Thời sự
EVN khẳng định không xin điều chỉnh giá điện đến hết năm
Thanh Hương - 15/09/2015 21:51
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa khẳng định, EVN không đề xuất điều chỉnh giá điện trước những biến động của tỷ giá thời gian gần đây.
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN

Trước lo lắng của dư luận về việc giá điện có thể bị điều chỉnh do tác động của tỷ giá giữa VND và USD được điều chỉnh gần đây, EVN đã chính thức khẳng định, không phải vì điều chỉnh tỷ giá mà EVN xin điều chỉnh giá điện.

Theo ông Tri, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá có khiến những doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ như EVN chịu ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và chi phí đầu tư.

“Chúng tôi tính sơ bộ, từ đầu năm 2015 đến nay,  các khoản nợ ngắn hạn (các khoản phải trả nợ ngay) là khoảng 240 tỷ đồng. Cạnh đó, do giá khí bán cho sản xuất điện đang tính bằng USD nên tác động trực tiếp đến chi phí của EVN. Ước tính chi phí tăng lên trong năm 2015 do chênh lêch tỷ giá dẫn đến việc giá mua điện của các nhà máy tăng là khoảng 1.800 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng các khoản phải hạch toán ngay trong năm 2015 này là 2.000 tỷ đồng”, ông Tri nói.

Chênh lệch tỷ giá do các khoản vay dài hạn bằng ngoại tệ của EVN tăng thêm do điều chỉnh tỷ giá vừa qua theo tính toán đến cuối năm 2015 là khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ đồng này không phải hạch toán ngay vào trong giá thành. Theo quy định hiện hành, sau khi quyết toán công trình, các khoản chênh lệch tỷ giá được trích, phân bổ dần trong vòng 5 năm chứ không phải đưa hết ngay vào giá thành.

Đối với nhưng khoản vay hình thành tài sản đã đưa vào sử dụng, EVN sẽ phải tính toán để báo cáo Chính phủ cho phép phân bổ dần chi phí này trong nhiều năm, tương tự chênh lệch tỷ giá năm 2011, EVN đã xin phép Chính phủ cho phân bổ dần đến năm 2015 sẽ phân bổ hết. Vào ngày 31/12/2011, khoản chênh  lệch tỷ giá này là 26.600 tỷ đồng, nhưng bằng nhiều biện pháp khác nhau như trích lợi nhuận, các biện pháp giảm giá thành, đến nay chênh lệch tỷ giá còn lại chưa phân bổ chỉ là 4.800 tỷ đồng.

Vẫn theo ông Tri, đối với khoản 2.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá năm 2015 phải đưa ngay vào chi phí sản xuất, EVN sẽ chỉ đạo các Tổng công ty trực thuộc tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận bằng cách tăng sản lượng các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện có giá thành thấp, yêu cầu các nhà máy phát tăng sản lượng, huy động tối đa công suất để tăng lợi nhuận để bù vào.

“EVN khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ không xin điều chỉnh giá điện. Giá điện sẽ vẫn giữ nguyên như hiện nay. Không phải vì điều chỉnh tỷ giá mà EVN xin điều chỉnh giá điện”, ông Tri khẳng định.

Đối với khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ đồng, có khoản trả trong vòng 20 năm, hoặc có những khoản vay ODA trả trong vòng 30 năm, 10 năm ân hạn sẽ được EVN xin phép Chính phủ cho phân bổ dần chứ không đưa ngay vào giá thành điện. Như vậy trong năm 2015 việc xử lý tài chính của EVN sẽ không có vấn đề gì lớn, vẫn bảo đảm sản xuất kinh doanh được.

Liên quan đến đề xuất của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc hạch toán lại các chi phí tăng lên, ông Tri cũng cho hay, sẽ phải chờ ý kiến của Bộ Công thương.

Trong Thông tư 56/2014/TT-BCT có quy định, khi đàm phán các hợp đồng mua bán điện với cả các nhà máy bên ngoài EVN và các nhà máy hạch toán độc lập nhưng thuộc EVN, đều theo nguyên tắc đối với các khoản vay ngoại tệ thì trong giá điện sẽ có công thức điều chỉnh tỷ giá.  Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Công thương chưa cho phép điều chỉnh tỷ giá đối với bất kỳ doanh nghiệp, kể cả trong hay ngoài EVN.

“Tôi cho rằng là cũng không điều chỉnh lên được mà trước tiên phải phấn đấu bù đắp chi phí bằng các hoạt động hiệu quả. Trong trường hợp bất khả kháng, không thể xử lý được thì phải báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính có biện pháp xử lý, cũng tương tự như EVN đã kiến nghị là không hạch toán vào chi phí ngay mà cho phép phân bổ dần, lấy lợi nhuận từ những năm sau bù vào, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng vì những khoản nợ này chưa đến hạn trả”, ông Tri nói và khẳng định, “EVN thấy cần có trách nhiệm phải giữ ổn định từ nay đến cuối năm. Sang năm EVN vẫn phải tính toán tiếp để giữ mức ổn đinh càng lâu càng tốt”.

Trước đó, đại diện Vinacomin cho biết, chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ 1.200 tỷ đồng cho tập đoàn và kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện. Còn với PVN, chênh lệch tỷ giá cũng được cho là đã ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu tài chính của tập đoàn bởi đơn vị này cũng  bán điện sản lượng lớn cho EVN.

Tin liên quan
Tin khác