Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP |
Dự báo trên được Ủy ban châu Âu, cơ quan hành chính của EU, công bố ngày 14/7 trong bối cảnh các thị trường đang dõi theo chặt chẽ các biến động lạm phát. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự đoán, theo số liệu công bố ngày 13/7.
Đã xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại rằng lạm phát ở châu Âu tiếp tục tăng kỷ lục. Riêng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ghi nhận tăng lạm phát kỷ lục 8,6% trong tháng 6/2022.
Tình hình lạm phát đang gây áp lực chồng chất lên các quốc gia thành viên Eurozone, trong lúc các nước này đang cố gắng giảm thiểu tác động của lạm phát đến các hộ gia đình. Theo kế hoạch, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ có cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Tháng 5/2022, Ủy ban châu Âu cho biết họ dự báo lạm phát ở Eurozone sẽ đạt 6,1% trong năm 2022, trước khi giảm về 2,7% vào năm 2023. Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh dự báo này, Ủy ban châu Âu đã nâng mức lạm phát lên lần lượt là 7,6% và 4% trong các năm 2022 và 2023.
Đối với toàn châu Âu, lạm phát đã được điều chỉnh tăng từ 6,8% vào năm 2022 và 3,2% vào năm 2023, lên lần lượt là 8,3% và 4,6%.
"Các hành động của Nga đang làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng và ngũ cốc, đẩy giá cả tăng lên và làm suy giảm niềm tin", ông Paolo Gentiloni, Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu, đánh giá.
Cũng theo ông Gentiloni, lạm phát được dự đoán sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay và giảm dần vào năm 2023. "Với diễn biến của chiến sự và nguồn cung cấp khí đốt, dự báo này có thể có nhiều bất ổn và rủi ro tiêu cực", Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu cho biết thêm.
Các quan chức châu Âu đang lo ngại nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ bị ngừng hoàn toàn. Mặc dù EU đã dần giảm việc nhập khẩu khí đốt của Nga, nhưng lượng nhập khẩu từ Nga hiện vẫn là nguồn năng lượng quan trọng của khối này.
Công ty vận hành đường ống vận chuyển nhiên liệu Nord Stream AG đã xác nhận vào đầu tuần này rằng công tác bảo trì tại tuyến đường ống Nord Stream 1 của đơn vị này đang được tiến hành cho đến ngày 21/7.
Tuyến đường ống Nord Stream 1 đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức và châu Âu nói chung, tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại rằng dòng chảy khí đốt từ Nga sẽ không trở lại bình thường sau khi công tác bảo trì được hoàn tất.
Song song với việc nâng dự báo lạm phát, Ủy ban châu Âu cũng đã điều chỉnh giảm hầu hết các kỳ vọng tăng trưởng trong dự báo kinh tế mùa hè được công bố hôm 14/7.
Vào tháng 5/2022, Ủy ban châu Âu dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2022 của EU và Eurozone nói riêng sẽ đạt lần lượt 2,7% và 2,3%. Còn hiện nay, cơ quan này ước tính nền kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2023, còn Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2022 và 1,4% vào năm 2023.
Châu Âu đã gặp thách thức lớn sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Trước khi chiến sự nổ ra, một số chuyên gia kinh tế đã dự đoán Eurozone sẽ tăng trưởng hơn 4% trong năm 2022, nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng của Mỹ.
Thế nhưng, các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga, cộng với việc Moscow cắt giảm cung cấp khí đốt tự nhiên, các vấn đề lớn của chuỗi cung ứng lương thực và một loạt các yếu tố khác, đã làm lung lay triển vọng kinh tế châu Âu.