Trong quý I/2024, Lộc Trời ghi doanh thu tăng 56,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 1.396,47 tỷ đồng, lên 3.848,69 tỷ đồng.
Trong đó, xét doanh thu theo lĩnh vực, ngành lương thực tiếp tục là động lực tăng trưởng chính khi tăng 96%, từ 1.674 tỷ đồng, lên 3.284 tỷ đồng; ngành giống cây trồng tăng 28%, từ 109 tỷ đồng, lên 140 tỷ đồng; ngành thuốc bảo vệ thực vật giảm 41%, từ 592 tỷ đồng, về 350 tỷ đồng; và lĩnh vực khác ghi nhận doanh thu giảm 3%, về 74 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quý đầu năm 2024, xét về các nhân tố khác như doanh thu tài chính giảm 46,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 28,8 tỷ đồng, về 32,92 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 28,3%, tương ứng tăng thêm 41,57 tỷ đồng, lên 188,62 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 9,1%, tương ứng giảm 24,18 tỷ đồng, về 241,83 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 33,96 lần, tương ứng tăng thêm 45,5 tỷ đồng, lên 46,84 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
EBITDA tiếp tục duy trì tăng trưởng dương
Thêm nữa, nếu xét EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao), trong quý I/2024, EBITDA của Lộc Trời vẫn tăng nhẹ 0,9%, tương ứng tăng thêm 0,6 tỷ đồng, từ 64,8 tỷ đồng, lên 65,4 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí và hợp nhất các hoạt động kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của Lộc Trời ghi nhận âm 86,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 77,15 tỷ đồng. Trong đó, mặc dù EBITDA vẫn dương nhưng lợi nhuận trước thuế âm, nguyên nhân do áp lực chi phí lãi vay.
Lộc Trời cho biết việc gia tăng chi phí tài chính vì Tập đoàn vẫn tiếp tục sử dụng đòn bẩy tài chính để đảm bảo cho việc vận hành được ổn định. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ được duy trì trong các kỳ kế tiếp cùng với các chính sách đồng hành cùng nông dân. Ngoài ra, bên cạnh việc sử dụng đòn bẩy tài chính, Lộc Trời cũng sẽ song hành điều chỉnh cân bằng nguồn vốn ngắn, trung và dài hạn, sự điều chỉnh này sẽ giúp nguồn vốn lưu động tối ưu hoá và ngày càng ổn định với chiến lược phát triển dài hạn.
Điểm đáng lưu ý, vòng quay tiền mặt tại thời điểm cuối quý I/2024 chỉ còn 152 ngày so với đầu kỳ là 215 ngày, điều này cho thấy tổng thời gian từ khi bỏ vốn mua hàng cho đến khi thu được tiền từ khách hàng tại Lộc Trời đã giảm, giúp Lộc Trời cải thiện hiệu suất quản lý vốn lưu động, có thể nhờ việc cải thiện cả ba khía cạnh như thu hồi nợ, quản lý hàng tồn kho và lịch trình thanh toán nợ.
Tính tới 31/3/2024, tổng tài sản của Lộc Trời tiếp tục tăng 3,9% so với đầu năm, từ 11.913 tỷ đồng, lên 11.468 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng tài sản của Công ty (chủ yếu do tồn kho tăng 43% so với đầu năm, tương ứng tăng từ 1.969 tỷ đồng, lên 2.816 tỷ đồng).
Lý giải việc tăng tích trữ tồn kho đầu năm, Lộc Trời cho biết đây là phù hợp với chu kỳ kinh doanh của Tập đoàn khi quý I là thời gian cao điểm của vụ Đông Xuân, cần phải thu mua lúa để thương mại và tích trữ.
Bước sang quý II/2024, Lộc Trời cho biết sẽ chuẩn bị vụ hè thu bằng các nguồn lực của tập đoàn; tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất với bà con nông dân; tiếp tục đẩy mạnh việc kinh doanh lúa gạo và phụ phẩm nông nghiệp; và chủ động cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tích cực triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp.
Ưu tiên cải thiện dòng tiền trong giai đoạn 2024 - 2025
Về định hướng kinh doanh trong năm 2024 - 2025, Lộc Trời đưa ra giải pháp đồng bộ từ dòng tiền tới kinh doanh.
Đầu tiên, nhằm mục đích cải thiện dòng tiền, Công ty dự kiến rút ngắn chu kỳ thu tiền từ khách hàng, tăng cường doanh số ngành vật tư nông nghiệp, tăng cường doanh số ngành giống.
Thứ hai, đối với quản lý nợ và cấu trúc vốn, Lộc Trời sẽ cân đối cán cân tài chính để đảm bảo sự hài hoà giữa nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; cải thiện tỷ lệ vốn chủ sở hữu bằng cách tăng vốn chủ sở hữu qua phát hành cổ phiếu; và tái cấu trúc toàn diện Lộc Nhân (đơn vị thành viên) bao gồm việc xây dựng cơ cấu tài chính phù hợp và tích hợp được vào với Tập đoàn trong giai đoạn sắp tới.
Thứ ba, tăng cường hiệu quả hoạt động thông cải thiện biên lợi nhuận ngành lương thực thông qua việc kiểm soát chi phí và nâng cao giá trị tăng sản phẩm; quản lý chặt chẽ hàng tồn kho.
Thứ tư, quản lý tài sản khi khai thác và tối ưu hiệu quả sử dụng tài sản; và tái cấu trúc danh mục tài sản hiện tại.
Và cuối cùng, Công ty sẽ huy động nguồn vốn dài hạn để xây dựng dự án nhà máy gạo công suất 10 nghìn tấn/ngày tại Long An, mục tiêu đến năm 2028 sẽ nâng tổng công suất sản xuất gạo thành phẩm lên 15 nghìn tấn/ngày; đầu tư khai thác phụ phẩm lúa gạo, đặc biệt là rơm và trấu để thay thế cho năng lượng hoá thạch; và đầu tư vào quy trình canh tác giảm phát thải để tạo ra chứng chỉ carbon có thể thương mại hoá trên thị trường quốc tế.