Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Lâm Đồng sẽ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu Ban quản lý Dự án giao thông tinh đôn đốc, phối hợp với Liên danh nhà đầu tư đề xuất Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo các nội dung đã được Ban chấp hàng Đảng bộ tỉnh thống nhất tại Nghị quyết số 31a - NQ/TU ngày 22/8/2024 và Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, báo cáo UBND tỉnh tại văn bản nêu trên; tổng hợp, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 5/9/2024.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương trong kỳ họp gần nhất theo quy định của pháp luật.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở tài chính, Ban quản lý dự án giao thông tỉnh khẩn trương tổ chức rà soát 2 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; khẩn trương tập trung hoàn thiện các hồ sơ theo quy định; bám sát các bộ, ngành Trung ương, kịp thời hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để đảm bảo hoàn chỉnh hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt dự án, làm cơ sở triển khai, giải ngân vốn theo quy định.
UBND các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và TP. Bảo Lộc chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với các khu dân cư, tái định cư phục vụ tái định cư cho 2 dự án cao tốc; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, hồ sơ, thủ tục để giải ngân ngay khi các dự án được bố trí vốn theo quy định.
Ban quản lý dự án giao thông tỉnh thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc; chủ động xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của từng dự án theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm để khơi thông các điểm nghẽn, nút thắt của các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân.
Long An thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao hơn 322 ha
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Long An khóa X, kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) năm 2024 vào ngày 30/8/2024, HĐND tỉnh Long An đã quyết nghị thống nhất thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp (KCN) Bình Hòa Nam 1 tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.
Trên địa bàn tỉnh Long An hiện có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư. |
KCN Bình Hòa Nam 1 có quy mô 322,30 ha thuộc địa bàn xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Có vị trí phía Bắc giáp kênh Lâm Hải và đường huyện lộ; phía Nam giáp kênh nước T8 và xã Tân Lập huyện Thủ Thừa; phía Tây giáp giáp Nhà máy điện năng lượng mặt trời và đất trồng cây lâm nghiệp; phía Đông giáp khu đất trồng cây nông nghiệp.
Về tính chất, KCN Bình Hòa Nam 1 được định hình là KCN sạch, tổng hợp đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ phục vụ công nghiệp. Đây là KCN công nghệ cao và ít gây ô nhiễm môi trường.
Trong đó, ưu tiên bố trí các ngành nghề: Sử dụng công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp sản xuất vật liệu mới; công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu cao; tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường như ngành điện tử, may mặc, lắp ráp máy móc, sản phẩm về nhựa, cao su, chế biến thực phẩm, hóa chất vô cơ, hữu cơ, các sản phẩm.
Dự báo tại KCN Bình Hòa Nam 1 có khoảng 15.000 - 23.000 người lao động, chuyên gia làm việc.
Long An là tỉnh có số lượng KCN nhiều nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 2.905,9 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 67,93%.
Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn vành đai 4 đến Quốc lộ 18
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ đường vành đai 4 đến Quốc lộ 18.
Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long (CT.09) dài 146 km, quy mô cao tốc 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030, trong đó đoạn Bắc Ninh - Hải Dương dài 22 km.
Ảnh minh hoạ. |
Hiện tuyến cao tốc CT09 đang đầu tư đoạn từ vành đai 4 - Vùng Thủ đô đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, chiều dài khoảng 9,7 km thuộc Dự án đầu tư đường vành đai 4, dự kiến hoàn thành năm 2026; đoạn còn lại từ vành đai 4 đến Quốc lộ 18, chiều dài 10,3 km chưa được triển khai đầu tư.
Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng, để sớm hoàn thành thông tuyến đoạn cao tốc Bắc Ninh - Hải Dương theo quy hoạch, việc nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc từ vành đai 4 đến Quốc lộ 18 là cần thiết.
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho Bộ GTVT còn hạn chế, chưa thể cân đối bố trí đầu tư đoạn tuyến cao tốc từ vành đai 4 đến Quốc lộ 18 trong kỳ trung hạn 2021-2025, nên Bộ GTVT thống nhất, ủng hộ việc UBND tỉnh Bắc Ninh nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phải Lại đoạn từ đường vành đai 4 đến Quốc lộ 18 bằng nguồn vốn ngân sách địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả đầu tư tuyến đường vành đai 4 đang triển khai thực hiện.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 và Khoản 4 Điều 28 Luật Đường bộ (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) quy định các tuyến quốc lộ, cao tốc có thể do Bộ GTVT/địa phương đầu tư khi được phân cấp hoặc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao quản lý.
“Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh rà soát nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng bố trí nguồn lực của địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bắc Ninh quản lý, đầu tư đoạn tuyến cao tốc nêu trên. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cam kết.
Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn gửi Bộ GTVT liên quan đến việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ đường vành đai 4 đến Quốc lộ 18.
Đây là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Quốc lộ 18, đoạn từ nút giao Yên Giả (đường vành đai 4) đến Quốc lộ 18 cũ, tỉnh Bắc Ninh dài 10,3km với điểm đầu - Km0+00 (giao với đường vành đai 4); điểm cuối - Km10+300 (giao với Quốc lộ 18).
Hướng tuyến của Dự án triển khai theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án có quy mô mặt cắt ngang rộng 100m nhưng trong giai đoạn này, UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất thực hiện giải phóng mặt bằng theo mặt cắt quy hoạch (100m), đầu tư đường song hành hai bên với mặt cắt ngang mỗi bên nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh, kinh phí thực hiện Dự án vào khoảng 3.600 tỷ đồng sẽ được huy động từ ngân sách tỉnh Bắc Ninh và các nguồn hợp pháp khác.
Đề nghị chấp thuận đầu tư dự án kho bãi tập kết hàng hóa 715 tỷ đồng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho biết, Dự án Kho bãi tập kết hàng hóa thôn A Đeng tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị do Công ty TNHH Nam Tiến đề xuất đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định và báo cáo UBND tỉnh tại Báo cáo thẩm định số 305/BC-SKHĐT ngày 30/7/2024 vừa qua.
Khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay, nơi có vị trí gần dự án Kho bãi tập kết hàng hóa tại thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị |
Theo ý kiến Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 780-TB/TU ngày 23/8/2024 về việc yêu cầu “đánh giá, rà soát, cập nhật về năng lực tài chính của nhà đầu tư; rà soát các quy hoạch tránh bị chồng chéo đối với vị trí thực hiện dự án để triển khai thực hiện”, qua thẩm định và đánh giá của các ngành liên quan cho thấy:
Về nội dung chồng lấn quy hoạch, tại hồ sơ đề xuất dự án nộp lần 1, nhà đầu tư đề xuất nhu cầu sử dụng đất là 15 ha, do đó có chồng lấn phạm vi khu vực diện tích đã có Quyết định số 465/QĐ-UBND ngày 10/5/2017 của UBND huyện Đakrông về việc thu hồi đất để xây dựng công trình Trạm nghiền vật liệu từ sỏi cuộn; trạm trộn bê tông xi măng, nhà điều hành, nhà nghỉ công nhân.
Trên cơ sở ý kiến thẩm định của các ngành, nhà đầu tư đã cập nhật, điều chỉnh bóc tách diện tích chồng lấn ra khỏi phạm vi dự án và điều chỉnh tổng diện tích đất đề xuất sử dụng của dự án thành 12,5 ha. Như vậy, khu vực dự kiến thực hiện dự án Kho bãi tập kết hàng hóa thôn A Đeng hiện không có chồng chéo với vị trí các dự án đầu tư khác đã được cấp.
Về năng lực tài chính của nhà đầu tư, trên cơ sở hồ sơ dự án, căn cứ quy định Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Đất đai năm 2013, Sở Tài chính Quảng Trị đã thẩm định năng lực tài chính để thực hiện dự án của nhà đầu tư tại các văn bản liên quan.
Theo đó, dự án được đề xuất có tổng vốn đầu tư là 715,398 tỷ đồng; trong đó, vốn tự có là 143,08 tỷ đồng và vốn huy động là 572,318 tỷ đồng.
Qua thẩm định cho thấy, Công ty TNHH Nam Tiến có vốn điều lệ 345 tỷ đồng. Báo cáo kiểm toán độc lập ngày 2/7/2024 của Công ty TNHH Kiểm toán, tư vấn và đầu tư ACI Hà Nội - Chi nhánh Miền Bắc, xác định vốn góp chủ sở hữu nhà đầu tư đến ngày 30/6/2024 có tổng số vốn góp là 345 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính tại ngày 30/6/2024 của nhà đầu tư cung cấp lập vào ngày 7/7/2024 (chưa kiểm toán): Vốn chủ sở hữu 466,131 tỷ đồng, trong đó vốn góp 345 tỷ đồng; vốn khác chủ sở hữu 70 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 51,131 tỷ đồng. Nợ phải trả 1.504,324 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 1.328,738 tỷ đồng và nợ dài hạn 175,586 tỷ đồng.
Tài sản ngắn hạn 1.792,847 tỷ đồng. Tài sản dài hạn 177,609 tỷ đồng, trong đó giá trị xây dựng cơ bản dở dang 1,015 tỷ đồng, gồm: Công trình xây dựng băng tải Lào Việt phần trên lãnh thổ Việt Nam 0,625 tỷ đồng, Công trình xây dựng kho bãi tập kết ANgo 0,139 tỷ đồng và Công trình Hầm lò Mỏ Nam Lương 0,250 tỷ đồng.
Vốn lưu động còn lại tại thời điểm 30/6/2024 được xác định là 464,108 tỷ đồng. Sau khi dùng cho dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên lãnh thổ Việt Nam, thì số vốn còn lại là 166,308 tỷ đồng, đảm bảo vốn góp thực hiện dự án theo hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư (có vốn góp 155,117 tỷ đồng) nếu Công ty TNHH Nam Tiến không sử dụng vào dự án Công trình Hầm lò Mỏ Nam Lương và vào mục đích khác.
Về nguồn vốn vay, ngày 16/4/2024, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên có văn bản cam kết thu xếp tài chính cho Công ty TNHH Nam Tiến số tiền 626,7 tỷ đồng để thực hiện dự án khi Công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định. Văn bản có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành.
Thêm vào đó, ngày 1/8/2024, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành. Theo đó, Điểm b Khoản 2 Điều 122 Luật Đất đai quy định người được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng các điều kiện có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư và điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 không quy định cụ thể tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu phải có/tổng vốn đầu tư của toàn dự án.
“Như vậy, Công ty TNHH Nam Tiến đã cơ bản chứng minh được khả năng huy động các nguồn vốn để thực hiện dự án. Đồng thời, sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Công ty TNHH Nam Tiến cần xây dựng phương án bố trí đủ vốn để đảm bảo theo tổng mức đầu tư đã đề xuất và nội dung đã cam kết”, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho biết.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các sở, ngành, địa phương, nội dung đã tổng hợp kết hợp với nội dung báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị tại báo cáo thẩm định vào ngày 19/7/2024 trước đây, thì dự án Kho bãi tập kết hàng hóa thôn A Đeng đã đáp ứng các điều kiện theo quy định để được xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Do đó, Sở đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án này.
Được biết, dự án Kho bãi tập kết hàng hóa thôn A Đeng do Công ty TNHH Nam Tiến có vị trí thực hiện tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng 12,515 ha; đảm bảo đồng bộ tiếp nhận, lưu trữ và chuyển tải than thuộc hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn qua lãnh thổ Việt Nam.
Dự án có công suất thiết kế 30 triệu tấn/năm (trong đó giai đoạn 1: 15 triệu tấn/năm; giai đoạn 2: 15 triệu tấn/năm). Sản phẩm, dịch vụ cung cấp của dự án là hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường sắt và đường bộ và kho bãi và lưu giữ hàng hóa.
Dự án có tổng vốn đầu tư đề xuất 715,39 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn tự có và huy động từ các cổ đông chiếm 20% giá trị tổng mức đầu tư dự án, tương đương 143 tỷ đồng. Vốn vay từ các ngân hàng thương mại chiếm 80% giá trị tổng mức đầu tư, tương đương 572,3 tỷ đồng, trong đó:
Thời hạn hoạt động của dự án 30 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Về tiến độ, trong giai đoạn 1, dự án sẽ bắt đầu khởi công, triển khai thi công xây dựng trong quý IV/2024. Trong giai đoạn 2, dự án dự kiến khởi công trong Quý II/2030, và tổ chức nghiệm thu đưa vào hoạt động vào quý IV/2031.
Đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 39.827 tỷ đồng để làm đường Vành đai 4, TP.HCM
Ngày 31/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, ký văn bản số 5100/UBND-DA gửi Thủ tướng Chính phủ về việc trình hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4, TP.HCM.
Theo báo cáo, đến nay TP.HCM cùng các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã tổ chức lập và cơ bản hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 4, TP.HCM.
Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4, TP.HCM. |
Dự án có tổng chiều dài 207 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 18,2 km; Đồng Nai 45,5 km; Bình Dương 47,4 km; TP.HCM 17,3 km; Long An 78,3 km.
Trong giai đoạn I sẽ xây dựng 4 làn xe cao tốc, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục trên toàn tuyến. Số lượng nút giao thông liên thông trên tuyến là 23 nút giao.
Khái toán tổng mức đầu tư của Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM là 128.063 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến đề xuất vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 39.827 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 30.882 tỷ đồng, còn lại là vốn từ các nhà đầu tư.
Phân chia phần vốn đi qua từng địa phương TP.HCM là 14.089 tỷ đồng, dự kiến vốn ngân sách địa phương 7.185 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 6.903 tỷ đồng.
Đoạn qua tỉnh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 7.972 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 1.982 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 1.982 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 4.007 tỷ đồng.
Đoạn qua tỉnh Đồng Nai vốn đầu tư 19.151 tỷ đồng, dự kiến vốn ngân sách Trung ương 4.602 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 4.602 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 9.946 tỷ đồng.
Đoạn qua tỉnh Bình Dương 19.827 tỷ đồng, dự kiến vốn ngân sách Trung ương khoảng 4.784 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 4.787 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư khoảng 10.259 tỷ đồng.
Riêng đoạn qua tỉnh Long An có vốn đầu tư lớn nhất khoảng hơn 67.000 tỷ đồng, dự kiến vốn ngân sách Trung ương 28.458 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 12.328 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 26.238 tỷ đồng.
Để sớm đầu tư dự án quan trọng này, các địa phương đề xuất giai đoạn 2021-2025, phân bổ 15.843 tỷ đồng, dự kiến ngân sách Trung ương khoảng 8.407 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 7.435 tỷ đồng.
Còn giai đoạn 2026-2030 phân bổ khoảng 54.800 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 31.420 tỷ đồng, ngân sách địa phương 23.447 tỷ đồng.
Theo UBND TP.HCM, đường Vành đai 4 TP.HCM có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là tuyến kết nối giao thông liên vùng giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistic, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương trong vùng.
Vì vậy, các địa phương thống nhất đề xuất cần có cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư nhanh Dự án này.
Cơ chế đầu tiên được đề xuất là giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án thuộc đường Vành đai 4 TP.HCM.
Một cơ chế mới lần đầu tiên được đề xuất là được sử dụng ngân sách của địa phương này để hỗ trợ địa phương khác đầu tư công dự án qua hai địa phương như cầu tiếp giáp địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai, cầu Thủ Biên tiếp giáp địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.
Cơ chế tiếp theo được đề xuất là ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án. Riêng tỉnh Long An, ngân sách Trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án.
Các địa phương cũng đề xuất cho phép giá trị tổng mức đầu tư các dự án đường Vành đai 4 của từng địa phương chuyển tiếp kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 không tính cộng vào tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn gia đoạn sau của từng địa phương (quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công 2019).
Một loạt các cơ chế khác cũng được đề xuất như cho phép các địa phương cập nhật, điều chỉnh các đồ án quy hoạch trước khi cấp thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Ngoài ra, các địa phương cũng đề xuất cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cơ chế quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán vốn đầu tư.
Điều chỉnh Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, Dự án sẽ xây dựng bổ sung công trình kiểm soát tải trọng xe trên các làn vào cao tốc tại 5 nút giao liên thông phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm kiểm tra tải trọng xe nhằm ngăn ngừa xe quá tải trọng đi vào đường cao tốc; đường dành cho các phương tiện quá tải trọng đi ra khỏi đường cao tốc với mặt cắt ngang tối thiểu là đường giao thông nông thôn cấp B, mặt đường láng nhựa trên các lớp cấp phối đá dăm.
Một đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. |
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hạng mục nói trên sẽ do UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục tổ chức thực hiện theo quy định.
Do bổ sung các hạng nói trên nên Bộ GTVT cũng quyết định điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án là năm 2025. Các nội dung khác sẽ giữ nguyên theo các quyết định trước đây về phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 7 tiếp tục triển khai đầu tư đồng bộ công trình thuộc hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS), trạm thu phí (sử dụng hệ thống thu phí điện tử không dừng - ETC), công trình kiểm soát tải trọng xe đảm bảo phù hợp với các quy định.
Đơn vị này cũng phải lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai Dự án theo quy định, phù hợp với kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền chấp thuận; quản lý chặt chẽ chất lượng, tiến độ và chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư được duyệt và đảm bảo an toàn giao thông khi thi công.
Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết có điểm đầu tại Km134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (trùng điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo); điểm cuối (Km235+00), giao với đường Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh tại Km2+500, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (trùng điểm đầu Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Dầu Giây - Phan Thiết).
Tổng chiều dài tuyến cao tốc thuộc Dự án là khoảng 100,8 km, được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, vận tốc 80 km/h, tổng mức đầu tư là 10.853,9 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã hoàn thành tuyến chính và thông xe, đưa vào khai thác từ ngày 19/5/2023.
Đầu tư dự án Trạm biến áp 220 kV Nam Định 2 và đường dây đấu nối
Theo Quyết định số 1875/QĐ-UBND ngày 30/8/2024, Dự án sử dụng khoảng 8,1 ha đất tại huyện Vụ Bản sẽ được nhà đầu tư hoàn tất xây dựng cơ bản, bảo đảm xây dựng các hạng mục công trình theo thiết kế được phê duyệt và đưa công trình vào hoạt động trong thời gian 24 tháng kể từ ngày được bàn giao đất tại thực địa. Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm.
UBND tỉnh Nam Định cũng yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức triển khai lập, thẩm định dự án, thiết kế theo đúng quy định; trong đó phải rà soát, xác định chính xác tổng mức đầu tư dự án đúng định mức kinh tế - kỹ thuật, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng theo quy định hiện hành.
Phối cảnh Trạm biến áp 220 kV Nam Định 2 và đường dây đấu nối. |
Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục về đầu tư (bao gồm cả thủ tục bảo đảm thực hiện dự án đầu tư), xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất..., trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thỏa thuận theo quy định trước khi thi công xây dựng dự án; triển khai thực hiện theo đúng chủ trương đầu tư được chấp thuận và các quy định có liên quan khác của pháp luật.
UBND tỉnh Nam Định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan có liên quan về tính chính xác, phù hợp của nội dung tham mưu, thẩm định, tham gia ý kiến và các điều kiện theo quy định; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành quản lý theo quy định, thực hiện việc kiểm tra, giám sát, quản lý để dự án triển khai đảm bảo đúng quy định hiện hành.
UBND tỉnh Nam Định giao UBND huyện Vụ Bản thực hiện chức năng giám sát của địa phương trong quá trình xây dựng và khi dự án đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật.
Việc đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện khu vực huyện Vụ Bản, tăng cường khả năng truyền tải cho đường dây hiện hữu, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực tỉnh Nam Định nói riêng và miền Bắc nói chung, tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia. Đồng thời giảm tổn thất điện năng trong lưới điện truyền tải, tăng hiệu quả sản suất kinh doanh của EVN; truyền tải và phân phối điện (mã ngành VSIC: 3512).
Đà Nẵng phê duyệt Quy hoạch mặt bằng trung tâm thương mại 20 triệu USD
Chủ tịch quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng, ông Hoàng Thanh Hòa vừa ký quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng Trung tâm thương mại MM Mega Market Đà Nẵng.
Khu đất nghiên cứu quy hoạch Trung tâm thương mại MM Mega Market Đà Nẵng thuộc phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), diện tích 19.197m2.
TP. Đà Nẵng trao cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, với Dự án Trung tâm thương mại MM Mega Market Danang. |
Phía Đông Nam giáp đường Nguyễn Sinh Sắc; Phía Tây Bắc giáp đường Trần Văn Kỷ; Phía Tây Nam giáp đường Lê Doãn Nhạ; Phía Tây Bắc giáp đường quy hoạch.
Về quy hoạch sử dụng đất, Dự án sẽ xây mới tòa nhà chính Trung Tâm Thương Mại bao gồm các chức năng khu mua sắm, khu ẩm thực, khu đại siêu thị, khu vệ sinh, khu chứa rác, bể nước ngầm, bể nước phòng cháy chữa cháy, bể chứa nước thải, nhà để xe máy, hệ thống thoát nước quanh công trình, giao thông sân bãi, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước và PCCC…
Liên quan đến dự án này, cuối năm 2023, TP.Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1936/QĐ-UBND, công nhận Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam) có địa chỉ tại Khu B, Khu đô thị mới An Phú - An Khánh, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, TP.HCM trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu thương mại dịch vụ (siêu thị) tại khu vực phía Đông Nam ký túc xá sinh viên, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Khu đất này có diện tích 19.197 m2; giá trúng đấu giá là 792.867 đồng/m2/năm.
Sau đó, TP.Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, với Dự án Trung tâm thương mại MM Mega Market Danang, tổng vốn đầu tư gần 20 triệu USD.
Theo UBND quận Liên Chiểu bên cạnh những kết quả tích cực của quá trình đô thị hóa mang lại thì việc khai thác quỹ đất diễn ra trên diện rộng làm quỹ đất dự trữ để phát triển các công trình thương mại dịch vụ trên địa bàn quận ngày càng thu hẹp. Đặc biệt là quỹ đất dành cho công trình chợ, trung tâm thương mại.
Theo chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, đến năm 2030, quận Liên Chiểu sẽ ưu tiên hình thành các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm mới, đẳng cấp và hiện đại, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân, du khách trong nước và quốc tế...
Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Trung Tâm Thương Mại MM Mega Market Đà Nẵng giúp đáp ứng nhu cầu kinh doanh của người dân địa phương, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại dịch vụ…
Quận Liên Chiểu yêu cầu Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam), chịu trách nhiệm về pháp lý và tính chính xác của các số liệu, tài liệu, dữ liệu làm căn cứ lập đồ án và các tính toán về đất đai, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật,… nêu trong đồ án quy hoạch. Đồng thời tổ chức công bố công khai theo quy định pháp luật toàn bộ nội dung đồ án quy hoạch…
Giao UBND phường Hòa Khánh Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức việc niêm yết và công bố công khai đồ án quy hoạch được duyệt theo quy định…
Hậu Giang nêu 3 nhóm giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành vừa ký ban hành Chương trình số 274-CTr/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quan điểm là quán triệt đầy đủ, toàn diện trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để thống nhất nhận thức và hành động; huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh để triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh nghiêm túc, tổng thể, toàn diện, là nhân tố quan trọng để đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.
Để bảo đảm hoàn thành toàn diện các mục tiêu theo Quy hoạch, Tỉnh ủy Hậu Giang đề ra 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh bảo đảm hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Theo đó, lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh và Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh. Xây dựng kế hoạch của UBND Tỉnh theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh; kịp thời cập nhật những chủ trương, chính sách mới của Trung ương; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tiễn, những vấn đề lớn, mới phát sinh, phức tạp, nhạy cảm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các vùng động lực của tỉnh và liên kết vùng, phát triển bốn trụ cột kinh tế của tỉnh được xác định tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác trên cơ sở phù hợp với các quy định hiện hành, tạo hành lang pháp lý phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh. Hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả.
Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các công trình, Dự án được xác định trong Quy hoạch tỉnh. Phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ hiệu quả, tính lan tỏa, thay đổi tình thế, thay đổi trạng thái.
Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực kinh tế, theo hướng lấy nông nghiệp làm trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột đột phá phát triển, dịch vụ, du lịch là động lực phát triển, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân trong tỉnh.
Triển khai các giải pháp đa dạng hóa các kênh huy động vốn thực hiện Quy hoạch tỉnh; phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực của xã hội; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh; phát huy quỹ đất công nghiệp trong việc thu hút đầu tư, tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Tập trung nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng đối với chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu:
Đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Sóc Trăng: Đầu tư 487 tỷ đồng thay thế cầu yếu trên các tuyến đường tỉnh
Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào vừa ký ban hành Nghị quyết số 116/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư xây dựng thay thế một số cầu yếu trên các tuyến đường tỉnh, tỉnh Sóc Trăng.
Mục tiêu đầu tư nhằm thay thế một số cầu yếu, cầu có tải trọng thấp, quy mô nhỏ hẹp để đảm bảo đồng bộ quy mô, tải trọng khai thác, phục vụ vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trong khu vực, nâng cao chất lượng khai thác. Từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, tạo động lực cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; tạo sự đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn chỉnh theo phương án phát triển giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng trong Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25/8/2023.
Quy mô đầu tư gồm xây dựng mới 12 cầu bê tông cốt thép; tải trọng thiết kế HL.93, tổng chiều dài cầu và đường vào cầu khoảng 3.850m, trong đó có 8 cầu có bề rộng toàn cầu 9,0m gồm: Cầu Đầu Sóc, cầu Mười Sen, cầu Hai Vọng trên Đường tỉnh 932; cầu Lò Gạch, cầu Kênh Nổi trên Đường tỉnh 932C; cầu Tú Điềm trên Đường tỉnh 933C; cầu Kênh Sườn trên Đường tỉnh 936; cầu Chắc Co trên Đường tỉnh 936B; 4 cầu có bề rộng toàn cầu 12m gồm: Cầu Bãi Giá trên Đường tỉnh 934; cầu C3, cầu Đại Tâm - Tham Đôn, cầu C4 trên Đường tỉnh 936.
Xây dựng mới 3 cống hộp (thay thế 3 cầu hiện trạng) gồm: Cống Ninh Thới trên Đường tỉnh 932; cống Cầu Đen trên Đường tỉnh 934; cống Giồng Dú trên Đường tỉnh 935. Tổng chiều dài cống và đường dẫn vào cống khoảng 200 m.
Quảng Trị kiến nghị đầu tư 2 dự án kết nối cao tốc, vốn hơn 1.100 tỷ đồng
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa có báo cáo và đề xuất Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, đầu tư các tuyến kết nối cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2021-2025 hoặc bổ sung vào Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn đang triển khai thực hiện.
Điểm giao giữa Quốc lộ 15D và tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. |
Hai dự án được đề xuất gồm: Dự án Quốc lộ 15D đoạn kết nối với tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến Quốc lộ 1 dài khoảng 8 km; quy mô đường cấp III, 2 làn xe, tổng mức đầu tư 630 tỷ (ưu tiên 1); và Dự án xây dựng nút giao liên thông tại Km13+511,68 cao tốc Cam Lộ - La Sơn và tuyến kết nối cao tốc với Quốc lộ 1 - ĐT.579 dài 13,2 km; quy mô đường cấp IV, 2 làn xe, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, 2 dự án này phù hợp với quy định về quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc và quy chuẩn kỹ thuật về đường bộ cao tốc; cũng như phù hợp với quy hoạch liên quan, gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, Quốc lộ 15D là quốc lộ chính yếu của khu vực miền Trung, có điểm đầu cảng Mỹ Thủy, điểm cuối cửa khẩu La Lay, tỉnh Quảng Trị, chiều dài 78 km, đường cấp III-IV, mặt cắt ngang 2 - 4 làn xe; tuyến Quốc lộ 15D giao với cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại Km30+500 (lý trình cao tốc) - nút giao liên thông này đã được thiết kế, triển khai thi công hoàn thành cùng với Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lộ - La Sơn (giai đoạn 1).
Còn với tuyến ĐT.579, đây là tuyến đường tỉnh, điểm đầu giao Km765+400/QL1A tại huyện Triệu Phong và điểm cuối tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, chiều dài 31,8 km, quy mô đường cấp IV đồng bằng. Tuyến ĐT.579 giao với cao tốc Cam Lộ - La Sơn Km13+511,68 (lý trình cao tốc) - nút giao trực thông này đã được thiết kế, triển khai thi công hoàn thành cùng với Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lộ - La Sơn (giai đoạn 1).
Về sự cần thiết đầu tư của 2 dự án nói trên, UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, hiện nay, trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Trị dài 37 km đã được xác định các nút giao liên thông (tại Km 30+500) và trực thông (tại Km13+511,68) nhưng chưa được đầu tư xây dựng các đường ngang kết nối tuyến cao tốc.
Việc đầu tư xây dựng các đường ngang kết nối và hoàn thiện nút giao liên thông với cao tốc Cam Lộ - La Sơn có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối cao tốc với các tuyến trục dọc quốc gia như Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, hệ thống đường ven biển và kết cấu hạ tầng giao thông địa phương đảm bảo thuận lợi, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiểm soát an ninh trật tự trong khu vực khi thực hiện phân luồng, giải tỏa giao thông trong tình huống khẩn cấp trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Quốc lộ 1; góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, các đường ngang kết nối tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn tỉnh tạo thuận lợi, kết nối Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị và cảng biển Mỹ Thủy, làm tăng khả năng hấp dẫn trong việc mời gọi nhà đầu tư xây dựng, phát triển các dự án động lực của tỉnh Quảng Trị.
Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các đường ngang Quốc lộ 15D, tuyến ĐT.579 kết nối tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn; đặc biệt đoạn tuyến Quốc lộ 15D kết nối cao tốc với Quốc lộ 1 là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, Quốc lộ 15D đoạn kết nối với tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến Quốc lộ 1 dài khoảng 8 km được xác định trong quy hoạch liên quan là đoạn tuyến mới, chưa được đầu tư xây dựng (hiện trạng không có đường, và Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án này.
Đối với việc bổ sung nút giao liên thông tại Km13+511,68 cao tốc Cam Lộ - La Sơn và tuyến kết nối cao tốc với Quốc lộ 1 - ĐT.579, dài khoảng 13,2 km, hiện nay do điều kiện ngân sách tỉnh Quảng Trị còn khó khăn, hàng năm ngân sách trung ương phải hỗ trợ mới đảm bảo cân đối, do vậy UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ GTVT bổ sung và bố trí ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư tuyến đường bộ cao tốc.
Đắk Nông đề xuất đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Văn Mười vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là phấn đấu đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9,05%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,7% trong cơ cấu kinh tế.
Đến năm 2050, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia. Trở thành “Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình”...
Về mục tiêu cụ thể, tỉnh Đắk Nông sẽ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ liên vùng, liên tỉnh; thực hiện theo quy hoạch quốc gia đối với quy hoạch các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt, cảng cạn, cảng hàng không.
Đắk Nông sẽ đề xuất đầu tư nhiều Dự án giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng. |
Đến năng 2027, sẽ đưa vào vận hành tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Trong Kế hoạch này, tỉnh Đắk Nông giao Sở Giao thông - Vận tải chủ trì tham mưu phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đảm bảo hoàn thành theo lộ trình đã phê duyệt.
Ngoài ra, Sở Giao thông - Vận tải có trách nhiệm phối hợp kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông).
Bên cạnh đó là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14C, Quốc lộ 28 qua địa bàn tỉnh; xây dựng đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành (Bình Phước) theo tiến trình quy hoạch đã được phê duyệt...
Đắk Nông cũng giao Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh chủ trì tham mưu các giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp hiện có.
Trong đó, đảm bảo các điều kiện phát triển thêm 1 Khu công nghiệp trước năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư, đạt tỷ lệ lấp đầy cao đối với 3 khu công nghiệp hiện có gồm: Tâm Thắng, Nhân Cơ, Nhân Cơ 2. Sau năm 2030, thành lập thêm 4 khu công nghiệp là Đắk Ru, Quảng Sơn, Đắk Song I và Đắk Song II.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông có trách nhiệm tham mưu tỉnh ban hành các kế hoạch cụ thể để triển khai các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính về đầu tư, doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới thu hút đầu tư.
Đồng thời, xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tập trung, ưu tiên nguồn lực, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để quyết liệt đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung triển khai, bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quảng Nam lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030
UBND tỉnh Quảng Nam vừa lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý các cơ quan, đơn vị có liên quan rằng, số lượng Dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 phải thấp hơn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 15% - 20%; tập trung cho các dự án lớn, quan trọng quốc gia và không mất nhiều thời gian làm thủ tục; chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phải đảm bảo quy định tại khoản 2, Điều 89, Luật Đầu tư công (trừ trường hợp được Quốc hội cho phép).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam xác định, vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được bố trí cho các đối tượng quy định của Luật Đầu tư công và được phân theo ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 36, Luật Ngân sách nhà nước.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 theo từng nguồn vốn trong từng ngành, lĩnh vực cho nhiệm vụ, chương trình, dự án theo thứ tự ưu tiên.
Thứ nhất là phân bổ đủ vốn để thanh toán hết số nợ đọng xây dựng cơ bản (phát sinh trước ngày 1/1/2015) theo quy định của Luật Đầu tư công (nếu còn).
Thứ hai là phân bổ đủ vốn để hoàn trả hết số vốn ứng trước kế hoạch (nếu còn).
Thứ ba là phân bổ đủ vốn cho dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm cả vốn đối ứng); vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt (chưa hoàn thành trong kỳ kế hoạch).
Thứ tư là phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Thứ năm là phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư, trong đó làm rõ vốn chuẩn bị đầu tư dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2026 - 2030, vốn bố trí cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2031 - 2035.
Thứ sáu là phân bổ vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Đầu tư công.
Cuối cùng là phân bổ vốn cho cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các cơ quan, đơn vị ngành dọc trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải tranh thủ tối đa các nguồn vốn đầu tư của Bộ, ngành chủ quản để đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị trực thuộc; chỉ đề xuất các dự án thuộc trách nhiệm hỗ trợ đầu tư của địa phương và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương; báo cáo đề xuất phải thuyết minh rõ căn cứ pháp lý để đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn của địa phương.
Khu công nghiệp Becamex Bình Định thu hút dự án hơn 80 triệu USD từ Singapore
Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Future Enterprises PTE. LTD (trụ sở tại số 31, đường Harrison, Food Empire Building, Singapore) thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan sấy lạnh.
Ông Amrish Rungta, Phó chủ tịch Tập đoàn Food Empire Holdings (bìa phải) trao đổi tại buổi làm việc với tỉnh Bình Định vào ngày 14/6/2024. Ảnh: Trang Lê. |
Theo đó, Dự án được thực hiện tại Lô B21.01, Khu công nghiệp Becamex Bình Định (thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội), xã Canh Vinh, huyện Vân Canh với diện tích hơn 7,1 ha. Mục tiêu của dự án là sản xuất và xuất khẩu cà phê hòa tan sấy lạnh với quy mô 5.400 tấn/năm.
Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 2.000 tỷ đồng (tương đương hơn 80 triệu USD). Trong đó, vốn góp của dự án là hơn 570 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, dự án sẽ hoàn tất xây dựng nhà xưởng, chuẩn bị cơ sở vật chất, lắp đặt thiết bị và đi vào hoạt động trong thời gian từ tháng 4/2027 đến tháng 1/2028. Thời gian hoạt động của dự án đến ngày 3/8/2070.
Future Enterprises PTE. LTD do ông Tan Wang Cheow (quốc tịch Singapore) làm Giám đốc. Future Enterprises PTE. LTD là công ty con thuộc Tập đoàn Food Empire Holdings được thành lập năm 1992. Theo giới thiệu của Tập đoàn Food Empire Holdings, Future Enterprises là nhà sản xuất và chủ sở hữu thương hiệu FesAroma được thành lập vào năm 2000; FesAroma cũng là một trong các thương hiệu về đồ uống thuộc tập đoàn này.
Trước đó vào ngày 14/6/2024, ông Amrish Rungta, Phó chủ tịch Tập đoàn Food Empire Holdings có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Amrish Rungta cho biết mục đích đến tỉnh Bình Định lần này là để tìm kiếm cơ hội thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan xuất khẩu với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD.
Cũng tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, nhất là Khu công nghiệp Becamex Bình Ðịnh được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại và có đầy đủ dịch vụ hỗ trợ phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thứ cấp. Chủ tịch tỉnh Bình Định khẳng định đầu tư tại Khu công nghiệp Becamex Bình Ðịnh, Tập đoàn Food Empire sẽ được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và của tỉnh Bình Định.
Tại Việt Nam, một công ty thành viên khác của Tập đoàn Food Empire Holdings là Công ty TNHH FES Việt Nam với sản phẩm Cà phê Phố với nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Visip 1) tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương.