Đầu tư
FDI Hàn Quốc bùng nổ trở lại?
Nguyên Đức - 22/07/2022 14:06
Các khoản vốn đầu tư mới cho thấy, mối quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc tới thị trường Việt Nam vẫn rất lớn. Và đây là nền tảng để FDI Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu.

Không ngừng mở rộng danh mục đầu tư

Không nằm ngoài dự báo, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng trở lại.

Ông Hong Sun, Phó chủ tịch KorCham là người luôn tin tưởng vào điều này. Ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng, ông Hong Sun đã đưa ra dự báo rằng, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, và đặc biệt là khi năm 2022, hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, thì quan hệ hợp tác đầu tư Việt - Hàn sẽ được tăng cường.

Các dự án đầu tư thời gian gần đây của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chứng minh điều này. Một trong số đó là các khoản đầu tư của Samsung, tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc, đồng thời cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Nhân viên Samsung tại dây chuyền sản xuất

Cụ thể, hồi tháng 6, Samsung đã quyết định tăng vốn thêm 841 triệu USD cho Samsung Complex HCMC - SEHC, đưa tổng vốn đầu tư của dự án này lên 2,841 tỷ USD, một con số không nhỏ. Khoản đầu tư này sẽ đưa SEHC trở thành một trong những nhà máy sản xuất các sản phẩm tivi, thiết bị điện tử gia dụng lớn nhất toàn cầu của Samsung.

Ngoài dự án này, một dự án khác của Samsung ở Thái Nguyên - Samsung Electro-mechanics Việt Nam (SVMC) - cũng đã tăng vốn thêm 267 triệu USD vào tháng 6 vừa qua, sau khi đã dốc thêm 920 triệu USD hồi đầu năm.

Như vậy, cho tới nay, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 20 tỷ USD, tiếp tục giữ vững vị thế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Thêm các khoản đầu tư mới, chắc chắn, Samsung cũng sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt trong thúc đẩy xuất khẩu, tái cơ cấu sản xuất, giải quyết việc làm…

Không chỉ là Samsung, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc khác cũng đang không ngừng “dốc” vốn vào Việt Nam. Chẳng hạn, Tập đoàn Hanwha mới đây cũng đã liên doanh với Tập đoàn T&T của Việt Nam để đầu tư Dự án Điện khí Hải Lăng (Quảng Trị), vốn đầu tư giai đoạn I là 2,3 tỷ USD. Amkor cũng đã đầu tư một dự án sản xuất bán dẫn tại Bắc Ninh, với quy mô giai đoạn I là 500 triệu USD.

Và chắc chắn cũng không thể không nhắc tới LG, với 2 lần tăng vốn trong năm ngoái cho LG Display, lúc đầu năm là 750 triệu USD và cuối năm thêm 1,4 tỷ USD, đưa tổng vốn đầu tư của LG Display tại Việt Nam lên 4,65 tỷ USD.

Ngoài những cái tên này, còn có thể kể hàng loạt những tên tuổi khác đã và đang đầu tư tại Việt Nam. SK Group là một ví dụ. Tập đoàn này trong những năm gần đây liên tục chi ngân khoản lớn để lúc mua cổ phần của The CrownX, khi mua cổ phần của VinCommerce tại Masan. Các thương vụ của SK Group không chỉ làm “nóng” dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, mà còn góp phần định hình “khẩu vị” mới của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Thay vì như Samsung, LG, Hyosung… đổ một ngân khoản lớn để xây dựng các cứ điểm sản xuất tại Việt Nam, những năm gần đây, vốn đầu tư của Hàn Quốc có xu hướng dịch chuyển sang cả các lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là tài chínhngân hàng, bán lẻ. Các khoản đầu tư thông qua hoạt động M&A cũng tăng tốc.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 2,66 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư, tăng 29,6% so với cùng kỳ.

Tuy vẫn xếp thứ hai, sau Singapore về lượng vốn, song nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất trong 6 tháng năm 2022 (chiếm 21,3% số dự án mới, 35,9% số lượt điều chỉnh và 36,7% số lượt GVMCP).

Năm ngoái, câu chuyện cũng tương tự. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 7,68 tỷ USD, chiếm 19,8% tổng vốn đầu tư, đứng thứ hai, sau Singapore. Nhưng nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất (377 dự án).

Mặc dù vậy, nếu tính lũy kế, Hàn Quốc đứng vị trí quán quân trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, với 79,3 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng vị trí thứ hai, với 68,9 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư.

“Về con số thì là vậy, nhưng sự khác biệt giữa hai đối tác đầu tư này là rất lớn, vì nhiều tập đoàn đa quốc gia đăng ký qua Singapore để đầu tư vào Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nói như vậy.

Gia tăng đóng góp cho kinh tế - xã hội Việt Nam

Một thông tin thú vị được ông Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ với nhật báo Maekyung (Hàn Quốc) cách đây chưa lâu, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.

Ông Hoàng đã đánh giá rất cao các doanh nghiệp Hàn Quốc, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ và vừa, và nguyên nhân chính bởi vì sự quyết đoán, quyết tâm theo đuổi đầu tư của họ.

“Các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn tuân thủ tốt luật pháp của nước sở tại và thực hiện rất tốt các hoạt động trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã kết hợp với nhiều doanh nghiệp Việt Nam để đạt được nhiều thành quả tốt trong các hoạt động đóng góp cho xã hội”, ông Hoàng nói.

Nhưng các hoạt động trách nhiệm xã hội chỉ là một phần. Đóng góp cho kinh tế - xã hội mới là quan trọng nhất. Thông tin cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã thu hút và sử dụng khoảng gần 1 triệu lao động, đóng góp 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, Samsung là một trong những nhà đầu tư có đóng góp lớn nhất. Năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD tăng 16% so với năm 2020. 

Không chỉ đầu tư cho sản xuất, Samsung còn đang tích cực đẩy nhanh tiến độ Trung tâm R&D mới, với vốn đầu tư 220 triệu USD, để có thể hoàn thành và đi vào hoạt động cuối năm nay.

Trung tâm R&D mới của Samsung sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, hoàn thiện bức tranh đầu tư chiến lược của Samsung tại Việt Nam

Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, Trung tâm R&D mới không chỉ là minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của Samsung tại Việt Nam, mà còn thể hiện ý chí của Samsung trong việc quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược ưu tiên hàng đầu của Samsung ở khu vực Đông Nam Á.

Cùng với việc đầu tư cho R&D, hẳn nhiên Samsung sẽ có đóng góp không nhỏ trong đào tạo nhân tài và nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.

Hơn thế nữa, Samsung cũng đã có đóng góp rất lớn trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển.

Cách đây ít ngày, Samsung đã phối hợp Bộ Công thương tổng kết dự án “Hợp tác phát triển nhà máy thông minh” đợt 1/2022. Trong đợt này có 14 doanh nghiệp khu vực phía Bắc nhận được sự hỗ trợ của Samsung, trong đó các đơn vị như Công ty cổ phần Manutronics Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp Chiến Thắng và Công ty TNHH nhựa An Lập…

Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp đã có những cải tiến vượt bậc trong việc tối đa hóa hệ thống, vừa sản xuất thông minh hơn vừa hiệu quả hơn.

Theo kế hoạch, tháng Tám tới, sẽ có 12 doanh nghiệp phía Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ của Samsung để phát triển nhà máy thông minh.

“Tôi rất vui và tự hào khi được tận mắt chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của các doanh nghiệp sau khi tham gia Dự án Hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh. Những thay đổi này là nền tảng để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu trên mọi quy trình như nghiên cứu, sản xuất…, từ đó có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung mà cả mạng cung ứng toàn cầu”, ông Choi Joo Ho nói.

Trước dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh, Samsung cũng đã có nhiều chương trình để tìm kiếm, hỗ trợ các nhà cung cấp Việt Nam. Nhờ vậy, cho đến nay, số lượng doanh nghiệp cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ, tăng lên 51 doanh nghiệp vào cuối năm 2021. Số lượng doanh nghiệp cấp 2 cũng đạt 203 doanh nghiệp.

Những nỗ lực như vậy đã luôn được Chính phủ Việt Nam đánh giá cao. Có lẽ, đó cũng là lý do vì sao, khi trao đổi với phóng viên của Maekyung, ông Đỗ Nhất Hoàng đã nói rằng, với ông, Samsung, SK, LG, LOTTE… “như bạn và anh em”. Và vì anh em nên ngay trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, hai nước cũng đã nỗ lực nhằm duy trì các hoạt động kinh tế bằng việc tạo cơ chế nhập cảnh đặc biệt.

“Giữa chúng ta là mỗi quan hệ tin tưởng, đồng hành ngay cả trong lúc khó khăn nhất”, ông Hoàng nói và đã dùng 3 từ khóa để nhấn mạnh về mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc. Đó là “đồng hành, tin tưởng và thành công”.

Cũng theo khẳng định của ông Hoàng, tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được các dự án quy mô nhỏ và vừa của Hàn Quốc với mục tiêu tìm kiếm cơ sở sản xuất chiến lược để xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới.

Con đường để đầu tư của Hàn Quốc bùng nổ trở lại có lẽ cũng không còn xa!

Tin liên quan
Tin khác