngành kinh doanh khí LNG chưa kịp phát triển “ra tấm, ra món”, thì đã đứng trước nguy cơ không có dư địa lẫn thời gian.

Tựu trung, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay trong phát triển dự án LNG chính là cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách cũng đứng trước những thách thức lớn, bởi không những phải kịp thời, đúng thời điểm, mà còn cần tầm nhìn dài hạn. Chính sách còn phải có sức hấp dẫn nhất định mới mong hút được dòng tiền lớn để chung sức phát triển một nền kinh tế xanh, sạch như kỳ vọng.

Tin liên quan
Tin khác