Sau hàng chục năm gắn bó với ngành bảo hiểm, khát khao mãnh liệt được góp sức bảo vệ sức khoẻ, tài sản cho người tiêu dùng và thúc đẩy, tạo đột phá cho ngành bảo hiểm Việt Nam, nữ doanh nhân Đinh Thị Ngọc Niềm đã sáng lập kiêm điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Global Care (Global Care) trở thành đơn vị tiên phong trong các giải pháp chuyển đổi số ngành bảo hiểm công nghệ (Insurtech) tại Việt Nam.
Dưới sự chèo lái của “nữ thuyền trưởng”, Global Care đã và đang góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng công nghệ số, làm thay đổi cách vận hành của ngành bảo hiểm truyền thống Việt Nam.
Cơ duyên nào đã đưa bà đến với quyết định gây dựng Global Care?
Lựa chọn theo ngành bảo hiểm vì tôi hiểu được giá trị nhân văn của ngành. Lựa chọn gây dựng Global Care vì tôi khát khao giúp đỡ nhiều người dân tiếp cận dễ dàng với các chương trình bảo hiểm phù hợp, tiện lợi và minh bạch.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân có bảo hiểm rất nhỏ (khoảng 9% có bảo hiểm nhân thọ, 2,5% có bảo hiểm chăm sóc sức khỏe). Hầu hết các sản phẩm đóng gói với quyền lợi bảo hiểm lớn, phù hợp phân khúc người có thu nhập cao.
Tuy nhiên, ở các thị trường bảo hiểm nước ngoài, đặc biệt là thị trường các nước phát triển, mô hình kinh doanh bảo hiểm theo yêu cầu được nghiên cứu phát triển rất mạnh. Ngoài tính linh hoạt theo yêu cầu của người dùng, mô hình này được các thị trường vận dụng công nghệ để phân phối, họ chạm đến người dân một cách dễ dàng, mang lại hiệu quả cao.
Sau khi nghiên cứu thận trọng các mô hình kinh doanh bảo hiểm công nghệ số, năm 2017, tôi cùng đội ngũ đã gây dựng Global Care với mong muốn góp phần thúc đẩy sự đa dạng, linh hoạt sản phẩm bảo hiểm thông qua ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam. Từ đó, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nhà bảo hiểm và có thể lựa chọn được một sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của mình.
Gia nhập thị trường bảo hiểm số năm 2017, Global Care đã gặp những khó khăn, thử thách nào? Và nữ “thuyền trưởng” của Global Care đã làm gì để hóa giải những bài toán khó đó?
Cũng giống như bao doanh nghiệp khởi nghiệp khác, khi bắt đầu “dấn thân” vào thị trường bảo hiểm số, cả tôi và Global Care đều gặp phải những bài toán hóc búa.
Là đơn vị tiên phong giới thiệu các chương trình bảo hiểm linh hoạt và giải pháp số hóa bảo hiểm ra thị trường, chúng tôi có nhiều cơ hội, nhưng cũng gặp không ít thách thức. Do doanh nghiệp và sản phẩm đều quá non trẻ và mới mẻ, nên việc thuyết phục đối tác và khách hàng không hề dễ dàng. Họ cần thời gian để kiểm nghiệm, thấu hiểu và chấp nhận.
Thời gian đầu, khi chúng tôi bắt tay vào phát triển các sản phẩm bảo hiểm “may đo theo nhu cầu”; viết ứng dụng công nghệ để phân phối nó. Chúng tôi có rất nhiều buổi thuyết phục các nhà bảo hiểm và hầu hết họ đều muốn xem xét thêm, thậm chí từ chối thẳng thừng vì lý do… quá xa lạ.
Điều đó không khiến tôi và đội ngũ nản lòng. Và may mắn đã mỉm cười khi chúng tôi thuyết phục được một số nhà bảo hiểm có tầm nhìn chiến lược, thấy được lợi ích lâu dài và xu hướng tương lai của bảo hiểm số.
Chỉ trong 3 tháng sau khi triển khai chương trình, doanh thu của chúng tôi đã thực sự bùng nổ. Tôi vẫn nhớ như in, chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ, từ 23 - 23 giờ 50 phút, hệ thống đã tăng vọt với hơn 17.000 đơn. Đó là con số không tưởng, một con số trong mơ. Chúng tôi thậm chí choáng ngợp đến mức không tin nổi và phải chặn lại để kiểm tra vì lo ngại hệ thống đang bị hack.
Sau sự kiện đó, các nhà bảo hiểm bắt đầu tin và nhận thấy tiềm năng, cơ hội to lớn khi áp dụng nền tảng mà chúng tôi tạo ra và quan tâm đến mảng số hóa bảo hiểm này nhiều hơn.
Công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là insurtech là lĩnh vực khá mới mẻ đối với Việt Nam, chúng tôi cũng đã gặp không ít trở ngại về dòng vốn đầu tư vào hoạt động.
Ngoài ra, chúng tôi cũng gặp thách thức khách quan từ thị trường, kiến thức bảo hiểm còn hạn chế đối với người dân. Đối với các mô hình insurtech ở các nước phát triển, họ hướng đến mô hình B2C (có nghĩa là trực tiếp đến người dùng cuối), còn ở Việt Nam, công ty insurtech phải hoàn thiện khá nhiều vai trò cùng lúc như: nghiên cứu phát triển sản phẩm theo yêu cầu, phát triển hệ thống công nghệ từ khâu khai thác đến chăm sóc khách hàng đến bồi thường, và phải phát triển được đội ngũ nòng cốt làm cánh tay nối dài để truyền thông chương trình đến người dùng cuối. Nên có thể nói, insurtech tại Việt Nam đa nhiệm hơn, khó khăn hơn insurtech tại các nước phát triển.
Đây là mô hình kinh doanh khó, nhưng bằng cái tâm và sự nỗ lực bền bỉ Global Care vinh dự được đối tác, khách hàng ngày càng tin yêu. Điều đó giúp chúng tôi đạt được những thành công nhất định. Và chắc chắn, chúng tôi sẽ mãi kiên định với mục tiêu đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu trong tất cả các hoạt động của Global Care
Sau hàng chục năm làm việc trong ngành bảo hiểm, đặc biệt là qua hành trình 6 năm phát triển Global Care, bà cảm nhận mình đang bước trên con đường như thế nào? Có khi nào bà muốn lựa chọn lại?
Tính đến nay, tôi đã có 18 năm trong ngành bảo hiểm. Con đường này quá gập ghềnh. Thú thực, cũng có ít nhất 1 lần tôi muốn rẽ hướng, nhưng khi suy ngẫm vào mục tiêu đã định, tôi tự nhủ dù chông gai cỡ nào cũng phải đứng thẳng lên để bước tiếp. Có lẽ đây là sứ mệnh của tôi đến với cuộc sống này.
Cuộc sống sẽ không có chữ “nếu như”. Do đó, giả định ngược về 6 năm trước sẽ không tồn tại, và tôi vẫn đang bước đi trên con đường gây dựng Global Care. Tôi hy vọng và tin rằng mọi người sẽ ủng hộ tôi, ủng hộ lý tưởng của Global Care.
Trên thị trường Insurtech, nhắc đến Global Care, chúng tôi được biết đến như doanh nghiệp tiên phong cùng đội ngũ với sức mạnh đoàn kết, chuyên môn, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao. Chính vì vậy, chúng tôi đã xuất sắc đứng Top 1 công ty Insurtech có sản phẩm (sản phẩm bảo hiểm, sản phẩm công nghệ) đột phá nhất với lượng hợp đồng phát hành ra ngoài thị trường lớn nhất hiện nay.
Tới thời điểm hiện tại, trung bình mỗi tháng, chúng tôi cung cấp ra thị trường 1,5 triệu hợp đồng, với tốc độ tăng trưởng bền vững khoảng 15 - 25% mỗi tháng. Đó là con số ấn tượng, nếu không nói là dẫn đầu thị trường công nghệ bảo hiểm hiện nay.
6 năm qua, trên con đường chúng tôi đi chưa bao giờ ngừng thách thức, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo đổi hành trình này. Chúng tôi tự hào khi được góp sức của mình vào sự phát triển của nước nhà, làm thay đổi cách nhìn nhà đầu tư quốc tế đối với Insurtech Việt Nam.
Đâu là điểm nhấn quan trọng trong hành trình phát triển với sự phát triển của Global Care?
Trong hành trình phát triển 6 năm qua, chúng tôi tập trung vào 2 lĩnh vực chính: hệ thống công nghệ - sản phẩm và hoạt động khai thác kinh doanh.
Về hệ thống công nghệ, chúng tôi rất tự hào là mình đã phát triển và giới thiệu ra thị trường 2 ứng dụng chính là GSale và BH365.
GSale là ứng dụng đáp ứng nhu cầu kinh doanh bảo hiểm, giới thiệu bảo hiểm dành cho cộng tác viên. Bên cạnh đó, ứng dụng GSale còn giúp cho cộng tác viên có thể phát triển đội ngũ của mình không giới hạn. Sau thời gian ra mắt, GSale được nhiều cộng tác viên ngoài thị trường đánh giá đây là ứng dụng tốt nhất dành cho cộng tác viên của ngành Bảo hiểm hiện tại.
Với ứng dụng BH365, chúng tôi cũng rất tự hào vì Global Care đã tích hợp vào đó công nghệ AI, giúp cho khách hàng khi tham gia bảo hiểm có thể quản lý hợp đồng bảo hiểm, gửi yêu cầu bồi thường và được bồi thường bảo hiểm một cách trực tuyến rất đơn giản.
Đến thời điểm này, tôi tự tin rằng, đây là ứng dụng đứng đầu về công nghệ trong mảng này. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Global Care vẫn luôn nghiên cứu và tiếp tục phát triển thêm.
Về sản phẩm, Global Care tự hào là đơn vị có bằng sáng chế về những sản phẩm ưu việt như: Sản phẩm Tomato - cho phép khách hàng có thể tích lũy tiền lẻ chỉ từ 1.000 đồng, đã được quyền lợi bảo vệ 500.000 đồng. Theo đó, khách hàng có thể tích lũy từ từ và quyền lợi bảo hiểm có thể nâng lên đến 1 tỷ đồng, bảo vệ tài chính trước các rủi ro về tai nạn.
Sản phẩm thứ 2 cũng được cấp bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ là Bảo hiểm Tiết kiệm Hưu trí - cho phép người dân tiết kiệm hàng tháng với số tiền chỉ từ 300.000 đồng. Khách hàng có thể chọn chương trình Bảo hiểm sức khỏe của nhà bảo hiểm Bảo Minh và/hoặc chương trình Đầu tư thông qua chứng chỉ Quỹ VFF của VinaCapital.
Chúng tôi phát triển dòng sản phẩm này với mong muốn hướng đến những người có thu nhập thấp vẫn có thể tích lũy một khoản tiền để được bảo vệ và có một khoản tích sản để an hưởng tuổi về hưu. Một trong những ưu điểm của sản phẩm này là cách đóng phí linh động, và khách hàng có thể hoàn toàn chủ động quản lý dòng tiền đầu tư thông qua ứng dụng của chúng tôi và có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào.
Còn nói về hoạt động khai thác kinh doanh, Global Care cũng tự hào khi đạt nhiều dấu ấn. Dấu ấn đầu tiên là được sự tin tưởng đồng hành của nhiều đối tác lớn, uy tín trên thị trường. Có thể kể đến như Grab, Ahamove, Lalamove… và hơn 180.000 cộng tác viên trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn tự hào được sự tin tưởng hợp tác của ePass - giải pháp thu phí tự động không dừng ETC do Viettel phát triển. “Cái bắt tay” này đã giúp Global Care cung cấp các sản phẩm bảo hiểm thông minh trên ứng dụng ePass để bảo vệ cho hành trình của các bác tài xế.
Những thành quả đó có được là nhờ sự đồng lòng của toàn thể thành viên Global Care. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, tôi vẫn nhận được sự nhiệt thành và gắn bó từ toàn bộ đội ngũ.
Trải qua nhiều khó khăn, thuận lợi trong hành trình phát triển. Vậy đâu là bí quyết thành công của bà?
Với tôi, có ba yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công. Thứ nhất là sức mạnh nội lực. Hai là sự gắn kết và chung sức của đội ngũ nhân viên Global Care. Và thứ ba là sự ủng hộ của gia đình.
Tôi luôn biết ơn gia đình nhỏ của mình, đặc biệt ông xã chính là chỗ dựa cho tôi cả trong công việc và cuộc sống, để tôi an tâm tập trung toàn bộ tâm sức vào Global Care.
Và sở thích khám phá, du lịch cũng giúp tôi vượt qua những áp lực cũng như tái tạo năng lượng mới tích cực để tiếp tục hành trình phát triển Global Care. Đôi khi để tìm lại sự sáng tạo cho những ý tưởng mới, tôi thường tìm đến một không gian hoặc bối cảnh yêu thích của mình. Hoặc những lúc bị bế tắc về ý tưởng, tôi hay đi gặp đối tác, họ sẽ truyền cho tôi những năng lượng tích cực và giúp tôi phát kiến ra những ý tưởng mới.
Bà đánh giá thế nào về mức độ chuyển đổi số ở thị trường bảo hiểm hiện nay? Là doanh nghiệp tiên phong cung cấp các giải pháp nền tảng chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm tại Việt Nam, Global Care đang tiếp nhận cái xu hướng đó như thế nào?
Thị trường Việt Nam với dân số 100 triệu dân, nhưng chỉ mới 9% tham gia bảo hiểm nhân thọ và 2,5% tham gia bảo hiểm sức khỏe. Vì vậy, tiềm năng thị trường bảo hiểm là cực kỳ lớn.
Chúng ta có thể thấy thời gian gần đây, hàng loạt ứng dụng công nghệ được đưa vào ứng dụng trong khâu khai thác bán hàng, hỗ trợ chăm sóc khách hàng, hỗ trợ bồi thường online. Có thể thấy thị trường bảo hiểm đang chuyển đổi số rất nhộn nhịp và đây là cuộc chạy đua quyết định vị thế của các nhà bảo hiểm trên thị trường.
Chuyển đổi số có nghĩa là biên soạn lại toàn bộ quy trình hoạt động trong doanh nghiệp nhằm đơn giản để số hóa nó, điều đó sẽ làm thay đổi cách thức vận hành của doanh nghiệp một cách toàn diện.
Đặc biệt với ngành bảo hiểm, việc chuyển đổi số sẽ giúp họ tối giản hoá các quy trình, đồng thời tận dụng được cơ sở dữ liệu kinh doanh trong quá khứ kết hợp cùng thế mạnh công nghệ để “sáng tạo” sản phẩm kinh doanh ưu việc tạo lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường.
Các nhà khởi nghiệp trên thị trường này thường tập trung vào:
Thứ nhất, tạo công nghệ giúp doanh nghiệp bảo hiểm số hóa cơ sở dữ liệu, thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số.
Thứ hai, tạo công nghệ giúp doanh nghiệp bảo hiểm phát triển kênh phân phối tiếp cận đến khách hàng.
Thứ ba, tạo công cụ giúp nhà bảo hiểm nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Global Care đang tập trung nhóm hai và ba để phát triển bền vững.
Theo bà, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò như thế nào trong thành công của Global Care?
Tôi cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố cốt lõi để tạo nên thành công của công ty. Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì không phải một cá nhân hay một phòng, ban có thể làm được..., mà đó là sự đóng góp của tất cả thành viên trong tổ chức.
Tại Global Care, chúng tôi chú trọng đến sự phù hợp. Mỗi cá nhân là một mắt xích quan trọng. Khi họ phù hợp và được đặt vào một vai trò, trách nhiệm phù hợp thì họ sẽ được phát huy hết khả năng và có thể tỏa sáng.
Chúng tôi luôn coi trọng việc tạo điều kiện để các nhân viên có thể tỏa sáng, được là chính mình, nêu lên các ý kiến. Chúng tôi tạo ra sân chơi công bằng để mọi thành viên được thử sức và nỗ lực, làm việc hết mình. Đó là “văn hóa đoàn kết, văn hóa dám nghĩ, dám làm”.
Mọi thành viên của Global Care chúng tôi đều thấm nhuần 3 giá trị cốt lõi để xây dựng văn hoá doanh nghiệp của chúng tôi:
Thứ nhất là chính trực. Luôn minh bạch, trung thực tuyệt đối trong mọi chính sách.
Thứ hai là trách nhiệm. Tất cả cam kết của chúng tôi đối với cán bộ nhân viên, đối tác, khách hàng và xã hội sẽ được thực hiện trên tinh thần chịu trách nhiệm đến cùng.
Thứ ba là phù hợp. Chỉ tư vấn và cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu và năng lực tài chính của người được bảo hiểm, không tư vấn quá sự thật, quá nhu cầu và quá khả năng tài chính của người được bảo hiểm.
Ngoài ra, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường văn hóa đoàn kết của công ty. Hàng tuần, mỗi team đều có meeting team và hàng tháng đều có hoạt động “Ngày ném đá chung”. Các nhân viên sẽ có cơ hội chất vấn ban lãnh đạo với những câu hỏi như tại sao chị, anh phải làm như vậy, tại sao công ty lại đi con đường này?... Đối với bộ phận quản lý, chúng tôi có meeting hàng ngày.
Hàng quý, chúng tôi đều có tổ chức sinh nhật cho cán bộ nhân viên, hàng năm thì có team building. Ngoài ra, Global Care thường xuyên tổ chức các workshop và khuyến khích nhân viên tham gia...
Có bao giờ bà thấy áp lực vì những NGÀY NÉM ĐÁ CHUNG chưa. Có bao giờ việc NÉM ĐÁ ấy tạo cho bà ý tưởng mới không?
Có khá nhiều cái “ném đá” tạo cho tôi ý tưởng. Ví dụ, “ném đá” về việc tester của bạn không tốt. Chúng tôi sẽ để nhân viên làm các thử nghiệm theo cách mà họ cho rằng có kết quả tốt hơn. Và nếu bạn thách thức được với ban lãnh đạo trong 2 tuần và mọi việc vận hành tốt thì bạn đúng. Hiện nay, Global Care đang áp dụng việc này cho bộ phận sản phẩm và IT.
Có người hỏi tôi rằng: “Việc này có tạo áp lực cho nhân viên không? Tôi nhấn mạnh là không hề, mọi người đều đứng vai trò đào tạo, mọi người đều phải tham luận, bảo vệ ý kiến của mình. Có nhiều cuộc tranh luận gay gắt, nhưng hết cuộc tranh luận thì trở lại trạng thái bình thường. Mỗi nhân viên có một thế mạnh, chuyên môn riêng. Global Care đề cao việc nhân viên có lập trường riêng, dám phản biện.
Nhìn lại hành trình vừa qua, kỷ niệm 6 năm thành lập Global Care, bà muốn nhắn gửi gì đến đội ngũ cán bộ nhân viên Global Care?
Tôi chỉ có một câu: “Tôi yêu các bạn”, tôi thật sự rất biết ơn các bạn và gia đình các bạn, các bạn đã trải qua nhiều khó khăn, chông gai cùng tôi và Global Care.
Chúng ta đã đi cùng nhau qua mỗi một thời khắc quan trọng trong hành trình 6 năm qua của Global Care, từ thất bại đến thành công. Không có thất bại sẽ không có thành công, tôi hy vọng các bạn hiểu được điều này, vững tin cùng tôi khai phá cơ hội mới phía trước.
Tôi tin rằng, với sự đồng lòng của tất cả các thành viên, Global Care sẽ trở thành một tổ chức mạnh.
Hướng đến hành trình mới tiếp theo, đâu là những mục tiêu của Global Care? Và những ưu tiên nào sẽ được chú trọng để hiện thực hóa, thưa bà?
Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh dấu mốc quan trọng bằng sự hình thành một Ecosystem. Đó sẽ là giải pháp có thể giúp nhà bảo hiểm online hóa sản phẩm, quản trị nội dung tập trung và quản lý chiến dịch cho sản phẩm trong vòng 15 phút; và người được bảo hiểm được hưởng nhiều đặc quyền ưu đãi, chính sách minh bạch và quy trình yêu cầu bồi thường thông minh trong 3 phút từ công nghệ AI của chúng tôi.
Hiện nay, Global Care đang tập trung vào 2 mảng:
Thứ nhất là tiếp tục tập trung vào các dòng sản phẩm hướng đến khách hàng là những người dân có thu nhập thấp để ai cũng có thể được bảo vệ. Trong đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào sản phẩm Bảo hiểm Tiết kiệm Hưu trínhằm mang đến cho cộng đồng một giải pháp tài chính với chính sách Bảo hiểm Sức khỏe và chính sách Đầu tư có thể góp tích lũy hàng tháng với mức phí nhỏ.
Thứ hai, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các nền tảng công nghệ, hoàn chỉnh platform để khách hàng dễ dàng quyết định chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Từ đó tiếp tục phát huy vai trò là cánh tay nối dài của các nhà bảo hiểm để có thể lan tỏa các giải pháp bảo vệ đến từng người dân.