Đầu tư
Nghị quyết về FDI và đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công
Hồ Hạ - 24/08/2019 20:48
Bộ Chính trị chính thức ban hành Nghị quyết về FDI; Thủ tướng ra công điện đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; Hơn 36.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào Bình Định… là những tin tức đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Bộ Chính trị chính thức ban hành Nghị quyết về FDI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo đó, hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài đã được Bộ Chính trị chỉ rõ.

Bộ Chính trị chỉ đạo xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế. 

Một điểm quan trọng trong Nghị quyết số 50, đó là Bộ Chính trị chỉ đạo việc phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay; nghiên cứu, xây dựng các quy định để khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.

Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế. Ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ.

Nghị quyết 50 cũng chỉ rõ cần xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; áp dụng nguyên tắc ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết…

Đặc biệt, không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Bên cạnh đó, xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị cũng đã nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách làm sao vừa bảo hộ nhưng cũng đề cao trách nhiệm của các nhà đầu tư.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm quyền, nghĩa vụ, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, vốn đầu tư, thu nhập và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư và chủ thể có liên quan, phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.

Cũng quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trường mẫu giáo, cơ sở y tế, văn hoá, thể thao,... phục vụ người lao động.

Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Việc quản lý, giám sát đầu tư cũng đã được nhấn mạnh. Theo đó, rà soát, hoàn thiện các quy định về chống độc quyền phù hợp với thông lệ quốc tế; về đáp ứng điều kiện tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh; về bảo đảm quốc phòng, an ninh khi nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp tại Việt Nam.

Một điều quan trọng khác, Bộ Chính trị chỉ đạo, hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật; hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế, ngoại hối, hải quan, đầu tư, khoa học và công nghệ, về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin... để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, xây dựng bộ máy chuyên trách chống chuyển giá đủ mạnh, đủ năng lực; cơ chế kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, cũng xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi. Hoàn thiện pháp luật để giải quyết có hiệu quả những vướng mắc đối với dự án có cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản của nhà đầu tư nước ngoài cho Nhà nước hoặc bên Việt Nam sau khi kết thúc hoạt động và xử lý các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài vắng mặt hoặc bỏ trốn trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam…

Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị đã đưa ra một số mục tiêu định hướng chủ yếu sau:

- Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm).

- Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm).

- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

- Tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

- Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Thủ tướng ra công điện đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện 1042/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

Công điện nêu rõ: Để triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,76%, cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2017. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 35.148 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 (bằng 9,3% kế hoạch vốn được Quốc hội thông qua) chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn.

Hình minh họa.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2019 rất thấp, chỉ đạt 32,27% kế hoạch được Quốc hội thông qua, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 10,96%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ đạt 37,64%, vốn nước ngoài đạt 22,63%). Có 35 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng đạt dưới 40%; trong đó 18 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương dưới 20% kế hoạch được Quốc hội giao.

Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết.

Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do yếu tố chủ quan, nhất là những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, như: giao vốn chậm (cả trung ương và địa phương); dự kiến nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực tế giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; thanh, quyết toán còn chậm; công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao.

Liên kết tạo không gian kinh tế thống nhất tại miền Trung

Phát biểu tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung được tổ chức tại tỉnh Bình Định ngày hôm qua (20/8), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tại miền Trung, môi trường đầu tư, kinh doanh tuy được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; thu hút đầu tư nước ngoài đạt thấp, chưa có các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Điều này một phần do tính liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp chưa nhiều, thiếu vai trò đầu tàu, dẫn dắt tạo lập chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất - kinh doanh…

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng nhìn nhận, cơ chế phối hợp phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng chưa được tổ chức tốt, nên chưa phát huy được lợi thế nhờ quy mô.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2019 - 2020, thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ông Cường đề xuất liên kết phát triển kinh tế biển, liên kết phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết xây dựng hệ thống logistics và liên kết phát triển đào tạo.

Để liên kết chặt chẽ và hiệu quả, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề xuất phân công một Phó thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng Vùng, giao một đồng chí chủ tịch tỉnh, thành phố trong vùng là Phó chủ tịch thường trực của Hội đồng Vùng; một Phó chủ tịch Hội đồng Vùng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trước hơn 700 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là hội nghị lớn nhất, có đầy đủ nhất các thành viên tham dự và hy vọng đưa ra được những giải pháp cụ thể nhất có thể áp dụng ngay trong năm nay hoặc năm 2020. Thủ tướng mong muốn các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, địa phương chỉ ra được những nút thắt để tháo gỡ.

Thủ tướng kỳ vọng, các địa phương đưa ra được những ý tưởng, giải pháp cụ thể để Chính phủ ban hành được các giải pháp thúc đẩy khu vực này phát triển, ít nhất là trong 5 năm và 10 năm tới.

Về vấn đề liên kết giữa các địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung bàn thảo những định hướng lớn, đề xuất cụ thể ý tưởng, giải pháp khả thi có thể triển khai ngay.

“Một bác sỹ giỏi phải bắt đúng mạch, đúng bệnh để chữa bệnh. Chính phủ, Thủ tướng luôn coi trọng, luôn đặt miền Trung ở vị trí ưu tiên, trang đầu trong sổ tay chương trình nghị sự của mình. Qua đó, Chính phủ, Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương cũng coi trọng và đặt miền Trung lên trang đầu trong sổ tay nghị sự của mình”, Thủ tướng nói.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương trong vùng đạt mức tăng trưởng bình quân 7 - 10%/năm. Trong đó, nhóm tỉnh kinh tế khá như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung cả nước (đến năm 2020 đạt 3.200 - 3.500 USD). Nhóm các tỉnh còn lại đặt mục tiêu bằng khoảng 90% bình quân chung.

Báo cáo cũng nhận định, ngành công nghiệp tiếp tục là trụ cột trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của các địa phương. Kết cấu hạ tầng các khu kinh tế ven biển, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, thu hút đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Phát triển dịch vụ, du lịch được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương trong giai đoạn 2016 - 2020 và đã đạt nhiều kết quả nổi bật, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 13,5%/năm, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ giai đoạn 2016 - 2018 có tốc độ tăng trưởng bình quân 8,74%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm; khách du lịch tăng 12%/năm; doanh thu du lịch tăng 13,5%/năm…

Với những tiềm năng như vậy, việc liên kết phát triển sẽ tạo thêm động lực cho các địa phương bứt phá.

Hơn 36.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào Bình Định

Tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục theo quy định với tổng vốn hơn 36.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến trao chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư vào Bình Định.

15 dự án mà lãnh đạo tỉnh Bình Định trao trong khuôn khổ Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung bao gồm:

Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội do Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Thành phố Hồ Chí Minh) đầu tư tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn. Tổng vốn đầu tư 25.576 tỷ đồng;

Dự án Khu phức hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ do Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh (Thành phố Hồ Chí Minh) đầu tư tại thành phố Quy Nhơn. Tổng vốn đầu tư 2.119 tỷ đồng;

Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1 và Nhơn Hội 2 do Công ty TNHH Địa ốc FICO (Thành phố Hồ Chí Minh) đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn. Tổng vốn đầu tư của 2 dự án là 2.285,89 tỷ đồng;

Dự án Nhà máy điện mặt trời QNY do Công ty cổ phần Năng lượng QN (Hàn Quốc) đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn. Tổng vốn đầu tư 1.612 tỷ đồng;

Dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airway do Công ty TNHH Hàng không Tre Việt thuộc Tập đoàn FLC (Hà Nội) đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn. Tổng vốn đầu tư 659 tỷ đồng;

Dự án Trường Đại học FPT – Phân hiệu AI Quy Nhơn do Trường Đại học FPT (Hà Nội) đầu tư tại Khu đô thị Bắc sông Hà Thanh, thành phố Quy Nhơn. Tổng vốn đầu tư 693,93 tỷ đồng;

Dự án Nhà máy nước giải khát TingCo Bình Định do Công ty TNHH TingCo (tỉnh Bình Định) đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn. Tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng;

Dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm Bidiphar công nghệ cao do Công ty TNHH Bidiphar Công nghệ cao (tỉnh Bình Định) đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng;

Dự án Cơ sở chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm công nghệ cao Minh Dư do Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (tỉnh Bình Định) đầu tư tại huyện Vân Canh. Tổng vốn đầu tư 262,16 tỷ đồng;

Khu du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe Hội Vân do Công ty cổ phần Trường Thành (Hà Nội) đầu tư tại huyện Phù Cát. Tổng vốn đầu tư 627 tỷ đồng;

Dự án Tổ hợp vui chơi, giải trí Tini Dream của Công ty vổ phần Vui chơi giải trí Tini Dream (Thành phố Hồ Chí Minh) đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn. Tổng vốn đầu tư 954 tỷ đồng;

Dự án Khu du lịch cộng đồng Làng Sông do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Du lịch Làng Sông (tỉnh Bình Định) đầu tư tại huyện Tuy Phước. Tổng vốn đầu tư 269,64 tỷ đồng;

Dự án Công viên sáng tạo TMA do Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Tường Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) đầu tư tại Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn. Tổng vốn đầu tư 154,2 tỷ đồng;

Dự án sản xuất thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của Công ty cổ phần Kỹ thuật dược (tỉnh Bình Định) đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy nhơn. Tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng.

Dự án Trung tâm Dịch vụ Logistics Cảng Thị Nại do Công ty cổ phần Cảng Thị Nại (tỉnh Bình Định) đầu tư tại huyện Tuy Phước. Tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng.

Bộ GTVT muốn giao ACV đầu tư mở rộng cảng hàng không Điện Biên

Bộ GTVT vừa có thông báo số 298/TB – BGTVT thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về việc triển khai đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Cuộc họp này diễn ra vào ngày 9/8 với sự tham gia của cả Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV khẩn trương có văn bản báo cáo Bộ GTVT phương án triển khai đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên trên cơ sở các tài liệu, nghiên cứu trước đây, trong đó làm rõ những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp cụ thể.

Cảng hàng không Điện Biên hiện chỉ đón được tàu bay ATR72.

ACV cũng được yêu cầu triển khai ngay các thủ tục chuẩn bị đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên để trình duyệt theo quy định song song với việc Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giao ACVđầu tư.

“ACV phải phối hợp với các cơ quan của Bộ (Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam) khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, phấn đấu khởi công xây dựng vào cuối năm 2020”, Bộ trưởng Thể chỉ đạo.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng phân công Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn trên cơ sở báo cáo của ACV chỉ đạo việc xin ý kiến thống nhất của tỉnh Điện Biên và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư Cảng hàng không Điện Biên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Thể cũng yêu cầu tỉnh Điện Biên sớm có văn bản chính thức gửi Bộ GTVT khẳng định sự cần thiết đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên và cam kết bố trí nguồn kinh phí của tỉnh cho thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để Bộ có căn cứ pháp lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, cả Vietjet và ACV cùng gửi đề xuất tới Bộ GTVT, UBND tỉnh Điện Biên xin đầu tư mở rộng cảng hàng không Điện Biên.

Theo lãnh đạo ACV, doanh nghiệp này đã cân đối đủ vốn để đầu tư đồng bộ cảng hàng không Điện Biên, bao gồm cả khu bay và khu hàng không dân dụng, sẵn sàng đầu tư theo quy hoạch.

Trong khi đó, vào tháng 2/2019, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên vừa ký công văn số 242/UBND – TH đề nghị Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biện do Vietjet đề xuất.

Theo đó, Cảng hàng không Điện Biên hiện chỉ đón được tàu bay ATR72 sẽ được đầu tư đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng, khu bay, đường giao thông kết nối, đường nội bộ, hàng rào cảng và xây mới Khu Nhà ga hành khách.

Những điểm nhấn quan trọng nhất trong đề xuất nâng cấp, cải tạo sân bay Điện Biên của hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam là sẽ xây dựng mới 1 Nhà ga hành khách hiện đại, 2 cao trình, diện tích sàn khoảng 16.000 m2, công suất 2 triệu hành khách/năm, 800 hành khách/giờ; xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400m x 45 m, kết cấu bê tông xi măng có thể đón được tàu bay A320/B737; xây mới sân đỗ tàu bay có diện tích 21.000 m2, đảm bảo đỗ cùng lúc 4 tàu bay A320/B737.

Tổng mức đầu tư Dự án là 4.465 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.242 tỷ đồng (nhà ga hành khách 693,8 tỷ đồng, khu bay 807 tỷ đồng...); chi phí thiết bị 394 tỷ đồng; GPMB là 1.101 tỷ đồng; chi phí QLDA là 21 tỷ đồng; lãi vay 103 tỷ đồng...

Vietjet đề xuất Nhà nước sẽ tham gia vào Dự án khoảng 2.610 tỷ đồng, tương đương 58,5% tổng mức đầu tư; phần Nhà đầu tư góp vốn là 1.855 tỷ đồng, tương đương 41,5% tổng mức đầu tư.

Liên quan đến hình thức đầu tư, Vietjet đề nghị công tác GPMB, tái định cư sẽ do UBND tỉnh Điện Biện sắp xếp, bố trí vốn; các công trình khu bay (đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay, đường lăn nối) sẽ sử dụng 100% ngân sách. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Vietjet sẵn sàng thu xếp phần vốn để đầu tư các công trình khu bay nhưng không tham gia vào các hạng mục này để đảm bảo sự chủ động, đáp ứng tiến độ đề ra (hoàn thành dự án vào năm 2021). Đài kiểm soát không lưu cũng sẽ được xây mới bằng nguồn vốn ngân sách.

Đối Khu nhà ga hành khách, Vietjet đề xuất áp dụng theo hình thức BOT, thời gian thực hiện hợp đồng là 55 năm.

Đặc biệt, Vietjet khẳng định ACV vẫn sẽ tiếp tục là người khai thác cảng tại Cảng hàng không Điện Biên và thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác sân bay này theo các quy định pháp luật có liên quan. Riêng đối với Nhà ga hành khách, ACV sẽ phối hợp với nhà đầu tư được lựa chọn và sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Nhà ga hiện hữu. Nhà đầu tư sẽ trả cho ACV một khoản phí nhượng quyền hàng năm trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên.

TP.HCM chấm dứt hợp đồng dự án bãi đỗ xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám

Ủy ban Nhân dân TP.HCM vừa có văn bản chấm dứt hợp đồng dự án bãi đổ xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám (Quận 1) với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Không gian ngầm (IUS).

Lý do, theo Công văn số 3427/UBND-DA do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa ký ban hành, gửi các sở ngành liên quan, là Công ty IUS đã vi phạm hợp đồng dự án và không đảm bảo năng lực tiếp tục triển khai dự án.

Dự án được khởi công từ tháng 08/2010 nhưng vừa bị chấm dứt hợp đồng dự án theo quy định (Ảnh: Lê Toàn).

UBND TP.HCM giao Sở Giao thông Vận tải có văn bản thông báo Công ty IUS về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng dự án theo đúng quy định, đồng thời phối hợp Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát thu hồi các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, đầu tư; tham mưu đề xuất thành phố các thủ tục pháp lý liên quan chấm dứt hợp đồng dự án theo đúng quy định. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á và Công ty IUS tự chịu trách nhiệm giải quyết các khoản nợ, lãi vay có liên quan theo quy định.

Trước đó, vào tháng 11/2018, với lý do do khó khăn tài chính, huy động vốn thực hiện dự án, Công ty IUS kiến nghị Thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay trên tổng số tiền vay, trong thời gian xây dựng và 3%/năm trên tổng số tiền vay thời gian 10 năm, kể từ khi dự án đi vào khai thác.

Mặt khác, Công ty IUS cũng xin điều chỉnh mục đích/công năng sử dụng một phần diện tích diện tích từ đậu xe công công sang thương mại – dịch vụ, nhằm tăng nguồn thu khi khai thác dự án (tỷ lệ 70% xuống 67,3% hoặc 70% xuống 65,9%). IUS cũng xin cho phép được chủ động áp giá dịch vụ trông giữ xe theo giá thị trường…

Tuy nhiên, các kiến nghị trên từ Công ty IUS đã không được các sở, ngành tham mưu chấp nhận.

Dự án Xây dựng khai thác tầng hầm ngầm làm bãi đỗ xe và dịch vụ công cộng tại công viên Lê Văn Tám do Công ty IUS  làm chủ đầu tư với vốn đầu tư từ 70 triệu USD (sau đó tăng lên 200 triệu USD), với tổng diện tích sàn 103.225m2, chiều sâu công trình 15m gồm một bên là 5 tầng hầm (chiếm 70% diện tích sàn) phục vụ đậu xe và hạ tầng kỹ thuật, một bên là 3 tầng hầm làm thương mại và dịch vụ công cộng. Theo thiết kế ban đầu, bãi đậu xe này có sức chứa 2.024 chỗ đậu xe máy, 1.250 chỗ đậu ô tô, 28 chỗ đậu xe buýt và xe tải. Tuy nhiên, tới nay đã 9 năm sau ngày động thổ, dự án “bất động”.

Hà Tĩnh: Xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng xây dựng công trình công ích tại Hương Sơn

Chào mừng sự kiện Kỷ niệm 550 năm thành lập huyện Hương Sơn (1469 - 2019), Hà Tĩnh nên địa phương này đã kêu gọi nguồn xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng nhằm xây dựng các công trình công ích địa phương.

Theo đó, Văn phòng UBND huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết từ đầu năm đến nay có sự đóng góp tích cực từ nguồn lực xã hội hóa, từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tại địa phương và con em xa quê đóng góp, hỗ trợ xây dựng nhiều công trình công ích của địa phương với tổng trị giá hơn 213 tỷ đồng. Những công trình được sửa chữa, đầu tư xây dựng mới, như: Dự án cầu Vực Nầm (32 tỷ đồng), đường Tây - Lĩnh - Hồng (70 tỷ đồng), Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm (8 tỷ đồng)...

Huyện Hương Sơn cũng đã kêu gọi, vận động được nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em xa quê hỗ trợ xây dựng trường học, nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng như: Ngân hàng BIDV Hà Tĩnh hỗ trợ 10,9 tỷ đồng xây dựng Trường THPT Lý Chính Thắng (Sơn Hòa); Tập đoàn TNG Holdings Việt Nam hỗ trợ 7,5 tỷ đồng xây dựng Trường Tiểu học Sơn Ninh; tu sửa, nâng cấp, xây dựng 12 nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ với tổng kinh phí 1,03 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa 75 nhà tình nghĩa với tổng trị giá trên 2,8 tỷ đồng…

Tin liên quan
Tin khác