Đầu tư
EVFTA và IPA mở ra vận hội mới về thương mại, đầu tư Việt Nam – EU
Giorgio Aliberti - 12/02/2022 13:38
Các thỏa thuận tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa hai bên (IPA) sẽ giúp bổ sung, làm sâu sắc quan hệ đối tác giữa EU và Việt Nam.



Vận hội mới

EVFTA đã đặt các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư của EU ít nhất ngang hàng với các nước và khu vực khác đã ký kết FTA với Việt Nam như ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Với các thương nhân Việt Nam, lợi ích sau một năm thực hiện FTA này còn cao hơn. Cụ thể, về mặt thị trường, EVFTA cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tiếp cận hơn 450 triệu người tiêu dùng châu Âu có thu nhập khả dụng hàng đầu thế giới. Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, khoảng 85,6% tổng số dòng thuế đã được xóa bỏ hoàn toàn đối với hàng hóa của Việt Nam. Con số này chiếm 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Việc loại bỏ dần thuế nhập khẩu dẫn đến sự gia tăng 20% xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang EU.

Đối với dịch vụ và đầu tư, EVFTA cung cấp cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam một cách tốt nhất mà Việt Nam từng cấp cho một đối tác thương mại. Thực tế, đề nghị tự do hóa dịch vụ của Việt Nam đã vượt ra khỏi các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới. Các ngành dịch vụ quan trọng được mở theo EVFTA gồm các dịch vụ trong lĩnh vực máy tính, bưu chính, xã hội, giáo dục đại học, môi trường, phân phối, tài chính, vận tải hàng hải, vận tải hàng không và viễn thông.

Một thỏa thuận bao trùm

EVFTA và IPA không chỉ tạo ra cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển, mà còn thúc đẩy phát triển bền vững của cả hai bên. Chúng bao gồm các cam kết mạnh mẽ để bảo vệ các quyền cốt lõi của mọi người tại nơi làm việc và môi trường.

EVFTA và IPA đã được đàm phán cùng nhau như một gói về đầu tư và thương mại, bổ sung, và liên kết với nhau. EVFTA gồm các cam kết mở cửa thị trường và tự do hóa đầy tham vọng đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này mang lại lợi thế quan trọng cho các nhà đầu tư EU trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam và ngược lại, cũng như giúp tạo sân chơi bình đẳng cho các hoạt động của họ trong các điều kiện công bằng, dễ đoán và không phân biệt đối xử.

IPA sẽ bảo vệ tài sản của các nhà đầu tư EU tại Việt Nam và của các nhà đầu tư Việt Nam tại EU. Các hiệp định này tạo ra một môi trường đầu tư thân thiện giữa EU và Việt Nam, có lợi cho tăng trưởng hơn nữa. IPA đưa ra các tiêu chuẩn về bảo hộ đầu tư, là những bảo đảm cơ bản buộc các chính phủ phải tôn trọng một số nguyên tắc đối xử cơ bản mà nhà đầu tư nước ngoài có thể dựa vào khi quyết định đầu tư.

Cấu trúc mới của các hiệp định quốc tế của EU, nghĩa là được tách thành FTA và IPA, cho phép nhanh chóng có hiệu lực các cam kết tự do hóa thương mại và đầu tư theo FTA, trong khi IPA sẽ có hiệu lực ngay sau khi được tất cả 27 quốc gia thành viên phê chuẩn. Trong khi đó, sự bảo hộ đầu tư được đảm bảo cho các nhà đầu tư EU theo các hiệp ước đầu tư song phương của 21 quốc gia thành viên sẽ được duy trì.

Minh bạch và công bằng

IPA được xây dựng dựa trên các giá trị cốt lõi của EU, đưa ra mức độ bảo vệ đầu tư cao, trong khi bảo vệ quyền điều chỉnh và theo đuổi các mục tiêu chính sách công hợp pháp của Việt Nam và EU. Theo thỏa thuận, quốc gia chủ nhà có thể áp đặt thông qua các nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư, dựa trên mức độ bảo vệ lợi ích công cộng mà quốc gia đó cho là phù hợp. Đổi lại, các nhà đầu tư phải tuân thủ tất cả các luật trong nước của quốc gia nơi họ đầu tư để được hưởng lợi từ bảo hộ đầu tư.

Một yếu tố mới của IPA là khuôn khổ bảo hộ đầu tư hiện đại và đã được cải cách, bao gồm hệ thống tòa án đầu tư để giải quyết các tranh chấp đầu tư, loại bỏ các phần tranh chấp của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước kiểu cũ.

Trái ngược với các hiệp ước đầu tư đang có hiệu lực giữa Việt Nam và các nước thành viên EU, tất cả các thủ tục theo IPA hoàn toàn minh bạch, các phiên điều trần được công khai và các bên thứ ba quan tâm, như các tổ chức xã hội dân sự phi chính phủ, sẽ được phép đệ trình. Điều này đảm bảo rằng, tất cả các khía cạnh quyền con người và phát triển bền vững sẽ được tòa án đầu tư xét xử một cách hiệu quả.

Điều quan trọng là, IPA xác định chính xác thời điểm các chính phủ vi phạm nghĩa vụ đối xử công bằng và bình đẳng và loại bỏ phạm vi giải thích theo ý mình. Thỏa thuận đầu tư cũng đủ chặt chẽ để ngăn chặn “đầu tư giả mạo”, không bảo vệ cái gọi là công ty “vỏ” (shell) hoặc “hộp thư” (mailbox). Để đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư, các công ty phải điều hành các hoạt động kinh doanh thực sự tại EU hoặc tại Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác