Việt Nam định hướng thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Đức Thanh |
An ninh quốc gia và tăng trưởng bền vững
Có hai điểm đáng chú ý từ Nghị quyết số 50-NQ/TW.
Thứ nhất là chủ trương “Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”. Đây là điều đã thu hút mối quan tâm của nhiều phương tiện truyền thông từ khi Nghị quyết được công bố. Trong thời gian qua, những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị quốc tế, bao gồm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và những tranh chấp của những nước tham gia “vành đai - con đường” với Trung Quốc, đã đặt ra nhu cầu cần thiết phải có một “chốt chặn” để đảm bảo lợi ích về mặt an ninh quốc gia.
Vì vậy, khi diễn biến quốc tế phức tạp, Nghị quyết là một định hướng chính trị và tiếp theo đó là khung khổ pháp lý để rà soát lại khía cạnh này trong hoạt động đầu tư nước ngoài.
Điểm đáng chú ý thứ hai của Nghị quyết là định hướng về tăng trưởng bền vững. Theo đó, Nghị quyết định hướng “Nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên”.
Ô nhiễm môi trường, tổn hại tài nguyên vốn là một vấn nạn đi kèm của không ít dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những năm gần đây, điển hình là trường hợp lựa chọn giữa “cá” và “thép” của Formosa. Định hướng lần này của Nghị quyết đã cho thấy sự đúng đắn của Việt Nam là không đánh đổi môi trường, không tăng trưởng bằng mọi giá.
Nỗi lo về năng lực thực thi
Nghị quyết xác định một mục tiêu khá tham vọng: “Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030”.
Khi đọc đến đây, người viết lo lắng về năng lực thực thi. Định hướng đúng đắn là một điều đáng mừng, nhưng liệu có thể thực thi được mục tiêu hay không lại là một điều đáng lo.
Việt Nam cũng từng có những định hướng về phát triển công nghiệp mũi nhọn, phát triển công nghiệp phụ trợ hay trở thành một cường quốc về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sau nhiều năm nhận nguồn vốn FDI, chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu trong nước lẫn nhu cầu của các doanh nghiệp FDI. Cho đến gần đây, tiến trình phát triển công nghiệp phụ trợ mới có vài khởi sắc, nhưng nếu theo dõi kỹ, đó lại là nhờ sự đóng góp chủ yếu của Samsung trong tư vấn và hỗ trợ. Tức là, chúng ta vẫn phải dựa vào ngoại lực là chính trong việc xây dựng các năng lực cốt lõi cho nền kinh tế.
Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai (Readiness for the Future of Production Report 2018) do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời, các yếu tố về phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo công nghệ ở mức khá thấp.
Nhiều bài báo tỏ ra lạc quan về mức lương khá cao của nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là với những lĩnh vực như máy học (machine learning) hay công nghệ chuỗi khối (blockchain). Theo "Báo cáo Thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin năm 2019" do Vietnamworks công bố, kỹ sư phát triển phần mềm liên quan đến blockchain nhận mức lương trung bình là 2.241 USD/tháng, nhóm phát triển phần mềm liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) có mức lương 1.844 USD/tháng. Con số này đáng lạc quan cho nhân sự ngành công nghệ thông tin, nhưng ở mặt khác, đây là một mặt bằng không hề rẻ so với nhân lực ở Singapore hay châu Âu. Nói cách khác, những con số này chỉ khẳng định lại kết luận của báo cáo WEF là Việt Nam chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho công nghiệp 4.0.
Điều này cho thấy, Việt Nam đang ở xuất phát điểm thấp để đạt đến mục tiêu tham vọng tăng trưởng bền vững và hướng về công nghệ cao. Nhiều năm trước, Việt Nam cũng từng đặt mục tiêu trở thành một cường quốc công nghệ thông tin, nhưng đến nay vẫn ở nhóm nước chưa sẵn sàng cho công nghiệp 4.0, vẫn phụ thuộc nhiều vào gia công phần mềm.
Ngay cả với xu thế khởi nghiệp nổi lên mấy năm gần đây, những phong trào khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ chưa có những đột phá mạnh mẽ. Gần đây, châu Âu đã hướng tới thành lập quỹ quốc gia 100 tỷ euro với tên gọi “Quỹ Đầu tư vào tương lai châu Âu” (European Future Fund) để tài trợ cho các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn với mục tiêu để các công ty công nghệ châu Âu có thể bắt kịp với các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc.
Đây là một bài học cho thấy, những định hướng mà Nghị quyết hướng tới là rất quan trọng với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác. Vấn đề nằm ở chỗ, nước nào sẽ thực hiện được tham vọng của mình. An ninh quốc gia và tăng trưởng bền vững trong thu hút vốn FDI sẽ chưa đạt được, nếu năng lực thực thi chưa được nâng cao. Thể chế và năng lực của bộ máy hành chính mới là trọng tâm để đảm bảo năng lực thực thi. Nói cách khác, muốn thực thi Nghị quyết 50-NQ/TW, cần có sự cải tổ mạnh mẽ năng lực của bộ máy hành chính.