Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu điều trần tại Ủy ban kinh tế và tiền tệ của Nghị viện châu Âu (EP), bà Lagarde cho biết nguy cơ lạm phát có thể sẽ cao hơn so với các dự tính của ECB hồi tháng 12/2021, đặc biệt là trong ngắn hạn. Bà nhận định nếu áp lực giá cả dẫn đến việc tiền lương tăng cao hơn dự tính hoặc nền kinh tế khôi phục toàn bộ công suất nhanh hơn thì lạm phát có thể sẽ cao hơn.
Bà Lagarde nhấn mạnh các dữ liệu gần đây cho thấy đà tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải do biến thể Omicaron lây lan. Các biện pháp đối phó với làn sóng dịch mới đã làm giảm các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong các dịch vụ tiêu dùng như du lịch, lữ hành, khách sạn và giải trí. Tăng trưởng kinh tế quý IV/2021 của eurozone đã giảm xuống mức 0,3% nhưng vẫn đủ để GDP toàn khối trở lại mức trước đại dịch.
Chủ tịch ECB nhận định đại dịch kéo dài có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng trong đầu năm 2022. Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và chi phí năng lượng cao cũng sẽ làm giảm hoạt động kinh tế trong ngắn hạn. Theo lãnh đạo ECB, giá năng lượng vẫn là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao trong những tháng gần đây. Chi phí năng lượng trực tiếp làm tăng giá cả trong tháng 1/2022 và tình trạng tăng giá được ghi nhận ở nhiều lĩnh vực. Giá thực phẩm cũng tăng do các yếu tố mùa vụ, chi phí vận chuyển và giá phân bón cao hơn.
Đồng tình với quan điểm của bà Lagarde, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho rằng lạm phát dự kiến sẽ vẫn ở mức cao và áp lực giá cả đang tác động đến sức mua cũng như mức tăng trưởng tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, ông lưu ý lạm phát sẽ không tăng vọt. Ông Valdis Dombrovskis cũng cho rằng giá năng lượng tăng là một “mối lo ngại nghiêm trọng", tác động mạnh đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất và các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.