Tuyên bố của FAO cho biết nếu thiếu hỗ trợ khẩn cấp, "có nguy cơ tình hình thực tế sẽ trở nên trầm trọng hơn ở các khu vực bị ảnh hưởng trong nửa cuối năm nay, khi nhu cầu cứu đói và viện trợ nhân đạo tăng lên".
Các cuộc khủng hoảng đang thiếu kinh phí hỗ trợ bao gồm nạn hạn hán ở Afghanistan, Sudan và Syria, gió mùa nghiêm trọng ở Bangladesh, tái bạo động ở Cộng hòa Trung Phi, mùa bão sắp đến ở Haiti cùng tình trạng mất mùa ở Iraq, Myanmar và khu vực Sahel.
FAO cho biết tổ chức này đang rất cần khoảng 120 triệu USD để viện trợ cho 3,6 triệu người dân ở các nước và khu vực bị ảnh hưởng nói trên trong các tháng còn lại của năm 2018.
Khoản viện trợ dự kiến sẽ dành cho việc cung cấp giống cây trồng và rau, công cụ sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và vaccine cũng như để sửa chữa cơ sở hạ tầng nguồn nước, nâng cao quản lý đất và nước...
Giám đốc chương trình khẩn cấp của FAO Dominique Burgeon kêu gọi "cần hành động ngay lập tức để cung cấp lương thực và hỗ trợ sinh kế cho người dân, bảo vệ sản xuất và tăng khả năng chống chọi với các cuộc khủng hoảng trong tương lai."
Tổ chức FAO cũng cho biết mới nhận được chưa đến 30% trong số tiền 1 tỷ USD được kêu gọi từ đầu năm để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của 30 triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp trên thế giới.