Đây là thông tin được ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023” ngày 25/5.
Theo ông Gabor Fluit, với hơn 1.300 thành viên, EuroCham là một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thành viên của EuroCham hiện sử dụng 150.000 lao động trên khắp Việt Nam.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp thuộc EuroCham là những tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã có rất nhiều thành công khi đầu tư vào Việt Nam cũng như việc góp phần trong việc xây dựng một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham phát biểu tại sự kiện. |
Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh, EuroCham coi trọng những tác động tích cực của nông nghiệp đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung. Vượt xa vai trò trong trồng trọt, nông nghiệp có thể được coi là nguồn sống của hàng triệu người dân, là nền tảng của nền kinh tế địa phương và chất xúc tác cho sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, EuroCham nhận thức được vai trò cần thiết của hậu cần và tăng trưởng xanh trong việc hình thành tương lai của ngành nông nghiệp và nền kinh tế. Bằng việc sử dụng mạng lưới hậu cần hiệu quả và thông suốt, và ứng dụng những quy tắc của tăng trưởng xanh, chúng ta có thể mở ra vô số tiềm năng và cơ hội cho sự phát triển bền vững và tạo ra một tương lai thịnh vượng.
EuroCham và các thành viên hết lòng ủng hộ phong trào chuyển đổi xanh và nhận thức được tầm quan trọng của tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế. Để phục vụ cho việc này, EuroCham tập hợp những chuyên môn đáng giá từ các Tiểu ban Ngành nghề của mình - đặc biệt là Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản (FAABS); Tiểu ban Vận tải và Hậu cần (TLSC); và Tiểu ban Phát triển Xanh (GGSC).
Ba Tiểu ban Ngành nghề này sẽ tích cực tham gia vào diễn đàn, phát biểu, chia sẻ và xây dựng kết nối với người tham dự. Điều này đem lại cơ hội hiếm có để họ có thể giới thiệu bản thân với tỉnh Tây Ninh, tham gia vào đào tạo có tính đóng góp và thúc đẩy phát triển bền vững.
“Đối với các thành viên của EuroCham, tham gia diễn đàn này sẽ mở ra cơ hội được ưu tiên tiếp cận các thông tin quý báu, bức tranh toàn diện về bối cảnh kinh tế vùng, các dự án phát triển sắp tới và tiềm năng tăng trưởng. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có tầm nhìn chiến lược để tự tin khám phá những cơ hội đầu tư mới tại Tây Ninh”, ông Gabor Fluit nói và cho biết thêm, đây cũng là lý do EuroCham kết hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023.
Thông tin về những chính sách ưu đãi của địa phương đối với các doanh nghiệp, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, đối với những dự án đầu tư mới sẽ được ưu đãi Thuế suất 10 % trong 15 năm kể từ khi có doanh thu; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập và giảm 50 % số thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo.
Đối với những dự án đầu tư mở rộng, từ ngày 01/01/2014, Luật Thuế số 32/2013/QH13 bổ sung quy định doanh nghiệp đang hoạt động có dự án đầu tư mở rộng vào lĩnh vực và địa bàn ưu đãi thuế. Theo đó, nếu đáp ứng tiêu chí quy định của Luật thì được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có), hoặc được miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng quy định tại khoản này bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp…
Theo ông Chiến, tỉnh Tây Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch, theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá của ngành nông nghiệp nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung.
Với thế mạnh về công nghệ, tài chính và thị trường, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội EuroCham có thể hỗ trợ Tây Ninh phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu cho chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, là động lực để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về cả số lượng lẫn quy mô trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.