Doanh nghiệp
EVN mướt mải tìm vốn
Thanh Hương - 08/01/2017 09:19
Thực hiện yêu cầu không thể thiếu điện trong trung và dài hạn, trong khi nhiều nhà đầu tư bên ngoài không mặn mà đầu tư nguồn điện, khiến gánh nặng đảm bảo điện dồn lên vai Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trụ sở EVN

Năm 2017, quy mô vốn đầu tư xây dựng của EVN được lên kế hoạch với tổng giá trị 137.071 tỷ đồng. Năm 2016 trước đó, EVN cũng đã đầu tư 132.536 tỷ đồng.

Dù danh sách hàng trăm dự án đã, đang và chuẩn bị được triển khai của EVN là quá nhiều, nhưng những dự án đó nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khi Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và sự sôi động của phong trào khởi nghiệp.

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, để đảm bảo năng lực tài chính của Tập đoàn, EVN chỉ có thể trông chờ vào 2 nguồn: giá điện và thu xếp vốn.

Theo đó, giá điện để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiến hành bình thường, thì thu xếp vốn là nhắm tới mục tiêu đảm bảo tăng trưởng nguồn điện, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển.

“Mỗi năm, nhu cầu vốn đầu tư của EVN cần từ 5 - 6 tỷ USD và có nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, vì vậy, việc Chính phủ bảo lãnh để vay vốn, trong điều kiện tài chính của EVN như hiện nay là rất cần thiết”, ông Tri nói và cho hay, tại cuộc họp Tổng kết năm 2016 vừa diễn ra ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Với EVN, sẽ sẵn sàng bảo lãnh”, nên EVN cũng rất hy vọng sẽ làm tốt công tác thu xếp vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình nguồn và lưới điện. 

Ở một góc độ khác, lãnh đạo EVN cũng cho hay, nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam có thể chỉ còn kéo tới năm 2019, sau đó sẽ phải chuyển sang vay vốn thương mại. “Bởi vậy, việc thu xếp vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư của EVN chắc chắn sẽ gặp những thách thức mới”, ông Tri nói và cho biết thêm, trong chương trình tái cơ cấu của EVN, mục tiêu để các đơn vị trong EVN đảm bảo tài chính, tiến tới tự phát hành trái phiếu, mà không cần bảo lãnh của Chính phủ cũng đã được lãnh đạo Tập đoàn đặt ra.

Để thực hiện chiến lược này, EVN đã bắt đầu triển khai thuê tư vấn quốc tế để đánh giá, xếp hạng cho EVN, nhằm tìm ra cơ hội trên thị trường trái phiếu. Theo kế hoạch, trong quý I/2017, công việc thuê tư vấn đánh giá, xếp hạng sẽ được hoàn tất.

“EVN phải hướng tới mục tiêu phát hành trái phiếu quốc tế, vì vậy, các chỉ tiêu của EVN phải đạt chuẩn quốc tế”, đại diện EVN nói và cho biết thêm, ngày 15/1, Tổng công ty Điện lực TP.HCM sẽ được Tập đoàn thí điểm thực hiện xây dựng Báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế ERP. Với các đơn vị còn lại, việc triển khai cũng sẽ được đẩy nhanh để đạt tiến độ từ năm 2018, EVN sẽ thực hiện áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế.

Để chuẩn bị cho chặng đường tiếp theo, EVN đã xây dựng Chiến lược tài chính mới với một số giải pháp lần đầu tiên được đề cập.

Đó là, với một số dự án lớn sắp được đầu tư thực hiện vay không có bảo lãnh Chính phủ, EVN đang có chủ trương thành lập công ty mới và công ty sẽ ký hợp đồng vay với các chuẩn mực mới.

Một hướng khác cũng được nhắc tới là giải pháp xây dựng xong nhà máy, công trình thì tiến hành nhượng quyền toàn bộ. Khi thực hiện việc nhượng toàn bộ công trình sẽ giải quyết được tồn tại bấy lâu này là, Tập đoàn và các tổng công ty phát điện vẫn phải gánh nợ vay, làm xấu báo cáo tài chính và gây khó khăn trong việc triển khai các dự án mới tiếp theo.

Với thực tế giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá là khó khăn, khi nhu cầu điện tiếp tục tăng cao, các nguồn điện chạy dầu với chi phí nhiên liệu cao sẽ vẫn được huy động với mức độ lớn, giá than vẫn trong xu hướng tăng mạnh, khiến chi phí sản xuất điện tăng cao, vấn đề tối ưu hoá trong hệ thống, thông qua áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra những đột phá mới cũng được EVN xem là một giải pháp tối quan trọng.

Tin liên quan
Tin khác