Hàng dệt may Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào EU khi EVFTA hiệu lực. |
Cơ hội lớn, nhưng không dễ biến thành đơn hàng
Cùng với các ngành xuất khẩu chủ lực như da giày, thủy sản và đồ gỗ, hàng dệt may luôn được nhận định có cơ hội gia tăng xuất khẩu ở top đầu khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn đi vào thực thi.
Năm 2018, giá trị xuất khẩu dệt may sang EU chỉ đạt 4 tỷ USD, con số còn khiêm tốn trong tổng giá trị xuất khẩu 36 tỷ USD của toàn ngành.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2018, EU chi 280 tỷ USD nhập khẩu hàng dệt may từ các nhà cung ứng trên toàn thế giới. “Thị phần của Việt Nam rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 2% tổng mức chi nhập khẩu hàng dệt may của EU. Do đó, thị trường EU còn nhiều đất để phát triển”, ông Hiếu phân tích.
Lý giải về giá trị xuất khẩu sang EU còn thấp so với năng lực xuất khẩu toàn ngành, đại diện Vinatexcho rằng, từ trước tới nay, sở dĩ ngành dệt may Việt Nam chưa tiến xa, tiến sâu được, là do EU gồm 28 nước (tính cả Anh), mà mỗi nước lại có phong tục, tập quán, đặc điểm tiêu dùng hàng dệt may khác nhau. Đặc thù đơn hàng tại EU là số lượng nhỏ, nhiều mùa nên thay đổi mẫu mã liên tục… do đó, doanh nghiệp có tâm lý ngại làm các đơn hàng nhỏ lẻ.
Trong khi đó, ở phân khúc cao cấp, hàng hiệu, phần lớn nguồn cung do các hãng lớn của chính EU cung cấp, dệt may Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi giá trị này.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), dù EU là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ hai (sau Mỹ), nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được trực tiếp với khách hàng, bởi doanh nghiệp bán lẻ ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU... đều có hệ thống phân phối, có thương hiệu, mà doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu phụ thuộc nhiều vào khâu trung gian.
Điểm tựa quy tắc xuất xứ cộng gộp
Xuất khẩu dệt may năm 2019 lấy đích đến là 40 tỷ USD. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2018, trong đó, EU là một trong 5 thị trường xuất khẩu chính với kim ngạch 2,56 tỷ USD, tăng 4,52%.
Cần phải nói thêm rằng, điểm yếu của ngành dệt may lâu nay vẫn là chưa chủ động được nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải. Năm 2018, xuất khẩu dệt may đạt 36 tỷ USD, nhưng chi nhập vải đã lên tới gần 13 tỷ USD.
Với EVFTA vừa ký kết, kỳ vọng được phê chuẩn và có hiệu lực vào đầu năm 2020, xuất khẩu dệt may sang EU sẽ được giảm thuế, nhưng chỉ với điều kiện đáp ứng được quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, tức là từ khâu sản xuất vải đến may mặc phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc nhập từ các nước EU.
Điểm tựa lớn để giải bài toán thiếu hụt vải và hưởng ưu đãi là tăng sử dụng vải nhập khẩu tại Hàn Quốc (quốc gia đã có FTA với EU) để cắt may tại Việt Nam. Tuy vậy, tỷ lệ này sẽ không lớn, do 70% lượng vải đều được nhập từ Trung Quốc.
Đại diện EU cho biết, dệt may không chịu hạn ngạch nhập khẩu vào EU, nhưng phải chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ mới có cơ hội giảm thuế. Tất nhiên, nếu đáp ứng được yêu cầu này thì ngành dệt may Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn, tăng tự chủ nguyên liệu đầu vào.
Trong ngắn hạn, tác động tích cực của EVFTA, theo các doanh nghiệp trong ngành, là chưa đáng kể. Xuất khẩu chưa thể tăng luôn và ngay, vì đơn hàng của doanh nghiệp dệt may thường được thương lượng và ký kết trước khoảng 4 - 5 tháng. Hơn nữa, theo cam kết trong Hiệp định, số chủng loại hàng hóa có thuế giảm ngay về 0% không nhiều.
Hiện thuế suất nhập khẩu bình quân áp dụng với hàng dệt may Việt Nam vào EU là 9,6% và sẽ có 42,5% dòng thuế áp dụng đối với dệt may sẽ giảm về 0% khi EVFTA có hiệu lực.
Về dài hạn, EVFTA sẽ có tác động tích cực khi các dòng thuế còn lại sẽ giảm về về 0% sau 3 - 7 năm, giúp dệt may Việt Nam cạnh tranh hơn với các sản phẩm từ Bangladesh và Campuchia.
Tất nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp trong ngành dệt may đều sẽ được hưởng lợi từ EVFTA. Mức độ ảnh hưởng của hiệp định này lên mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau, phụ thuộc vào cơ cấu thị phần xuất khẩu của từng doanh nghiệp.
Trong báo cáo mới nhất của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), những doanh nghiệp dệt may có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang EU và xây dựng được chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, liên kết trong nội ngành tốt sẽ được hưởng lợi lớn nhất. Trong đó, có thể kể đến một số công ty như TNG (có tỷ trọng xuất khẩu sang EU chiếm trên 50%), May 10 (35%), May Sài Gòn (41%), May Sông Hồng (30%), May Việt Tiến (14%), Dệt May Thành Công (3,64%)...
Cũng theo BVSC, để tối đa hóa lợi ích từ EVFTA, Việt Nam cần chú trọng phát triển công nghiệp dệt và công nghiệp phụ trợ dệt may nhằm cung cấp nguyên vật liệu khép kín.
Năm thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, 5 thị trường xuất khẩu chính đều có mức tăng từ 4,5 - 11,7%.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may đi Mỹ ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018. EU là thị trường có giá trị xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ hai, với 2,56 tỷ USD, tăng 4,52% so với cùng kỳ.
Các thị trường tiếp theo là Nhật Bản, đạt 1,89 tỷ USD, tăng 5,20%; Hàn Quốc đạt 1,63 tỷ USD, tăng 4,6 %; Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, tăng 10,3%.