Đầu tư
FDI vào Tây Nguyên: Hướng vào lợi thế nông – lâm nghiệp
Nguyên Đức - 10/04/2013 06:48
Trong tổng số 140 dự án FDI còn hiệu lực ở Tây Nguyên, có 77 dự án trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, với tổng vốn đăng ký trên 346 triệu USD.
TIN LIÊN QUAN

Một số doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vốn triển khai dự án chế biến cà phê ở khu vực Tây Nguyên

Một ngày đầu tháng 4/2013, chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội có lịch tiếp đón một vị khách đặc biệt, đến từ Hà Lan. Và yêu cầu mà ông chủ này đưa ra đối với cô thư ký của mình là phải chuẩn bị một bó hoa hồng thật đẹp để tặng cho vị khách của mình. Yêu cầu đó được đáp ứng, những đóa hồng Đà Lạt đẹp rạng rỡ không kémở xứ sở hoa Hà Lan, khiến vị khách rất thích thú.

Và thật bất ngờ, “công đầu” được ghi cho Dalat Hasfarm, một thương hiệu mà khi nhắc đến, ông Vũ Văn Tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch Lâm Đồng, không khỏi tự hào. Tự hào bởi đây là một trong dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nổi bật nhất của tỉnh Lâm Đồng.

Thành lập năm 1994, Công ty TNHH Agrivina (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư 24 triệu USD, sau gần 20 năm hoạt động, đã đưa thương hiệu Dalat Hasfarm không chỉ nổi danh ở trong nước, mà cả nước ngoài. Liên tục mở rộng diện tích trồng hoa, các sản phẩm hoa của Dalat Hasfarm giờ đây đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu. Dalat Hasfarm cũng đã trở thành công ty hoa lớn nhất Đông Nam Á.

Tất nhiên, Agrivina không phải là dự án FDI duy nhất ở Lâm Đồng, nhưng lại là một trong những dự án điển hình nhất, không chỉ vì sự thành công, mà còn vì lĩnh vực hoạt động của Công ty: nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng chính là định hướng thu hút đầu tư không chỉ của Lâm Đồng, mà của cả 4 tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến hết ngày 23/3/2013, có 140 dự án FDI còn hiệu lực ở khu vực Tây Nguyên, với tổng vốn đăng ký trên 828 triệu USD. Con số này, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, là chưa xứng với tiềm năng của Vùng.

“Đây là vùng có nhiều lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học, với các dự án chế biến trà và hoa xuất khẩu, các loại cây công nghiệp và sản phẩm chủ lực như cà phê, chè, cao su, cacao…”, ông Hoàng nói.

Thực tế, trong tổng số 140 dự án FDI còn hiệu lực ở Tây Nguyên, có 77 dự án trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, với tổng vốn đăng ký trên 346 triệu USD. Đứng thứ hai là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với 43 dự án, 187 triệu USD.

Ngoài Agrivina, ở Lâm Đồng còn có Dự án trồng, xuất khẩu các loại hoa lan, chè, cà phê của Công ty Kang-Wei (Đài Loan), 30 triệu USD; Dự án chế biến cà phê của Công ty Asia Food Group, 14 triệu USD; hay Dự án sản xuất, chế biến hạt giống cây giống, rau củ quả của Tập đoàn Tài chính Bejo Finance B.V(Hà Lan), 11,5 triệu USD…

Trong khi đó, ở Kon Tum, có Dự án trồng rừng của Innovgreen (Hồng Kông), 67 triệu USD; Dự án Sản xuất tinh bột, gần 5 triệu USD, của Tập đoàn German - Thái Lan… Ở Đắk Lắc có Dự án chế biến cà phê hòa tan Ngon, của Công ty Jayanti (Singapore), 50 triệu USD…

Một điểm chung đối với các dự án FDI ở Tây Nguyên, đó là quy mô đều rất nhỏ. Ngoài dự án trồng rừng của Innovgreen và một số dự án du lịch, bất động sản, có quy mô 30-60 triệu USD, phần lớn dự án trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp chỉ có quy mô vài triệu USD. Chẳng hạn, Dự án chế biến hạt điều của Công ty Olam (Singapore), 10,9 triệu USD ở Đắc Nông; Thu mua, sơ chế cà phê, ca cao xuất khẩu của Công ty ED & F. Man (Hà Lan), 10,6 triệu USD; hay Dự án sản xuất tinh bột sắn của Vedan, ở Gia Lai, 5,3 triệu USD; Dự án chế biến trà ở Đắk Nông, của Công ty Junchow (Đài Loan), 1 triệu USD…

Số lượng dự án không nhiều, quy mô không lớn, song có thể nói, thời gian qua, các dự án FDI cũng đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn Vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, ở Lâm Đồng, địa phương hiện thu hút được nhiều nhất vốn FDI so với các tỉnh trong Vùng, với 114 dự án, vốn đăng ký gần 495 triệu USD, nông nghiệp công nghệ cao đã bắt đầu được thiết lập, mang lại giá trị kinh tế cao. Mô hình của Dalat Hasfarm được cho là cần được nhân rộng cho toàn vùng.

Để tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, các địa phương trong Vùng cũng đã tính đến việc xây dựng các cơ chế ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, ở Đắk Nông, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% giá trị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đến khu vực dự án; hỗ trợ 50% chi phí xây dựng thương hiệu và đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ; hay được hỗ trợ 50% mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay của ngân hàng và quỹ đầu tư phát triển của tỉnh trong vòng 5 năm…

Nói như bà Thái Hương, chủ thương hiệu Sữa TH - người đã thành công trong phát triển dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Bắc, khu vực có nhiều khó khăn không kém khu vực Tây Nguyên, là phải có cơ chế, chính sách để đủ sức lôi kéo nhà đầu tư vào đây. Bởi nông nghiệp công nghệ cao là “chìa khóa” cho sự phát triển các vùng đất như Tây Bắc hay Tây Nguyên.

Tin liên quan
Tin khác