Doanh nghiệp
Nỗi lo từ những ngôi sao lên nhanh
Bảo Duy - 09/04/2013 06:29
Được gọi là những ngôi sao đang lên, song Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2012 (FAST500) lại được công bố kèm với những cảnh báo nghiêm trọng về chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Eurowindow có mặt trong Top 5 của FAST500 năm 2012. Ảnh: S.T

(baodautu.vn) Là doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và bất động sản duy nhất có mặt trong Top 5 của FAST500 năm 2012, Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa châu Âu (Eurowindow) đang được soi kỹ. Bởi, so với lần công bố trước cách đây 1 năm, không chỉ hàng loạt ngôi sao trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng đã ngưng sáng, mà ngay cả việc tìm hướng ra cho các thị trường này vẫn đang rất lúng túng.

Nhưng, tại Lễ công bố chính thức FAST500 năm 2012 diễn ra vào ngày mai (9/4), các doanh nghiệp trong hai ngành này sẽ vẫn chiếm số đông, bởi số liệu xếp hạng được dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của doanh thu trong giai đoạn 2008-2011. Trong giai đoạn này, Eurowindow thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng lên tới hơn 374%. Có thể sự thành công trong thương vụ mua lại nhà máy sản xuất gỗ tại Bình Dương vào năm 2011 thúc đẩy kế hoạch chen chân vào khu vực miền Nam của Công ty đã góp thêm vào tốc độ tăng trưởng này.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Công ty, ông Nguyễn Cảnh Hồng không muốn nói nhiều về tốc độ tăng trưởng chóng mặt này. Bởi theo ông, mục tiêu tăng trưởng dựa trên thương hiệu và chất lượng đã giúp Công ty tận dụng được cơ hội của thị trường giai đoạn 2008-2011 để tăng tốc, nhưng cũng đảm bảo được sự ổn định trong thời kỳ khủng hoảng. “Quản trị hiệu quả cộng với năng lực và quy mô sản xuất lớn sẽ tiếp tục là điểm tựa cho sự phát triển của Eurowindow trong năm 2013 cũng như các năm tiếp sau”, ông Hồng cho biết.

Sự thận trọng của ông Hồng là dễ hiểu, bởi theo số liệu công bố của FAST500 năm 2012, CAGR của toàn ngành bất động sản chỉ còn 38% so với mức 53% của lần công bố trước. Các ngân hàng cũng đang có CAGR trung bình ở mức 47%, tụt khá nhanh so với tỷ lệ ngất ngưởng 70% trong FAST500 năm 2011. Nếu so với tốc độ tăng trưởng trung bình của cả bảng xếp hạng trong giai đoạn 2008-2011 là 62,2%, thì hai ngành này đều đứng ở mức dưới trung bình.

Xét về chỉ số hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) năm 2011 theo ngành nghề của các doanh nghiệp FAST500, con số 3,62% và 5,2% tương ứng của ngành tài chính - ngân hàng và bất động sản chắc chắn sẽ khiến nhiều nhà đầu tư thêm thất vọng. Các tỷ lệ này đồng nghĩa với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất thuộc hai nhóm ngành đã từng “hái ra tiền” này khá thấp, với mỗi 10 đồng vốn bỏ ra, nhà đầu tư chỉ có thể thu về chưa nổi 1 đồng lãi. So với những ngành chưa bao giờ được đặt vào vị trí “nóng” như hóa chất (12,44%), cơ khí (12,25%), hay thực phẩm, đồ uống (12,36%)..., thì các doanh nghiệp hai ngành này thực sự là những ngôi sao đang rơi.

Loại trừ những sai số có thể xảy ra trong tính toán, thì kết quả của doanh thu thấp năm 2011 đã làm đảo lộn vị trí của hàng loạt doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu tính thêm cả tình hình thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2012 và các tháng đầu năm 2013, có thể thấy những biến động thị trường của năm 2011 mới chỉ là bắt đầu. Như vậy, sự biến mất của nhiều doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ nhiều nhất chắc sẽ rơi vào doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp có liên quan, trong FAST500 năm tới gần như có thể dự đoán được.

Thậm chí, trường hợp Tập đoàn Thái Hòa đình đám của năm ngoái, doanh nghiệp có thứ hạng cao nhất trong FAST500 năm 2011, một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam với 12 công ty con, công ty thành viên từ Nam chí Bắc, đang phải oằn lưng gánh khoản lỗ lũy kế đến hơn 400 tỷ đồng trong năm tài khoá 2012, một năm sau thời điểm xếp hạng, chủ yếu do vay nợ quá nhiều, đầu tư quá lớn và dàn trải, trong bối cảnh thị trường thu hẹp, sẽ không còn là cá biệt.

Nhìn rộng hơn, căn cứ số liệu điều tra của FAST500, sau hơn 5 năm Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khoảng 2.700 doanh nghiệp Việt Nam có quy mô trên 30 lao động đã thành công trong việc gia tăng quy mô doanh nghiệp lớn hơn gấp hai lần (tính theo doanh thu). Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có khoảng 700 doanh nghiệp Việt Nam có mức gia tăng lợi nhuận tương ứng trong cùng giai đoạn.

Rõ ràng, những cảnh báo trước đó về cách thức phát triển nóng, bỏ qua chất lượng và hiệu quả đã không được nhiều doanh nghiệp để tâm, khiến sự bền vững của doanh nghiệp Việt Nam đang trở thành một trong những thách thức lớn của nền kinh tế trong giai đoạn tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tin liên quan
Tin khác