Doanh nghiệp
FAST500 tăng trưởng thấp nhất trong 4 năm qua
Anh Hoa - 20/02/2014 09:42
Tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) trong giai đoạn 2009 – 2012 đạt 44,7%, thấp hơn nhiều so với mức 62,2% của các doanh nghiệp FAST500 trong giai đoạn 2008 – 2011. Trong khi ngành thực phẩm, đồ uống “soán ngôi”  về số lượng, bất động sản vẫn tiếp tục in đậm trong FAST500. Nỗi lo từ những ngôi sao lên nhanh

Theo nhận định của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thì đó là điều đáng chú ý nhất trong Bảng xếp hạng FAST500 - TOP 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013 vừa công bố. Bởi đây là năm tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của các doanh nghiệp FAST500 đạt mức thấp nhất trong 4 năm công bố vừa qua.

Xét riêng Top 5 của Bảng xếp hạng, CAGR trung bình năm nay đạt trên 158%, trong khi con số tương ứng của BXH năm trước là 374%. Điều này sức ảnh hưởng “dài hơi” của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2009 tới hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngành thực phẩm, đồ uống chiếm nhiều doanh nghiệp tăng trưởng
nhanh nhất (18%).

Tuy nhiên, nhóm DN dẫn đầu (Top 5, Top 10) đáng được ghi nhân như những đại diện điển hình cho nỗ lực vượt khó để tăng trưởng trong giai đoạn kinh tế bất ổn.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân Top 10 của 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013: 129,5%. Một số tên tuổi doanh nghiệp lọt vào Top 10 phải kể đến như: Công ty Thanh Thành Đạt, Công ty Yến Sào Khánh Hòa, Công ty Thép TVP...

Trong khi, tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân Top 10 của 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013: 88,3%. Với một số tên tuổi như Công ty Sữa Lam Sơn, Công ty Nhựa Tân Lập Thành...

Đặc biệt, trong số 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013 chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời cũng là khối doanh nghiệp có chỉ số CAGR cao nhất.

Theo thống kê từ Bảng xếp hạng FAST500, số doanh nghiệp tư nhân lọt vào bảng chiếm tới trên 65%, nhiều hơn gấp đôi so với khối doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, CAGR trung bình của khối tư nhân cũng cao hơn hẳn so với khối doanh nghiệp FDI, và doanh nghiệp Nhà nước (DN tư nhân: 50,3%, DN FDI: 43,8%, DN Nhà nước: 38,9%) . Con số trên đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy xét về mức độ năng động thì khối tư nhân vẫn là ngọn cờ tiên phong của toàn nền kinh tế.

Soi qua danh sách 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013 cũng là những điển hình của khối doanh nghiệp tư nhân với tỷ lệ số doanh nghiệp áp đảo đến hơn 70% càng khẳng định thêm những kỳ vọng dành cho các doanh nghiệp tư nhân trẻ.

Xét về ngành nghề thì ngành thực phẩm, đồ uống có nhiều doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất (18%), tiếp sau là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản (16%), ngành khoáng sản, xăng dầu (9%), ngành tài chính (8%), ngành hóa chất (7%).

Tuy nhiên xét về tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân ngành thì thủy sản lại là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất (trên 65,1%), thay thế vị trí của ngành cơ khí trong BXH năm ngoái. Theo sau ngành thủy sản là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (59,2%) và ngành vận tải (58,6%).

Như vậy, mặc dù có sự “soán ngôi” tài tình về số lượng của ngành thực phẩm, đồ uống, song là ngành “tăng trưởng nóng”, bất động sản vẫn tiếp tục ghi dấu của mình trong BXH FAST500 năm nay.

Tin liên quan
Tin khác