Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN (thứ 3 từ trái sang) cho biết, sẽ không tăng giá điện trong năm 2022 |
“Không tăng giá điện năm 2022”
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết với Chính phủ sẽ không tăng giá điện trong năm 2022. Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, Tập đoàn đã nhận được chỉ đạo từ Chính phủ và sẽ nghiêm túc chấp hành hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển nền kinh tế sau đại dịch Covid.
Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá các nguyên liệu sơ cấp đã tăng rất nhanh, đặc biệt sau chiến sự tại Ukraine. Giá than đã tăng 3 lần, từ 60 – 70 USD lên 200 USD. Giá LNG cũng biến động nhanh từ 6-8 USD lên 18-20 USD/1 triệu BTU. Giá sắt thép sử dụng cho các dự án điện, truyền tải điện cũng tăng rất cao. Với các yếu tố biến động này, ngành điện đều chịu tác động. Ngành điện hiện đang chịu áp lực về đầu vào và sản xuất kinh doanh. Singapore – quốc gia có cơ cấu nguồn điện khí LNG chiếm tỷ trọng lớn dự kiến tăng giá điện 30% trong tháng 4 này do áp lực giá LNG.
“EVN có thể cân đối trong năm 2022. Với áp lực tiếp tục tăng, việc cân đối đầu vào và giá bán điện hết sức khó khăn. EVN báo cáo Chính phủ năm nay sẽ hoà vốn, các năm sau có thể không còn cân đối”, ông Tài Anh cho hay.
Tin tưởng vượt qua mùa khô
Đến cuối năm 2021, công suất đặt của hệ thống điện đến cuối năm 2021 đạt 77.811 MW, tăng 25% so với năm trước. Việt Nam đứng thứ nhất trong các nước Đông Nam Á, đứng thứ 22 thế giới về công suất đặt. Cùng đó, chất lượng điện năng đáp ứng tốt thời gian vừa qua với thời gian mất điện dưới 400 phút/năm.
Tuy vậy, công suất đặt tăng nhưng nguy cơ thiếu điện vào mùa khô năm 2022 vẫn hiện hữu. Hiện điện sản xuất ra không có khả năng tích trữ, các công cụ tích trữ chưa có trong hệ thống điện do tính kinh tế. Công suất đặt tăng nhưng không thể quy đổi 1MW điện gió, điện mặt trời với nguồn năng lượng hoá thạch. Bởi các nguồn năng lượng hoá thạch có thể chạy 7000-8.000 giờ/năm. Trong khi đó, điện mặt trời chỉ chạy 1.500 giờ/năm, điện gió trên bờ chạy 2.500 – 2.800 giờ/năm, điện gió ngoài khơi 3.000 – 3.500 giờ/năm.
Công suất lớn nhất theo công bố (P max) là 43.000MW. Nguyên tắc để đảm bảo hệ thống an toàn ổn định cần 15-18% dự phòng nên thực tế cần công suất khả dụng trên 50.000 MW. Hầu hết trong hệ thống điện từ năm 2020 đến nay gần như không có dự phòng.
Mới đây, Chính phủ đã có chỉ đạo các giải pháp về tình trạng thiếu điện có thể xảy ra mùa khô tới. Cùng các giải pháp phụ tải, ngành điện cũng kêu gọi khách hàng người dân tiết kiệm điện, tin rằng sẽ vượt qua được mùa khô năm 2022.