Nguồn ảnh: AFP |
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, nhưng vẫn triển khai sự hỗ trợ quy mô đối với nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do lo ngại không thể đạt được chỉ tiêu lạm phát 2% vào năm 2020.
Trước đó, ECB đã thực thi một loạt chính sách nhằm tăng tỷ lệ lạm phát, như đề xuất các khoản cho vay lãi suất thấp đối với các ngân hàng, ấn định lãi suất ở mức thấp kỷ lục và mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp thông qua gói mua sắm trị giá hàng chục tỷ euro mỗi tháng.
Tất cả các biện pháp trên của ECB là nhằm tăng lượng tiền mặt bơm vào hệ thống tài chính của Eurozone để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình, lấy làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Tuy nhiên, ECB dự báo tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ giảm từ mức 1,5% trong năm nay xuống 1,4% năm sau và chỉ tăng lên 1,7% vào năm 2019, vẫn thấp hơn so với mục tiêu lạm phát do ECB đề ra là 2%, mức lạm phát được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của Eurozone.
Đây chính là lý do khiến ECB tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ đối với Eurozone gồm 19 nước thành viên.
Trước đó, hồi tháng 10/2017, ECB đã quyết định sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp xuống còn 30 tỷ euro (35,4 tỷ USD)/tháng, bắt đầu từ tháng 1/2018 so với con số 60 tỷ euro hiện nay.
Tuy nhiên, ECB sau đó đã gia hạn chương trình này cho tới sau thời hạn chót là vào tháng 9/2018 hoặc tăng chi tiêu hàng tháng nếu tỷ lệ lạm phát giảm.
Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết mặc dù tình hình tăng trưởng kinh tế có sự cải thiện và sẽ tiếp tục được cải thiện, nhưng tin tức về lạm phát vẫn không có gì khả quan. Ông Mario Draghi cũng dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ giảm lại trong những tháng tới trước khi tăng trở lại'.