Tại Đối thoại về EVFTA và IPA sáng 1/7/2019, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định rằng, 2 FTA quan trọng mà Việt Nam với Liên minh châu Âu vừa ký kết tạo ra những áp lực cần thiết để doanh nghiệp phải tự nâng cấp mình. |
Nhiều vấn đề về thách thức với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình triển khai Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) tại "Đối thoại về Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA): Cơ hội cho doanh nghiệp" sáng 1/7/2019 đã được đại diện phía EU, Bộ Công Thương và Chủ tịch VCCI lưu ý tới các doanh nghiệp Việt Nam.
Trước khi thông tin những vấn đề lớn tới các doanh nghiệp, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström một lần nữa nhận định về sự tốt đẹp của việc ký kết thành công EVFTA và IPA.
Việc ký kết 2 FTA quan trọng với Việt Nam ngày 30/6, được bà Cecilia Malmström gọi là thông điệp gửi đến thế giới trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang dâng cao, đồng thời khẳng định: "Chúng tôi muốn trở thành nhà đầu tư lớn hơn nữa ở Việt Nam".
Cả 2 hiệp định thể hiện cam kết mạnh mẽ của EU với Việt Nam, những FTA này quan trọng vì nhiều lý do, trước hết là giúp tăng đầu tư, thương mại và việc làm cho chính các nước thành viên EU thông qua việc thúc đẩy thương mại với thị trường 97 triệu dân, có nền kinh tế năng động tại châu Á.
“Với EVFTA và IPA, các công ty châu Âu được ưu tiên tiếp cận thị trường đang phát triển nhanh, có nhu cầu tiêu dùng cao của Việt Nam”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhắc lại ví von của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ ký kết chiều 30/6/2019, coi EVFTA là tuyến đường cao tốc nối gần hơn nữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Theo đó, sự bổ sung, tương hỗ giữa hai nền kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho 600 triệu người dân Việt Nam và châu Âu.
"Hiệp định này mang ý nghĩa hành trình về phương Đông của doanh nghiệp EU", ông Lộc nói.
Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc thù nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lộc khẳng định, FTA với EU tạo ra những áp lực cần thiết để Việt Nam hoàn thiện thể chế, còn ở quy mô doanh nghiệp, phải tự nâng cấp mình lên.
Doanh nghiệp Việt có cơ hội tăng xuất khẩu vào EU, nhưng đổi lại, hàng hóa châu Âu cũng thuận lợi vào Việt Nam, tạo ra cạnh tranh quốc tế ngay tại thị trường 97 triệu dân.
Ông Lộc phân tích, thách thức là có, nhưng không quá nghiêm trọng, và doanh nghiệp Việt Nam có thể thay đổi để thích ứng với cuộc chơi thương mại toàn cầu. Bằng chứng là chúng ta đã hội nhập, tham gia nhiều FTA song phương và đa phương rồi, phải chấp nhận cạnh tranh ngay trên sân nhà mình bằng cách tự thay đổi và vươn mình.
Tuy nhiên, điều ông Lộc lưu ý các doanh nghiệp Việt là làm thế nào để qua được thách thức nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, khi nhiều ngành sản xuất đang nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, ASEAN. Doanh nghiệp nên nhập khẩu từ EU nhiều hơn”, ông khuyến cáo.
Tiếp đến là rào cản từ thị trường EU khá cao, vệ sinh dịch tễ rất nghiêm ngặt, nên giai đoạn đầu các doanh nghiệp Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp châu Âu để chuyển đổi tiêu chuẩn sản xuất, sớm thích ứng với điều kiện nhập khẩu ngặt nghèo của 28 nước EU.
Ngoài ra, một vấn đề được cho là trở ngại lớn với các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí tuân thủ để triển khai sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của EU cũng rất lớn.
“Để giải quyết câu chuyện chi phí, ông Lộc đề xuất, Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, một mình doanh nghiệp sẽ khó vượt qua được, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều cốt tử là doanh nghiệp phải hiểu được đầy đủ các cam kết trong Hiệp định mà vận dụng, mà cơ cấu lại mặt hàng, thị trường, cơ cấu lại đối tác. Phải hiểu rõ mới tận dụng được.
Việc ký kết EVFTA và IPA, cũng như CPTPP, sau khi được Quốc hội 2 bên thông qua thì điều doanh nghiệp cần nhất là phải thoáng về thể chế. Nếu thể chế bó chân bó tay doanh nghiệp thì doanh nghiệp khó mà tồn tại được.
Ông Lộc cho rằng, hội nhập sâu rộng với hàng loạt FTA chất lượng cao và toàn diện, nghĩa là doanh nghiệp đã bị quăng xuống đại dương rồi. Không còn con đường nào khác, phải tự nâng cấp mình lên.