Từ tháng 5/2024, EU cho phép ngưỡng MRL Oaxmyl trên các loại nông sản rất thấp, ở mức 0,001 mg/kg. |
Nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, ngày 22/1/2024, Ủy ban Châu Âu ban EU đã ban hành Quy định mới số (EU) 2024/331 sửa đổi Phụ lục II và V Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện và của Hội đồng châu Âu liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) đối với hoạt chất Oxamyl áp dụng đối với một số nông sản.
Theo quy định trước đây, EU cho phép ngưỡng MRL Oaxmyl trên các loại nông sản là 0,01 đến 0,05 mg/kg đối với hầu hết các loại nông sản có nguồn gốc động và thực vật.
Còn tại quy định mới (EU) 2024/331, EU sẽ áp dụng mức MRL cho phép mức dư lượng Oxamyl trên các loại nông sản ở mức rất thấp là 0,001 mg/kg.
EU cũng cho phép áp dụng đối với một nông sản cho mức MRL cao hơn như: quả bơ áp dụng ở mức 0,005 mg/kg, cà chua 0,002 mg/kg; các loại ngũ cốc trong đó có gạo; các sản phẩm động vật MRL là 0,005 mg/kg. Duy nhất EU cho phép áp dụng MRL hoạt chất Oxamyl đối với hạt ca cao ở mức mới là 0,01 mg/kg.
Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 11/5/2024.
"Với quy định này của EU, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường 27 nước EU. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam vào thị trường EU cần thường xuyên theo dõi những quy định mới của EU về MRL, kịp thời kiểm tra, giám sát, điều chỉnh hàng hóa xuất khẩu phù hợp quy định", Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý.
Ủy ban châu Âu hôm 17/1/2024 đăng công báo cập nhật các biện pháp tăng cường kiểm soát chính thức và khẩn cấp tạm thời với hàng hóa nhập vào Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, lần đầu sầu riêng tươi lẫn đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu ngay tại cửa khẩu, với tần suất 10%.
Theo lý giải của EU, dữ liệu từ Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) cùng thông tin về các biện pháp kiểm soát chính thức của các quốc gia thành viên, cho thấy có sự xuất hiện của những rủi ro mới với sức khỏe con người do khả năng bị ô nhiễm bởi dư lượng thuốc trừ sâu.
Do đó, EU phải yêu cầu tăng cường mức độ kiểm soát chính thức việc nhập khẩu các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam.
Cùng với sầu riêng, còn 2 mặt hàng khác của Việt Nam cũng vào diện chịu giám sát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là ớt chuông và mỳ ăn liền, với tần suất kiểm tra tương ứng 50% và 20%.
Trong khi đó, cập nhật mới giữ nguyên hai mặt hàng khác của Việt Nam là đậu bắp và thanh long trong phụ lục II, tức thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng, với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU.
Việt Nam không phải trường hợp cá biệt có hàng hoá bị siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm của EU. Khoảng 100 mặt hàng được EU đưa vào diện cần kiểm tra ngay tại biên giới đến từ 27 nước.