Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
PMI sơ bộ thấp nhất 3 tháng qua
Theo kết quả sơ bộ từ cuộc khảo sát mới đây, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone, một thước đo tổng quát về sức khỏe của các ngành sản xuất và dịch vụ, xuống thấp nhất trong 3 tháng qua, còn 50,1 điểm. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy lĩnh vực ngành/dịch vụ được khảo sát có tăng trưởng.
Cụ thể, PMI ngành dịch vụ của Eurozone trong tháng 9 đang trong tình trạng tồi tệ, với hoạt động của ngành dịch vụ suy giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua, trong khi hoạt động sản xuất của Eurozone vẫn ở trong vùng tích cực và thậm chí đạt mức cao nhất trong 31 tháng qua.
“Nền kinh tế hai tốc độ là điều thấy rõ, các nhà máy (tại Eurozone) ghi nhận tăng trưởng nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, đặc biệt nhu cầu của các thị trường xuất khẩu cộng với việc mở cửa bán lẻ trở lại ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ngành dịch vụ chìm sâu Eurozone vẫn chìm trong suy thoái do các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trực tiếp tới khách hàng vẫn bị ảnh hưởng bởi lo ngại số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng”, ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty phân tích dữ liệu thị trường IHS Markit (Anh) cho biết.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cho biết tính đến ngày 22/9, Eurozone ghi nhận 2,9 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó Tây Ban Nha và Pháp xác nhận mỗi ngày có trên 10.000 ca nhiễm mới.
Các chính phủ tại Eurozone mới đây công bố áp dụng các biện pháp chống dịch mới, còn các nhà kinh tế cũng bắt đầu quan sát những ảnh hưởng của các biện pháp này đến hoạt động kinh tế của khu vực.
Ông Williamson cho biết số liệu công bố chính thức sắp tới có thể cho thấy hoạt động kinh tế tổng thể của Eurozone đã chậm lại hơn, điều này dẫn đến "nguy cơ cao về suy giảm kép" ở Eurozone.
Pháp rơi vào vùng suy thoái
Sản xuất có phần gượng lại nhưng vẫn không đủ sức kéo lại đà giảm sâu của các ngành dịch vụ của Pháp. Theo báo cáo của IHS Markit, chỉ số PMI tổng thể của Pháp trong tháng 9 lần đầu tiên sụt giảm trong 4 tháng qua, xuống 48,5 điểm, từ mức 51,6 trong tháng 8.
Trong khi đó, dù được tiếp lực lớn từ ngành chế tạo, đà hồi phục kinh tế của Đức vẫn chậm. Chỉ số PMI sơ bộ của Đức trong tháng 9 giảm còn 53,7 điểm, từ 54,4 trong tháng 8.
Chuyên gia Williamson nhận định: “Mối quan tâm chính hiện nay là liệu những số liệu sụt giảm của tháng 9 có kéo sang quý IV/2020 và khiến suy thoái quay trở lại sau đợt phục hồi ngắn đáng thất vọng trong quý III không”.
Những số liệu sơ bộ trên khiến giới phân tích đưa ra những nhận định hết sức dè dặt về sức khỏe kinh tế của Eurozone trong những quý tới. Các chuyên gia từ Công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) cho rằng, chỉ số PMI tổng hợp của Eurozone trong tháng 9 đã củng cố thêm bằng chứng rằng sức hồi phục ban đầu của khu vực này đã cạn kiệt.
Các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 mới áp dụng có thể đảo ngược đà hồi phục kinh tế của Eurozone.