Ảnh: BNews\Reuters |
Đây là lần thứ sáu kể từ khi quốc gia này rút khỏi chương trình viện trợ châu Âu vào năm 2018 và nhận được hỗ trợ tài chính để giảm gánh nặng nợ nần.
Tại cuộc họp, Eurogroup đã thảo luận về tiến độ của Hy Lạp trong việc thực hiện cải cách và triển vọng kinh tế vĩ mô của nước này, dựa trên báo cáo giám sát nâng cao lần thứ 12 được công bố vào ngày 24/11 vừa qua.
Sau khi hoạt động kinh tế giảm mạnh vào năm 2020, dự báo Mùa Thu của Ủy ban châu Âu (EC) chỉ ra sự phục hồi kinh tế đáng kể ở Hy Lạp trong năm nay và trong năm 2022 và 2023. Các biện pháp hỗ trợ kịp thời, có mục tiêu và tạm thời do Chính phủ Hy Lạp thực hiện đã giảm bớt tác động của đại dịch đối với doanh nghiệp và người lao động. Các nỗ lực của chính phủ đã được hỗ trợ bởi các công cụ mới của EU, chẳng hạn như Chương trình thúc đẩy phục hồi sau đại dịch (NextGeneration EU-NGEU) và Công cụ hỗ trợ tạm thời giảm nguy cơ thất nghiệp trong tình hình khẩn cấp (SURE). Việc thực hiện các cải cách và đầu tư cho kế hoạch phục hồi và ứng phó của Hy Lạp sẽ tạo ra một động lực đáng kể cho tăng trưởng và phải tạo cơ sở để củng cố các nỗ lực ủng hộ quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.
Trong tuyên bố của mình về Hy Lạp, Eurogroup hoan nghênh những cải cách chính trị mới mà Chính phủ Hy Lạp đã thực hiện trong hoàn cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19 và đám cháy nghiêm trọng hồi tháng 8/2021. Đặc biệt, là việc tôn trọng cam kết cụ thể trong lĩnh vực quản lý tài chính công, thiết lập bảng tài khoản cho chính phủ và thông qua các biện pháp chống độc quyền trong lĩnh vực năng lượng, bổ sung cho các cam kết đã thực hiện đối với lĩnh vực này. Ngoài ra, việc đơn giản hóa giấy phép đầu tư, tư nhân hóa và quản trị các doanh nghiệp công, bảo trợ xã hội và hành chính công đã đạt được nhiều tiến bộ.
Eurogroup nhấn mạnh sự không chắc chắn liên quan đến đại dịch vẫn hiện hữu và kêu gọi Hy Lạp cần thiết phải tiếp tục giải quyết dứt điểm các rủi ro và thách thức trung hạn được xác định trong Báo cáo giám sát tăng cường lần thứ 12. Eurogroup khuyến khích các cơ quan chức năng của Hy Lạp tiếp tục và tăng cường nỗ lực của họ trong cải cách khu vực tài chính và xóa nợ, đồng thời ghi nhận một số chậm trễ trong các lĩnh vực tư pháp và y tế. Những vấn đề này sẽ tiếp tục được theo dõi thông qua giám sát tăng cường.
Trong bối cảnh đó, Eurogroup hoan nghênh đánh giá của các tổ chức châu Âu cho rằng, bất chấp hoàn cảnh khó khăn do đại dịch gây ra, Hy Lạp đã thực hiện các biện pháp cần thiết để đáp ứng các cam kết cải cách cụ thể. Tùy thuộc vào việc hoàn thành các thủ tục quốc gia, Nhóm công tác Eurogroup và Hội đồng quản trị của Cơ sở ổn định tài chính châu Âu (EFSF) dự kiến sẽ thông qua việc chuyển các khoản thu nhập tương đương trong chương trình mua lại công trái chính phủ SMP-ANFA và giảm tỷ lệ lợi nhuận ký quỹ xuống 0 của nguồn vốn EFSF. Eurogroup chờ báo cáo giám sát nâng cao lần thứ 13, dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 2/2022.
Hy Lạp đang xem xét việc hoàn trả trước hạn số tiền còn lại của khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng như trả trước một phần các khoản vay của mình theo Quỹ cho vay Hy Lạp (GLF) tương ứng với các khoản thanh toán gốc đến hạn trong năm 2022 và 2023 trong khuôn khổ GLF, nhằm có tác động tích cực đến tài chính công của Hy Lạp.
ESM và EFSF, tiền thân của quỹ khẩn cấp ESM mà các nước đồng euro thành lập, đã cho Hy Lạp vay hơn 200 tỷ euro từ năm 2010 đến năm 2018. Sự hỗ trợ đó đã giữ nước này ở lại khu vực đồng euro.