Một công nhân chất ngũ cốc lên xe tải tại một bến cảng trong quá trình thu hoạch lúa mạch ở vùng Odessa, Ukraine ngày 23/6/2022. Ảnh: Reuters |
Lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ba Lan
Theo hãng tin Reuters, hành động đơn phương đối với thương mại của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu là không thể chấp nhận được.
Đây là ý kiến của Giám đốc điều hành của khối cho biết hôm Chủ nhật (16/4), sau khi Ba Lan và Hungary tuyên bố cấm nhập khẩu ngũ cốc và thực phẩm khác từ Ukraine để bảo vệ ngành nông nghiệp địa phương của họ.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine gây nên tình trạng tắc nghẽn hậu cần ở khu vực cảng vùng Biển Đen, khiến lượng lớn ngũ cốc của Ukraine dù rẻ hơn so với sản xuất ở Liên minh châu Âu vẫn ở lại các quốc gia Trung Âu.
Tình trạng này ảnh hưởng đến giá cả và việc bán hàng của nông dân địa phương.
Tình trạng này tạo ra một mâu thuẫn chính trị đối với Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) theo chủ nghĩa dân tộc cầm quyền của Ba Lan trong năm bầu cử, vì đã khiến người dân ở các vùng nông thôn - nơi thường có tỷ lệ ủng hộ PiS cao - trở nên bất bình.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết trong một tuyên bố gửi qua email: “Chúng tôi biết về các thông báo của Ba Lan và Hungary liên quan đến lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác từ Ukraine”.
"Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng, chính sách thương mại là thẩm quyền độc quyền của EU, do đó, các hành động đơn phương là không thể chấp nhận được".
"Trong những thời điểm khó khăn như vậy, điều quan trọng là phải phối hợp và thống nhất tất cả các quyết định trong EU".
Ba Lan và Hungary đã vướng vào các cuộc xung đột kéo dài với Brussels về các vấn đề bao gồm độc lập tư pháp, tự do truyền thông và quyền LGBT. Hai nước cũng đang bị EU giữ lại tiền trợ cấp vì các tranh cãi về pháp quyền.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky đã nói chuyện với người đồng cấp Hungary Istvan Nagy vào 16/4 và nhấn mạnh rằng, các quyết định đơn phương là không thể chấp nhận được, Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết trong một tuyên bố. Cả hai bên đã đồng ý sẽ sớm trao đổi lại.
Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, lệnh cấm của Ba Lan mâu thuẫn với các thỏa thuận song phương hiện có về xuất khẩu và kêu gọi đàm phán để giải quyết vấn đề.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Bulgaria Yavor Gechev nói rằng nước này cũng đang xem xét lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Thỏa thuận quá cảnh giữa Ba Lan và Ukraine
Bộ trưởng Công nghệ và Phát triển Ba Lan cho biết, lệnh cấm của Ba Lan, có hiệu lực vào tối thứ Bảy tuần trước (15/4), cũng sẽ áp dụng cho việc vận chuyển các sản phẩm ngũ cốc qua nước này.
"Lệnh cấm đã đầy đủ, bao gồm cả lệnh cấm quá cảnh qua Ba Lan", ông Waldemar Buda viết trên Twitter, đồng thời cho biết thêm rằng, các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức với Ukraine để tạo ra một hệ thống đảm bảo hàng hóa chỉ đi qua Ba Lan và không thâm nhập vào thị trường địa phương.
Hãng Thông tấn nhà nước của Ukraine - Ukrinform cho biết các bộ trưởng Ukraine và Ba Lan sẽ gặp nhau vào thứ Hai (17/4) tại Ba Lan và thỏa thuận quá cảnh sẽ là trọng tâm của các cuộc đàm phán.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus được dẫn lời rằng, lệnh cấm là cần thiết để "EU mở rộng tầm mắt trước thực tế là cần có thêm các quyết định cho phép các sản phẩm từ Ukraine đi sâu vào châu Âu chứ không ở lại Ba Lan".
Bộ Tài chính Ba Lan cho biết lệnh cấm sẽ kéo dài đến ngày 30/6/2023.
Ukraine thường xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông nghiệp, đặc biệt là ngũ cốc, qua các cảng Biển Đen, được dỡ bỏ phong tỏa vào tháng 7/2022 theo thỏa thuận giữa Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Liên Hợp Quốc.
Thỏa thuận đó dự kiến hết hạn vào ngày 18/5. Tuần trước, Moscow chỉ ra rằng, thỏa thuận này có thể không được gia hạn trừ khi phương Tây loại bỏ những trở ngại đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine, khoảng 3 triệu tấn ngũ cốc rời Ukraine mỗi tháng thông qua hành lang ngũ cốc Biển Đen, trong khi chỉ có 200.000 tấn được chuyển đến các cảng châu Âu thông qua lãnh thổ Ba Lan.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky, mỗi tháng, có khoảng 500.000 đến 700.000 tấn sản phẩm nông nghiệp đi qua biên giới Ba Lan, bao gồm ngũ cốc, dầu thực vật, đường, trứng, thịt và các sản phẩm khác.