Đường đi của cáp quang AAG.
Được biết, việc tuyến cáp này bị đứt ảnh hưởng tới khoảng 40% lưu lượng Internet ra quốc tế của VDC.
Ngoài AAG, đơn vị này cũng khai thác tại một số tuyến cáp biển và đất liền khác. Hiện tại, VDC đã khắc phục được khoảng 60% lưu lượng bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, đại diện Viettel cho hay, đơn vị này bị ảnh hưởng khoảng 15% lưu lượng và đang phối hợp với các bên để khắc phục.
Còn ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT Telecom cũng cho biết lưu lượng Internet ra quốc tế của doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng khoảng 27-31%. FPT đã dùng tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng từ AAG.
Ông Nguyễn Hồng Hải dự đoán, việc đứt cáp có thể do tàu biển lớn thả neo, khi kéo neo làm đứt cáp hoặc do chấn động địa chất… Và, việc hàn cáp sẽ mất ít nhất 5-7 ngày.
Tuy nhiên, trong trường hợp phức tạp (biến động thời tiết, tàu hàn cáp quang không ở gần khu vực, thủ tục xin vào vùng biển bị đứt cáp…) thì việc khôi phục này có thể kéo dài tới hai tuần. Thêm vào đó, khi hàn xong cáp, kỹ thuật viên còn phải kiểm tra lại hệ thống xem kết nối các sợi cáp đã chuẩn chưa, rút máy móc… nên dù hàn xong cũng phải mất thời gian ngắn để lưu lượng Internet vận hành như bình thường.
Trước đó, ngày 8/3/2011, tuyến cáp quang AAG cũng bị đứt và phải 20 ngày sau thì tuyến cáp này mới được khôi phục thành công.
Trước đó, như Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn đã đưa tin, vào 18 giờ ngày 20/12, tuyến cáp quang biển AAG-một trong những trục cáp nối Internet Việt Nam ra quốc tế đã bị đứt.
Tuyến cáp này có một số nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam đang kết nối là VDC, FPT, Viettel...
AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng vào tháng 11/2009 với chiều dài hơn 20.000km, dung lượng thiết kế đạt 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Điểm cập bờ ở Việt Nam là ở Vũng Tàu.
Ngoài khả năng kết nối Đông Nam Á với Mỹ, AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn độ, châu Âu và châu Phi thông qua điểm cập bờ của hệ thống.
Như Nam