Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chuẩn bị đấu giá toàn bộ 25% vốn góp CTCP Phong điện Thuận Bình tại Sở GDCK Hà Nội vào sáng ngày 28/10 với giá khởi điểm ở mức 17.940 đồng/cổ phần, cao hơn gần 80% so với mệnh giá. EVN cho biết sẽ đấu giá 4.075.000 cổ phần, dự kiến thu về tối thiểu 73 tỷ đồng nếu bán thành công.
Phong điện Thuận Bình thành lập năm 2009 đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo. Dự án Nhà máy điện gió Phú Lạc – giai đoạn 1 đặt tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã hoạt động từ tháng 9/2016 với công suất 24MW. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn 4 dự án hác đang nghiên cứu và triển khai tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Đăklăk với tổng công suất lắp đặt dự kiến trên 1.000 MW trong đó công suất lắp điện gió khoảng 510MW và điện mặt trời khoảng 570MW.
Dù vốn điều lệ đăng ký là 240 tỷ đồng, vốn thực góp đến thời điểm hiện tại của Phong điện Thuận Bình mới đạt 163 tỷ đồng. Ngoài EVN sở hữu 25%, doanh nghiệp điện tái tạo này còn 4 cổ đông khác.
Cơ cấu cổ đông tại CTCP Phong điện Thuận Bình |
CTCP Cơ điện lạnh (REECorp, mã REE, sàn HoSE) đang trực tiếp sở hữu 25% vốn Phong điện Thuận Bình và sở hữu gián tiếp 8,52% vốn doanh nghiệp này qua công ty liên kết (CTCP Thủy điện Thác Mơ). Trong trường hợp REECorp tham gia đấu giá và giành quyền sở hữu 25% vốn từ EVN, tỷ lệ sở hữu của REECorp tại đây sẽ vượt mức chi phối. Danh mục đầu tư tài chính của REECorp hiện có 11 doanh nghiệp sản xuất điện, trong đó duy nhất CTCP Thủy điện Thác Bà là công ty con với tỷ lệ sở hữu hơn 60%.
Tính đến quý II/2019, tổng tài sản của REECorp xấp xỉ 12.350 tỷ đồng. Trong đó, riêng các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn hiện đạt gần 2.550 tỷ đồng.
Hơn 19,2 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký vào Bình Thuận
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019 diễn ra vào sáng 22/9, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng số vốn đầu tư 21.800 tỷ đồng (khoảng 920 triệu USD) và ký ghi nhớ đầu tư cho 11 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 435.000 tỷ đồng (tương đương 18,5 tỷ USD).
Hệ thống hạ tầng giao thông tại Bình Thuận dự kiến sẽ có nhiều thay đổi khi Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có kế hoạch vận hành trong giai đoạn 2020 - 2021. Cụ thể, ba tuyến cao tốc gồm Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Cam Lâm tại Bình Thuận dự kiến khởi công cuối năm 2019. Sân bay Phan Thiết cũng có kế hoạch thi công trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ba lĩnh vực chủ đạo được tập trung thu hút đầu tư bao gồm: du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị ven biển, khu dân cư; công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.