Đầu tư Phát triển bền vững
ESG chưa đủ để đảm bảo phát triển bền vững
Nhật Hà thực hiện - 12/11/2024 07:37
Sự thành công của một tổ chức không chỉ dựa vào yếu tố tài chính, mà còn phụ thuộc vào sự phát triển của môi trường và cộng đồng xung quanh. Ông Rajeev Peshawaria, Giám đốc điều hành Stewardship Asia Centre, chia sẻ về vai trò của tiêu chí ESG trong các hoạt động kinh doanh hướng tới phát triển bền vững.
Ông Rajeev Peshawaria, Giám đốc điều hành Stewardship Asia Centre

Điều gì thúc đẩy ông viết cuốn sách mang tựa đề “Phát triển bền vững: Tại sao chỉ ESG thôi thì không đủ” (Sustainable development: Why ESG is not Enough)?

Cuốn sách này ra đời từ nhận thức rằng, ESG (môi trường, xã hội và quản trị) là một khởi đầu quan trọng, nhưng không đủ để giải quyết các vấn đề sâu sắc và hệ thống mà chúng ta đối mặt.

Mục tiêu của cuốn sách là khuyến khích các nhà lãnh đạo nhìn nhận sâu xa hơn và áp dụng lãnh đạo bền vững, dựa trên 4 giá trị cốt lõi: sự phụ thuộc lẫn nhau, tầm nhìn dài hạn, tinh thần sở hữu và khả năng sáng tạo.

Ông có thể giải thích về mâu thuẫn giữa lợi nhuận và các giá trị quản lý bền vững mà cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực theo đuổi thông qua ESG?

Trong cuốn sách của tôi, không có mâu thuẫn giữa lợi nhuận và lãnh đạo bền vững. Vấn đề là ESG chỉ có thể đáp ứng phần nào nhu cầu về sự bền vững vì nó quá phụ thuộc vào các cơ chế quản trị như quy định và các phần thưởng tài chính để thay đổi hành vi của các tổ chức.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay coi việc tuân thủ ESG như một gánh nặng chi phí và dễ rơi vào tình trạng tẩy xanh, làm giả báo cáo xanh, để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng. Cần phải thay đổi động lực bên trong của các tổ chức, tạo ra cam kết mạnh mẽ với các mục tiêu xã hội và môi trường.

Có giải pháp thực tế nào để các doanh nghiệp có thể cân bằng lợi ích và trách nhiệm của mình trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp sau đại dịch Covid-19 và sự bất ổn chính trị toàn cầu?

Chúng ta không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về lòng tham hay thờ ơ, mà với việc giải quyết thách thức theo cách không tự nhiên. Các yêu cầu về việc tiêu thụ ít hơn, kiếm ít lợi nhuận hơn có thể trái ngược với bản chất con người. Thay vào đó, chúng ta cần giải quyết vấn đề bằng cách tìm ra giải pháp sáng tạo có thể mang lại lợi nhuận, hoặc ít nhất là bền vững về tài chính, cho cả môi trường và xã hội.

Những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng thu nhập và sự dễ bị tổn thương trong không gian mạng là cơ hội cho các doanh nghiệp và lãnh đạo xã hội.

Stewardship Asia Centre đã thực hiện những chương trình nào để thúc đẩy lãnh đạo bền vững?

Stewardship Asia Centre cung cấp các chương trình giáo dục điều hành nhằm giúp các tổ chức hiểu được tầm quan trọng của lãnh đạo bền vững. Chúng tôi đã xây dựng một trung tâm cộng đồng và nội dung trực tuyến để nâng cao nhận thức và thúc đẩy thay đổi hành vi. Những sáng kiến này phản ánh cam kết của chúng tôi, nhưng cần mỗi cá nhân thực hiện phần của mình để tạo ra sự thay đổi thực sự. Chúng tôi đã bắt đầu khởi động chương trình 2025 SL25 dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký tham dự tại link https://www.stewardshipcommons.com/sl25/apply.

Hầu hết các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng đổi mới sáng tạo và công nghệ cao trong sản xuất, thương mại và logistics để đạt được các mục tiêu xanh và bền vững. Tuy nhiên, làm thế nào họ có thể dễ dàng tiếp cận các ưu đãi hay vốn ưu đãi?

Chìa khóa để tiếp cận các ưu đãi và vốn đầu tư là xây dựng một chiến lược tăng trưởng dài hạn và tự duy trì tài chính. Việc xây dựng lòng tin với các bên liên quan thông qua minh bạch và ra quyết định có đạo đức là rất quan trọng. Các nhà đầu tư sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thể hiện lãnh đạo bền vững và có kế hoạch rõ ràng, khả thi để đạt được các mục tiêu xanh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cần một cuộc cách mạng giá trị để tạo ra một tương lai “ba bên” cho các bên liên quan, xã hội và môi trường. Liệu đây có phải là một mục tiêu lý tưởng không, thưa ông?

Một cuộc cách mạng giá trị không phải là điều không thể đạt được. Nhiều công ty và nền kinh tế đã thực hiện thành công các chiến lược dựa trên giá trị, mang lại lợi ích chung cho tất cả các bên. Tata Group là ví dụ điển hình về việc áp dụng mô hình quản lý bền vững, chú trọng đến lợi ích xã hội. Mars Incorporated cũng đã tích hợp tính bền vững vào chiến lược kinh doanh cốt lõi của mình, chứng minh rằng, lãnh đạo có trách nhiệm có thể mang lại thành công kinh tế lẫn kết quả xã hội tích cực.

Ông đánh giá thế nào về nền kinh tế Việt Nam và việc thực hiện ESG trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

Việt Nam đang có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. 

Cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của ESG, đặc biệt khi các nhà đầu tư quốc tế yêu cầu minh bạch và tính bền vững cao hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện ESG rộng rãi cần phải nâng cao nhận thức và hỗ trợ từ các quy định và chương trình giáo dục.

Việt Nam có thể học hỏi gì từ các ví dụ quốc tế trong việc kết hợp lợi nhuận và mục đích, thưa ông?

Faber Castell là ví dụ về việc tích hợp bảo vệ rừng bền vững vào mô hình kinh doanh, vừa bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo lợi nhuận. Tata Group cũng tích hợp trách nhiệm xã hội vào việc tài trợ giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Những nỗ lực này chứng minh rằng, khi các doanh nghiệp đặt quản lý bền vững làm trung tâm chiến lược, họ có thể tạo ra đổi mới, tạo giá trị cho tất cả các bên và đóng góp vào một tương lai công bằng và bền vững hơn.

Tin liên quan
Tin khác