F0 xếp hàng xin giấy chứng nhận nghỉ ốm do Covid-19. Ảnh: Gia Nguyễn |
Những ngày gần đây, tình trạng xếp hàng quá lâu chờ xin giấy Nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra tại nhiều địa phương, khiến nhiều người dân bức xúc.
Trong thông tin gửi báo chí ngày 10/3, BHXH Việt Nam thừa nhận, hiện có hàng trăm ngàn người đang có nhu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng,... số bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà rất lớn và đang gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Nguyên nhân là theo quy định hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận này do các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện, trong khi đa số người lao động điều trị Covid-19 tại nhà chỉ được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly do chính quyền địa phương hoặc trạm y tế xã cấp nên các giấy tờ này không đạt tiêu chuẩn để làm cơ sở đề nghị hưởng BHXH.
Theo quy định, người lao động bị Covid-19 sẽ được BHXH chi trả theo công thức: Mức hưởng = 75% x Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ/24 ngày x số ngày nghỉ.
Người lao động còn được nhận tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19 trong trường hợp: Sau điều trị Covid-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày. Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2,235 triệu đồng.
Trước tình trạng trên, BHXH cho hay, nắm bắt những khó khăn của người lao động trong việc xin hồ sơ từ cơ sở khám chữa bệnh làm thủ tục hưởng BHXH, BHXH Việt Nam đã chủ động gửi văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Y tế có giải pháp xử lý các vướng mắc phát sinh nêu trên nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong việc thụ hưởng chế độ BHXH.
Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc công nhận 7 loại giấy tờ (gồm: 1- Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp; 2- Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp; 3- Giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR ) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp; 4- Giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của trạm y tế xã, trạm y tế lưu động, Tổ COVID cộng đồng, y tế cơ quan/doanh nghiệp; 5- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do trạm y tế xã, trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trịCovid-19 tại nhà; 6- Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung; 7- Phiếu xác nhận đã điều trị COVID-19 của các bệnh viện dã chiến) có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, để cơ quan BHXH có căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc Covid-19.
Trong trường hợp không ban hành Nghị quyết, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và quy định mẫu, thẩm quyền cấp 7 loại giấy tờ này vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
“Về phía ngành BHXH Việt Nam đã sẵn sàng cải cách hành chính, rút gọn quy trình và chuẩn bị nguồn kinh phí, nhân lực để tiếp nhận và giải quyết sớm nhất chế độ BHXH cho người lao động bị F0 ngay khi có hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế về các loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. BHXH Việt Nam sẽ kịp thời chỉ đạo cơ quan BHXH các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan để giải quyết nhanh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi Thông tư được ban hành”, BHXH Việt Nam khẳng định.
Trong thời gian này, BHXH Việt Nam khuyến nghị người lao động chưa có tài khoản cá nhân nên khẩn trương mở tài khoản để khi Thông tư hướng dẫn được ban hành, người lao động là F0 có đầy đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ chuyển thẳng tiền hưởng chế độ ốm đau, dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau vào tài khoản của người lao động; vừa đảm kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ.