Đầu tư
FDI tiếp tục tuôn chảy về Đồng Nai
Ngọc Tuấn - 07/02/2014 08:20
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh Đồng Nai năm qua. Dòng FDI tiếp tục tuôn chảy mãnh liệt giúp Đồng Nai cán mức 1,6 tỷ USD, tăng gấp đôi so với kế hoạch đề ra. Nhân dịp năm mới, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái chia sẻ nhiều thông tin xung quanh “mảng sáng” ấn tượng này. Chính thức có KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản

Sức xuân trong thu hút FDI của Đồng Nai năm qua vẫn tuôn chảy rất ấn tượng, thưa ông?

Năm 2013, mặc dù nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Đồng Nai vẫn là một trong các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái

Tính đến cuối tháng 11/2013, tổng vốn FDI mà Đồng Nai thu hút được là 1,6 tỷ USD, vượt mục tiêu cả năm (0,8 - 1 tỷ USD).

Trong đó, 78 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký 834,4 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 69 lượt dự án với mức vốn tăng là 765,6 triệu USD.

Đây là những tín hiệu rất lạc quan trong thu hút FDI vào địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Sự thay đổi tư duy về thu hút FDI và chủ động trong xúc tiến đầu tư đã tạo nên thành công đó của Đồng Nai?

Kết quả trên là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, ngoài các giải pháp tổng hợp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thì sự thay đổi về tư duy chỉ đạo trong thu hút vốn đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư có ý nghĩa quan trọng.

Nếu như trước đây, các nhà đầu tư đến Đồng Nai để tìm hiểu đầu tư thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, thì liên tục trong những năm qua, tỉnh đã tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, trực tiếp tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng. Riêng năm 2013, tỉnh tiếp tục tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản; ký kết tuyên bố chung hợp tác phát triển kinh tế với tỉnh Hyogo; ký kết khung hợp tác phát triển kinh tế với Cục Kinh tế thương mại và công nghiệp vùng Kansai.

Đồng Nai đã chủ động hơn trong việc thu hút đầu tư, chủ động lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng phát triển bền vững.

Ông từng phát biểu rằng, cải cách thủ tục hành chính là giải pháp hàng đầu trong thu hút FDI. Đồng Nai đã có bước đi cụ thể thế nào để thực thi tốt vấn đề này?

Chủ trương của tỉnh là không thu hút đầu tư bằng cách ban hành các ưu đãi riêng ngoài quy định pháp luật hiện hành, mà chủ yếu tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, tăng cường cải tiến thủ tục hành chính và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, để các doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển, với phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Trong giải quyết thủ tục hành chính, 100% cơ quan cấp sở, ngành và cấp huyện đều đã thực hiện mô hình một cửa và một cửa liên thông, với thủ tục rõ ràng, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.

Khi đến với Đồng Nai, các nhà đầu tư sẽ không đơn độc, mà luôn có sự sát cánh cùng hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ của chính quyền các cấp. Đặc biệt, năm 2013, tỉnh đã thành lập bàn Kansai tại Ban quản lý các khu công nghiệp để tiếp nhận và xử lý nhanh các thông tin của doanh nghiệp Nhật Bản vùng Kansai.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động đầu tư để thúc đẩy nhà đầu tư giải ngân, tăng cường đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, nhằm xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Những năm qua, Đồng Nai đã thực hiện chọn lọc dự án theo hướng ưu tiên phát triển dự án các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án có giá trị gia tăng, thân thiện môi trường, hạn chế dần các dự án thâm dụng lao động, thưa ông?

Đúng vậy. Đặc biệt, nhằm bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, tỉnh đã tạm dừng hoặc hạn chế cấp giấy phép đầu tư một số loại dự án có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, đối với các khu công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải, hoặc có trạm xử lý nước thải đang hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thì vẫn không được thu hút đầu tư.

Thực tế giai đoạn 2011 - 2013, trong 180 dự án đầu tư cấp mới, Đồng Nai đã thu hút được 7 dự án công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký 364,5 triệu USD (chiếm 20,1% tổng vốn đầu tư cấp mới); 60 dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đăng ký 735 triệu USD (chiếm 40,6% tổng vốn đầu tư cấp mới). Còn lại là các dự án dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và khu công nghiệp. Kết quả đó cho thấy, sự chọn lọc trong thu hút đầu tư đã được thực hiện theo đúng định hướng của tỉnh.

Xuân 2014 đã tới, Đồng Nai sẽ có những ưu tiên gì trong điều hành để tỉnh luôn là mảnh đất “màu mỡ“ đón dòng vốn FDI?

Từ thực tiễn và những bài học kinh nghiệm phát triển, năm 2014, Đồng Nai sẽ tiếp tục phát huy tối đa các nguồn lực và lợi thế của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng, trong nước và hội nhập quốc tế, tiếp tục thu hút đầu tư tăng trưởng ổn định, ưu tiên thu hút các dự án thân thiện môi trường, các dự án kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án dịch vụ, đầu tư hạ tầng.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục đặt nhiệm vụ tăng cường cải cách hành chính lên hàng đầu, thông qua việc kiểm tra đánh giá công vụ các cơ quan nhà nước, đồng thời tiếp tục kiến nghị Trung ương xem xét giải quyết một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu thực tế.

Tin liên quan
Tin khác