Tiêu dùng
EU cân nhắc nới điều kiện kiểm soát với mỳ ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam
Thế Hoàng - 27/03/2023 16:43
Nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cho hay, Liên minh châu Âu (EU) đang đề nghị giảm biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm với mỳ ăn liền của Việt Nam.
EU cân nhắc nới  điều kiện kiểm soát với mỳ ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay, Liên minh châu Âu (EU) đang đề nghị giảm biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm với mỳ ăn liền của Việt Nam.

Với nỗ lực rất lớn của Bộ Công thương và doanh nghiệp, trong 6 tháng cuối năm 2022, EU không phát hiện vụ vi phạm nào của Việt Nam với mỳ ăn liền và được Tổng vụ An toàn và sức khỏe (SANTE) thuộc Ủy ban châu Âu ghi nhận trong phiên họp Kỹ thuật trong trung tuần tháng 2/2023.

Do Việt Nam đã quản lý tốt xuất khẩu mỳ ăn liền vào EU 6 tháng cuối năm 2022 nên Ủy ban châu Âu đã đề nghị đưa mỳ ăn liền từ Phụ lục II (yêu cầu có chứng thư và kiểm soát 20% tại cửa khẩu) sang Phụ lục I (kiểm soát tại cửa khẩu EU với tần suất 20%, không yêu cầu có chứng thư).

Tuy nhiên, đề xuất này cần được đại diện các nước thành viên thông qua vào cuối tháng 4. Việc loại bỏ chứng thư an toàn thực phẩm đối với mỳ ăn liền cần sự nỗ lực rất lớn từ Bộ Công thương trong việc kiểm soát chất lượng. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị kiểm nghiệm tiếp tục thực hiện tốt các quy định kiểm nghiệm theo các tiêu chuẩn của EU.

Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu mỳ ăn liền tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát chuỗi cung ứng sản xuất, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm của EU và các thị trường xuất khẩu.

Tính đến tháng 2/2023, Bộ Công thương đã cấp 3.170 HC (Health certificate - Chứng thư) được cấp vào thị trường EU thông qua 21 cảng, trong đó quốc gia có số lượng HC nhiều nhất là Đức (1.715 HC).

Thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng ngưỡng giới hạn cho phép đối với dư lượng chất Ethylene Oxide trong mỳ ăn liền tiêu thụ trong nước và các sản phẩm thực phẩm khác có mối nguy tương tự thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Trước đó, từ tháng 2/2022, EU đã đưa sản phẩm mỳ an liền của Việt Nam vào diện áp dụng quy định Regulation (EU) 2019/1793 để kiểm soát dư lượng ethylene oxide (EO).

Cụ thể, Đức gửi cảnh báo sản phẩm mỳ ăn liền hương vị gà, mỳ ăn liền hương vị cà ri của Công ty CP thực phẩm Á Châu (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) chứa chất cấm Ethylene oxide vượt ngưỡng uy định của EU.

Ba Lan cảnh báo sản phẩm mỳ ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam Vifon (TP Hồ Chí Minh) và nước này đã trả lại lô hàng.

Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia. Malta xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép nên đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.

EO thường được sử dụng làm chất khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao trong một số sản phẩm nông sản; khử khuẩn các nguyên liệu thực phẩm, đặt biệt cho các gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế do yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella.

Hiện mỗi nước, mỗi khu vực đưa ra quy định về chất EO khác nhau, có nơi siết chặt như EU, nhưng cũng có một số quốc gia không quy định chặt chẽ và hàm lượng EO trong sản phẩm.

Trong cuộc hop mới nhất của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) với doanh nghiệp xuất khẩu mỳ an liền sang thị trường châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu mỳ ăn liền như Công ty CP Acecook Việt Nam; Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon), Công ty CP Thực phẩm Á Châu… đều cam kết kiểm soát tốt chuỗi cung ứng, sản xuất đảm bảo không sử dụng Ethylene Oxide trong bất kể khâu nào của sản xuất và sản phẩm khi xuất khẩu sang EU.

Tin liên quan
Tin khác