Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone trong tháng 6 chỉ tăng 2,5%, thấp hơn mức tăng 2,6% của tháng 5. Con số này cho thấy lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2% - mức mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) coi là lý tưởng để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định giá cả.
Lạm phát giảm cũng thúc đẩy nhiều kỳ vọng về việc ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất thường xuyên hơn và mạnh hơn trong năm nay, sau đợt cắt giảm nhẹ lần đầu tiên hồi đầu tháng 6. Trước đó, trong cuộc chiến chống lạm phát, ECB đã 10 lần tăng lãi suất liên tục cho đến tháng 9/2023.
Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm) vốn nhận được nhiều sự quan tâm từ ECB vẫn ở mức 2,9% của tháng trước. Điều này sẽ khiến ECB phải tiếp tục cân nhắc thận trọng trong việc điều chỉnh lãi suất thời gian tới.
Một diễn biến khả quan tiếp theo của nền kinh tế Eurozone là tỷ lệ thất nghiệp. Theo Eurostat, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng euro trong tháng 6 vẫn ở mức thấp kỷ lục 6,4% như tháng trước đó. Điều này cũng phù hợp với nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.
Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, thị trường lao động châu Âu đang phát triển rất tốt. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn nhưng việc làm vẫn tăng 2,6 triệu người kể từ cuối năm 2022. Điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng euro vẫn ở mức thấp lịch sử.
Khả năng phục hồi của thị trường lao động phản ánh sự kết hợp bất thường của các cú sốc xảy ra ở khu vực đồng euro. Việc thiếu lao động khiến các công ty phải "tích trữ" nhân lực, hạn chế tối đa việc sa thải nhân viên bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Họ lo ngại rằng nếu sa thải nhân viên, họ sẽ không thể lấp đầy các vị trí công việc khi hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại.