Dự án - quy hoạch
Đường Vành đai 3 - TP.HCM vẫn lận đận vì thiếu vốn
Ngọc Tuấn - 27/04/2021 10:28
Sau 10 năm được phê duyệt quy hoạch, Dự án Đường Vành đai 3 - TP.HCM vẫn ở thể “phôi thai”.

Số phận của dự án giao thông cấp bách, trọng điểm hàng đầu vùng Đông Nam bộ này còn tiếp tục lận đận, bởi khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư là rất khó khăn.     

Vành đai 3 đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn, đoạn duy nhất đã hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng

Dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp thêm khó

Vành đai 3 - TP.HCM (gọi tắt là Vành đai 3) là tuyến đường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011. Là dự án trọng điểm, cấp bách, song việc đầu tư khép kín tuyến này gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo kế hoạch, Vành đai 3 sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3 km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương. Phần còn lại gồm 3 đoạn: Tân Vạn - Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3 km; Bình Chuẩn (Bình Dương) - Quốc lộ 22 (TP.HCM) dài 17,5 km; Quốc lộ 22 - Bến Lức (Long An) dài 29,2 km vẫn chỉ nằm trên “họa đồ”.

Ông Mai Chí Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Phúc Long (chủ đầu tư Khu công nghiệp Phúc Long, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho biết, tiến độ đầu tư xây dựng Vành đai 3 chậm khiến việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu của hàng trăm doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Phúc Long tới TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ và các cảng khó khăn hơn nhiều lần.

Hệ thống giao thông đường bộ liên vùng hiện hữu kết nối TP.HCM và Đông Nam bộ hiện đã quá tải, chịu áp lực rất lớn. Tình trạng ùn tắc giao thông không chỉ khiến chi phí vận tải của doanh nghiệp đội lên, mà còn gây mất thời gian, khiến không ít lần kế hoạch cung cấp hàng hóa của doanh nghiệp bị “vỡ trận”.

Chung nhận xét, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai (doanh nghiệp chuyên sản xuất máy phát điện tại Khu công nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, gần đây, lưu lượng phương tiện giao thông tăng rất nhanh, trong khi hệ thống giao thông kết nối liên vùng chưa được đầu tư tương xứng, nhất là Vành đai 3 chưa khép kín, khiến việc vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM về Khu công nghiệp Mỹ Phước trở nên khó khăn. “Chưa tính đến chi phí, thời gian vận chuyển tăng lên khoảng 2 giờ cho cự ly 60 km, với hàng hóa siêu nặng như máy phát điện, có khi phải mất cả ngày để vận chuyển từ cảng Cát Lái tới Mỹ Phước, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp”, ông Trọng than thở.

Quyết tâm thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025

Trong các cuộc tiếp xúc với cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đề đạt ý kiến tăng nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối liên vùng, nhưng do nhiều vướng mắc, nên các tuyến giao thông huyết mạnh vẫn chưa được đầu tư. Bởi vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn khu công nghiệp ở Bình Dương vẫn gặp khó trong việc tìm lời giải cho bài toán tối ưu chi phí vận tải.  

Mới đây, tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho Dự án Đường Vành đai 3, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá, Dự án chậm tiến độ tạo ra bất cập trong việc kết nối hạ tầng, kéo theo không phát huy được hiệu quả đầu tư của các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; TP.HCM - Mộc Bài.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc đầu tư khép kín tuyến Vành đai 3 là hết sức cấp bách, phải quyết tâm thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp với tình hình mới; đồng thời cùng các địa phương rà soát, đánh giá toàn diện tình hình triển khai tuyến đường, những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đề xuất giải pháp, trong đó tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thành theo tiến độ.

Vẫn lận đận vì thiếu vốn

Vấn đề khó khăn lớn nhất trong triển khai Dự án Đường Vành đai 3 là chưa có nguồn lực và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Bộ Giao thông - Vận tải ước tính, tổng mức đầu tư phần còn lại của tuyến Vành đai 3 khoảng 60.000 tỷ đồng (gồm chi phí giải phóng mặt bằng hơn 32.700 tỷ đồng; chi phí xây dựng, tư vấn và chi phí khác hơn 27.200 tỷ đồng).

Trong đó, đoạn Vành đai 3 trên địa bàn TP.HCM có chi phí đầu tư 40.900 tỷ đồng (gồm 22.700 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng; 18.200 tỷ đồng chi phí xây lắp). Nguồn vốn này được khái toán đầu tư 3 dự án thành phần 1A, 1B, 2B và 2 đoạn: Bình Chuẩn (Bình Dương) - Quốc lộ 22, Quốc lộ 22 - Bến Lức (Long An).

Hiện Dự án 1A được đầu tư bằng nguồn vốn ODA (Hàn Quốc), chi phí giải phóng mặt bằng do các địa phương đảm nhận. Đối với Dự án 1B, Bộ Giao thông - Vận tải đang rà soát lại phương án đầu tư theo hình thức BOT; Dự án 2B đã lập xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để gọi vốn ODA. Hai đoạn Bình Chuẩn - Quốc lộ 22, Quốc lộ 22 - Bến Lức chỉ mới lập xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và chưa chốt phương án nguồn vốn.

Với các dự án thành phần, các đoạn thuộc tuyến Vành đai 3 qua các tỉnh còn lại (Bình Dương, Đồng Nai, Long An) hiện vẫn chưa thể tìm thấy nguồn vốn để thực hiện. Cụ thể, Dự án 2A (Đồng Nai) và 2B (Bình Dương) đã lập xong báo cáo tiền khả thi và đang kêu gọi vốn ODA.

Trong Văn bản số 3012/BGTVT-KTĐT, ngày 7/4/2021 gửi các tỉnh, thành phố mà tuyến Vành đai 3 TP.HCM chạy qua, Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, “đến nay chưa thể thu xếp được nguồn vốn”.

Để sớm triển khai Dự án trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị các địa phương có ý kiến về khả năng đảm nhận đầu tư các đoạn Vành đai 3 trên địa phận địa phương mình. Trường hợp địa phương đảm nhận đầu tư, thì đề xuất cơ chế thực hiện. Trường hợp đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, đảm nhận, thì các địa phương cho ý kiến về khả năng đảm nhận toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng.

Không tính các dự án thành phần gọi vốn ODA, đối với các dự án thành phần, đoạn tuyến còn lại, nếu triển khai theo phương án đã chốt trong giai đoạn trước (Bộ Giao thông - Vận tải lo chi phí xây lắp, các địa phương lo chi phí giải phóng mặt bằng), thì Vành đai 3 vẫn tiếp tục lận đận bởi khả năng cân đối nguồn vốn là rất khó khăn. Chưa kể, do dự án Vành đai 3 đã chậm triển khai 10 năm dẫn tới chi phí mặt bằng tăng cao đè nặng lên vai các tỉnh, thành phố trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn chế.

Đơn cử, phương án vốn cho giải phóng mặt bằng dự án thành phần đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch vẫn chưa được xác định cụ thể. Đối với tỉnh Đồng Nai, sau khi được phân tách, có 2 dự án thành phần sẽ được triển khai trên địa bàn gồm dự án thành phần 1A và phân đoạn 2A thuộc dự án thành phần 2. Theo tính toán, nguồn vốn dành cho công tác giải phóng mặt bằng riêng trên địa bàn Đồng Nai để thực hiện 2 dự án thành phần này là hơn 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó thực hiện bởi nguồn ngân sách địa phương rất eo hẹp. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của địa phương bình quân chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng/năm. Do đó, việc bố trí nguồn vốn hơn 2.000 tỷ đồng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 là cực kỳ khó khăn và tỉnh Đồng Nai đang “đau đầu” nghiên cứu khả năng bố trí nguồn vốn phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Giữa tuần trước, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư qua điện thoại, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương cho biết: tình hình chung nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của tình Bình Dương cũng hữu hạn. Do đó, phương án địa phương lo kinh phí giải phóng mặt bằng Vành đai 3 cũng khó khăn. Phương án giao địa phương làm chủ đầu tư và áp dụng hình thức PPP đầu tư các dự án thành phần chạy qua cũng không dễ thực hiện. Lý do là, địa phương không có quỹ đất sạch và khâu tạo quỹ đất hai bên đường đấu giá để tạo nguồn vốn đầu tư cũng không dễ thực hiện.

Khó khăn về nguồn vốn không chỉ là vấn đề đặt ra với hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, TP.HCM và Long An cũng gặp khó tương tự. Các địa phương này đang phải co kéo nguồn vốn khi lập kế hoạch đầu tư trung, dài hạn để có nguồn vốn đầu tư rất nhiều dự án hạ tầng quan trọng mà địa phương đóng vai trò chủ đầu tư. Do vậy, việc cân đối nguồn vốn đầu tư hoặc bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng Dự án Đường Vành đai 3 đang là bài toán cực kỳ hóc búa.

Được biết, Bộ Giao thông - Vận tải đang rà soát toàn diện tình hình thực hiện và tiếp thu ý kiến của các địa phương có tuyến đường Vành đai 3 đi qua để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 4/2021 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đưa ra giải pháp cụ thể triển khai Dự án.

Dự án Đường Vành đai 3 - TP.HCM có tổng chiều dài gần 89,3 km, đi qua địa phận 4 địa phương thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, gồm: Long An, Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai.

Dự án này khi hoàn thành, cùng với các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm, được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội bộ, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

Tin liên quan
Tin khác