Đầu tư
FDI vào TP.HCM giảm vì vắng bóng dự án dệt may
Hồng Sơn - 10/05/2016 10:48
Từ đầu năm đến nay, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất ở TP.HCM có dấu hiệu sụt giảm. Cụ thể, theo báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), trong quý I/2016, tổng vốn FDI chỉ đạt 115,67 triệu USD, giảm tới 69,49% so với cùng kỳ năm 2015.
TIN LIÊN QUAN

Thực tế, trong 3 tháng đầu năm, đã có một số dự án quy mô vốn khá lớn được Hepza cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, như Dự án của Công ty TNHH Yazaki (của Nhật Bản, vốn đầu tư đăng ký 35,5 triệu USD, diện tích đất sử dụng là 3,2 ha tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung), Dự án của Công ty TNHH thực phẩm quốc tế Nam Dương (của Singapore, vốn đầu tư đăng ký 25,6 triệu USD, chuyên sản xuất nước chấm và gia vị tại Khu công nghiệp Hiệp Phước)…

Lý do của sự sụt giảm này, theo đại diện của Hepza, là do không có các dự án dệt may có quy mô vốn lớn được cấp phép. “Thời điểm này năm trước, Hepza thu hút được 379,14 triệu USD vốn FDI, trong đó, đóng góp chủ yếu là các dự án dệt may”, ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư của Hepza nói và cho biết, từ đầu năm đến nay, không có dự án dệt may nào được cấp phép.

.

Cần nhắc lại rằng, hồi đầu năm ngoái, Hepza đã cấp phép cho 2 dự án dệt may có quy mô vốn lớn. Cụ thể, Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hồng Kông) đã tăng vốn thêm 160 triệu USD để mở rộng sản xuất, đưa tổng vốn mà doanh nghiệp này đăng ký đầu tư lên 300 triệu USD. Trước đó, doanh nghiệp này đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm dệt kim cao cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 140 triệu USD, trên diện tích 45 ha tại Khu công nghiệp Đông Nam.

Dự án thứ hai là Công ty TNHH Nobland Việt Nam (Hàn Quốc) đã tăng vốn thêm 18 triệu USD để hoàn thiện hệ thống nhà xưởng, nâng cấp dây chuyền sản xuất, trang bị máy móc, thiết bị mới. Sau khi tăng vốn, dự án này tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp của Nobland Việt Nam có tổng vốn đầu tư 61 triệu USD…

Theo ông Hà, những năm gần đây, TP.HCM có chủ trương hạn chế thu hút đầu tư vào những ngành thâm dụng lao động, cần diện tích đất lớn (trong đó có dệt may). Tuy nhiên, với dự báo về sự tăng trưởng của ngành dệt may sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, một số khu công nghiệp như Đông Nam, Hiệp Phước… sẽ vẫn tiếp nhận các dự án dệt may trọng điểm, có cam kết sử dụng công nghệ cao, máy móc và thiết bị hiện đại, có trung tâm thiết kế…

Đơn cử, trong nội dung của giấy chứng nhận đầu tư, Worldon Việt Nam đã cam kết xây dựng một trung tâm thiết kế thời trang, đồng thời, các sản phẩm làm ra sẽ cung cấp cho các thương hiệu nổi tiếng như Uniqlo, Nike, Adias, Puma…

Ông Hà cho biết, các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt may sẽ được Hepza giám sát chặt chẽ về sử dụng số lao động, công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất.

“Sau khi tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp có thể đã “nản”, không muốn đầu tư dự án dệt may tại TP.HCM và thay vào đó, họ đi tìm cơ hội đầu tư tại các địa phương khác”, ông Hà nhìn nhận.

Trong khi đó, tại Khu công nghệ cao TP.HCM, dù được dự báo sẽ có làn sóng đầu tư sau khi dự án 2 tỷ USD của Samsung nhiều khả năng sẽ chính thức đi vào hoạt động trong quý II năm nay, nhưng thực tế, số dự án được cấp phép từ đầu năm đến nay không nhiều. Đáng kể nhất là dự án của Công ty United More SND.BHD (Malaysia) với vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD. Dự án này sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau bằng nhựa cho các loại tivi thông minh, tivi LCD và tivi LED có độ chính xác cao…

Như vậy, có thể thấy, việc vắng bóng các dự án dệt may và chưa có những dự án sản xuất có quy mô vốn lớn được cấp phép là nguyên nhân chính khiến thu hút FDI của TP.HCM sụt giảm.

Mọi kỳ vọng có vẻ được đặt vào dự án thay thế dự án tỷ USD của First Solar, khi mới đây, Hepza đã chính thức thông tin là đã có nhà đầu tư mới. Theo đó, dự án mới này có tổng vốn đầu tư đăng ký ít nhất là 500 triệu USD. Tuy nhiên, việc cấp phép cho dự án này có thể được tiến hành trong năm nay hay không hiện vẫn là ẩn số.

Tin liên quan
Tin khác