Sáng 2/3, EuroCham đã chính thức công bố Sách Trắng 2016 về thương mại và đầu tư. Điểm ấn tượng là ngay trong phần giới thiệu tổng quan, các thành viên biên tập Sách Trắng đã nhấn mạnh sự chuyển mình nhanh chóng của Việt Nam và đặc biệt coi năm 2016 là năm mà một chân trời mới mở ra cho Việt Nam và quan hệ thương mại giữa Việt Nam và thế giới.
Nhắc đến mối quan hệ giữa AESEAN và EU, sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và tất nhiên là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (VEFTA), Sách Trắng 2016 khẳng định, trong năm qua, Việt Nam đã đạt được những thay đổi then chốt, tác động tới tất cả các thành viên EuroCham.
Theo Sách Trắng 2016, việc đạt được thỏa thuận thương mại thành công giữa Việt Nam và EU tạo nên một bức tranh tích cực cho những năm tới đây. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải vượt qua một số thách thức để cải thiện năng lực cạnh tranh của mình, đặc biệt ở thời điểm các nước láng giềng đang thách thức lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.
“Do đó, chúng tôi kính mong Chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết những vấn đề được đề cập trong Sách Trắng 2016 và đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Xin lưu ý rằng, những đề xuất của chúng tôi là đại diện và vì quyền lợi của các thành viên EuroCham. Tuy nhiên, đại đa số những đề xuất này rõ ràng cũng đem lại lợi ích lâu dài cho Chính phủ và người dân Việt Nam”, EuroCham gửi thông điệp tới Chính phủ Việt Nam.
Cụ thể, 4 nhóm vấn đề chính đã được Sách Trắng 2016 đề cập và kiến nghị tới Chính phủ Việt Nam. Đó là việc nâng cao đời sống của người dân, trong đó có vấn đề tiếp cận dịch vụ y tế và dược phẩm an toàn, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, năng lượng và điện lực; gia tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng; xây dựng khung pháp lý; và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam.
Từng nội dung cụ thể của các nhóm vấn đề này đã được các tiểu nhóm công tác của EuroCham trình bày và thảo luận trực tiếp tại lễ công bố Sách Trắng. Lần thứ 8 công bố Sách Trắng và đây là lần đầu tiên, hình thức này được tổ chức.
Các vấn đề liên quan đến chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy mô hình đầu tư hợp tác công tư (PPP), những vướng mắc trong thực hiện các thương vụ M&A cũng đã được các thành viên EuroCham thẳng thắn đề cập.
Tại lễ công bố Sách Trắng 2016 năm nay, một nội dung được đặc biệt quan tâm là việc triển khai VEFTA, nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Ông Bruno Angelet thậm chí còn cho rằng, đây là một hiệp định thương mại tự do toàn diện tham vọng nhất của EU. Vì thế, từ ngày hôm nay, hai bên đã bắt đầu làm việc với tất cả các biện pháp nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện tòan diện, phù hợp nhất Hiệp định.
“Chúng tôi cũng sẽ phổ biến rộng rãi Hiệp định và tiềm năng của nó, hướng tới cộng đồng doanh nghiệp, nhằm nhấn mạnh các cơ hội tuyệt vời sẽ mở ra cho tương lại chung của hai phía. Không nghi ngờ gì nữa, đây là cơ hội lớn để EU và Việt Nam có thể xây dựng một trong những mối quan hệ tốt nhất cho tương lai trong khu vực Đông Nam Á”, ông Bruno Angelet nói.
Trong khi đó, theo bà Nicola Connolly, Chủ tịch EuroCham, EVFTA sẽ là nền tảng để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. “Là cửa ngõ ASEAN, Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng hơn với doanh nghiệp EU. Nhưng không chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp EU, mà Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh vì lợi ích lâu dài của Việt Nam và của doanh nghiệp Việt Nam”, bà Nocala Connolly nói.
Liên quan tới vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, Sách Trắng 2016 đã đề cập một loạt vấn đề liên quan chính sách thuế, sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, chất lượng nguồn nhân lực, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng, vận tải và hậu cần.
Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và kêu gọi Chính phủ, các doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp châu Âu hãy hỗ trợ để nhóm doanh nghiệp này nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm tận dụng được cơ hội do VEFTA mang lại.
“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ khó có cơ hội tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp châu Âu, mà sẽ phải qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa châu Âu. Vì vậy, tôi hy vọng tới đây dòng chảy vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam sẽ đến nhiều hơn từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Lộc nói.