EAEU không còn ưu đãi GSP cho Việt Nam từ tháng 10/2021 |
Theo thông tin từ Vụ Chính sách thương mại Ủy ban Kinh tế Á - Âu, kể từ ngày 12/10/2021, Việt Nam sẽ chính thức không còn được hưởng ưu đãi GSP của Liên minh kinh tế Á – Âu (gồm 5 nước: Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan EAEU).
Sự thay đổi này dự kiến sẽ có tác động mạnh đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa đang được hưởng ưu đãi GSP sang thị trường các nước EAEU, đặc biệt là Nga, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối này.
Trước đó, Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á – Âu đã thông qua Quyết định 17 về việc điều chỉnh danh sách các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hệ thống GSP của EAEU.
Đây là hệ thống ưu đãi thuế nhập khẩu mà EAEU đơn phương dành cho một số quốc gia đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam.
Theo Quyết định này, EAEU đã đưa 75 nước đang phát triển và 02 nước kém phát triển nhất ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi GSP vì không còn phù hợp với tiêu chí được hưởng hỗ trợ kinh tế từ EAEU được quy định tại Quyết định số 47 ngày 06/04/2016 của Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á – Âu.
Ngoài Việt Nam, EAEU còn loại trừ một số nước khác khỏi danh sách này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Brunei… Việc thay đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 12/10/2021.
Đối với Việt Nam, cơ chế ưu đãi thuế GSP của EAEU đáng lẽ đã chấm dứt ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU có hiệu lực từ năm 2016. Tuy nhiên, EAEU đã chấp thuận cho Việt Nam tiếp tục hưởng GSP thêm 05 năm nữa sau khi Hiệp định này có hiệu lực.
Các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường EAEU, đặc biệt là thị trường Nga – đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam trong EAEU, cần chú ý đến thời hạn này để điều chỉnh hoạt động xuất khẩu của mình cho phù hợp. Doanh nghiệp được khuyến nghị tìm hiểu về mức thuế ưu đãi và quy tắc xuất xứ tương ứng để tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Việt Nam – EAEU FTA thay thế cho cơ chế GSP sẽ chấm dứt trong thời gian tới.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa EAEu và các đối tác thương mại chính đã giảm đáng kể. Thương mại song phương Việt Nam - EAEU năm 2020 đạt 5,2 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EAEU đạt khoảng 3,1 tỷ uSD, tăng 7,2% so với năm 2019, nhập khẩu từ EAEU khoảng 2,1 tỷ USD,
tăng 5,5% so với năm 2019.
Trong EAEU, quan hệ thương mại của Việt Nam với Liên bang Nga hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 93,7%. Quan hệ song phương của Việt nam với 4 nước thành viên còn lại khá khiêm tốn (thương mại song phương Việt Nam với Cộng hòa Kazakhstan chiếm 4,6%, với Cộng hòa Belarus chiếm khoảng 1,4%, Armenia và Kyrgystan là khoảng 0,12%).