Tài chính - Chứng khoán
FECON đặt mục tiêu kỷ lục năm 2022, kỳ vọng chốt lời từ hoạt động đầu tư
Kỳ Thành - Minh Hải - 28/04/2022 16:11
Cơ sở để Công ty cổ phần FECON đặt mục tiêu lãi sau thuế kỷ lục 280 tỷ đồng năm 2022 có phần đóng góp quan trọng từ hoạt động "chốt lời" một số dự án đã đầu tư.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 Công ty cổ phần FECON (FCN - HoSE) diễn ra ngày 28/4, các cổ đông đã thông kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu dự kiến 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng; lần lượt tăng 44% và 296% so với thực hiện năm 2021.

Đại hội đồng cổ đông FECON cũng thông qua tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 là 3% bằng tiền và dự kiến chia cổ tức năm 2022 không quá 10% bằng tiền mặt.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của FECON

Trao đổi với các cổ đông tại phiên thảo luận, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON cho biết, để thực hiện kế hoạch trên, công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động thi công xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng, đặc biệt là những công trình có kết cấu đặc biệt để có thể phát huy được năng lực của công ty.

“Với thương hiệu, uy tín của FECON trên thị trường, chúng tôi sẽ đầu tư vào các dự án như năng lượng tái tạo, các khu công nghiệp và các khu đô thị vệ tinh tại các thành phố lớn”, ông Khoa nói.

Bên cạnh đó, FECON cũng sẽ tái cấu trúc các đơn vị thành viên để tập trung vào các mảng thực sự có thế mạnh và huy động được những nguồn lực sẵn có và các đối tác có như nguồn lực công nghệ về xử lý nền đất yếu, công trình ngầm của đối tác Raito Nhật Bản, đối tác Red One có năng lực về tài chính, đầu tư dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư bất động sản, mạng lưới đối tác nước ngoài để có thể tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch FECON cho biết năm 2022 công ty sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư

Thận trọng với các dự án hạ tầng, đảm bảo có lãi mới làm

Thông tin thêm về các dự án hiện có, ông Phạm Việt Khoa cho biết, các dự án thi công có quy mô lớn mà FECON đang thực hiện bao gồm: Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát giai đoạn 2 tại Dung Quất; dự án sân bay Long Thành bước vào những gói cọc đầu tiên; dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 cũng bước vào hợp đồng đầu tư để xử lý nền; dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 đang triển khai cọc những gói thầu tiếu theo. Còn tại Hà Nội, công ty đang tham gia 2 công trình trọng điểm là hầm chui Lê Văn Lương và đường sắt đô thị số 3.

Doanh nghiệp cũng đang theo đuổi các dự án khác bao gồm các nhà máy điện gió, điện khí LNG và 2 nhà máy nhiệt điện theo đuổi từ lâu tại Nam Định.

Đánh giá FECON là một trong các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng khác hưởng lợi từ chính sách khuyến khích đầu tư công, song ông Khoa cũng cho rằng, giá dự toán các dự án đang khá thấp, không theo kịp biến động của vật liệu nên công ty thận trọng khi tham gia.

Với các dự án cao tốc, công ty đang đăng ký để trở thành tổng thầu của một hoặc 2 tuyến cao tốc, nhưng sẽ cân nhắc việc tham gia vào đoạn nào, phần nào. Các dự án như metro, cảng đang theo từng bước để tham gia nhưng tinh thần là phải đảm bảo lợi nhuận mới tham gia.

Các dự án hạ tầng nội bộ chủ yếu các dự án tư nhân nên khả quan hơn, bởi các dự án này có thể thay đổi định mức đơn giá một cách linh hoạt.

Tiếp lời, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc FECON cho biết, rút kinh nghiệm năm trước, công ty đã tính toán tương đối cẩn thận ảnh hưởng của giá vật liệu xây dựng thời gian tới. Ngoài ra, Ban Cung ứng đã liên tục khảo sát đánh giá, cập nhật tình hình giá vật liệu để công ty có chiến lược thực hiện, theo đuổi các dự án một cách hiệu quả.

Ngoài ra, FECON cũng đàm phán với các đối tác chiến lược để cung cấp vật liệu với cam kết không tăng giá trong suốt thời gian thực hiện dự án, đàm phán với chủ đầu tư, khách hàng của FECON để điều chỉnh khi giá vật liệu tăng 5% trở lên.

Ông Thanh cho biết, giá trị các hợp đồng mà FECON đã ký mới trong quý I năm nay là khoảng 1.800 tỷ đồng và trong các quý tiếp theo công ty dự kiến mỗi quý ký được thêm các hợp đồng trị giá 1.500 - 2.000 tỷ đồng.

Với giá trị các hợp đồng backlog chưa ghi nhận doanh thu là khoảng 2.500 tỷ đồng và mục tiêu ký được tổng cộng 7.500 tỷ đồng trong cả năm, đây là cơ sở để công ty đề ra mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng cho cả năm.

Ban lãnh đạo FECON đặt mục tiêu ký tổng cộng 7.500 tỷ đồng giá trị hợp đồng trong năm 2022

Đẩy mạnh mảng bất động sản

Về mảng bất động sản, các dự án công ty theo đuổi 2 năm nay tại một số tỉnh thành đang ở bước có dự án chuẩn bị đấu thầu, có dự án chuẩn bị đấu giá. Tất cả các dự án này FECON đang tài trợ quy hoạch và là một trong những đơn vị có thể đấu thầu nhà đâu tư.

Xin phép chưa nêu cụ thể thông tin các dự án, song ông Khoa cho biết, các dự án có quy mô từ nhỏ cho đến lớn, như dự án ở Bắc Ninh có diện tích 6 ha; ở Thái Nguyên có quy mô gần 30 ha; ở Hưng Yên là 206 ha; ở Đồng Tháp có quy mô gần 4 ha và Bắc Giang có 2 dự án bất động sản khu công nghiệp trên 300 ha. “Công ty phấn đấu 2 trên 5 dự án trên sẽ được triển khai trong năm 2022 và có doanh thu từ quý IV”, ông Khoa nói.

Riêng với dự án bất động sản đô thị tại Hưng Yên, ông Khoa cho biết, dự án này đã được phê duyệt quy hoạch 1/2000. “Kế hoạch tiếp theo đang bám sát, chúng ta phải phụ thuộc vào quy trình thủ tục của địa phương, đặc biệt là liên quan đến đấu thầu các dự án bất động sản”, ông Khoa nói.

FECON kỳ vọng dự án này có thể mang lại giá trị hợp đồng khoảng 500-600 tỷ đồng và có thể triển khai được từ quý II.

Mảng đầu tư là trụ cột quan trọng, chưa có kế hoạch IPO FECON Invest

Trong cơ cấu lợi nhuận của FECON năm 2022 dự kiến ghi nhận 109 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư. Ông Phạm Việt Khoa cho biết, phần lãi này liên quan đến việc FECON có ý định thoái vốn dự án điện Vĩnh Hảo 6 hoặc dự án Quốc Vinh (Sóc Trăng), ngoài ra còn 1 trong 2 dự án bất động sản tại Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Ông Khoa cho biết, công ty con trong lĩnh vực đầu tư (FECON Invest) sẽ tập trung 3 mảng kinh doanh chính là mảng hạ tầng giao thông, hạ tầng điện và bất động sản.

Song FECON cũng chưa có kế hoạch đưa FECON Invest lên sàn chứng khoán, vì đây là trụ cột quan trọng của công ty mẹ với tỷ lệ sở hữu trên 95%. Việc IPO sẽ là kế hoạch dài hạn nếu công ty con này cần vốn lớn.

Về kết quả kinh doanh quý I/2022, do là quý đầu năm trùng với giai đoạn Tết và thấp điểm của ngành xây dựng nên các hợp đồng hạch toán còn thấp, FECON đang tập hợp số liệu để chuẩn bị công bố chính thức. Riêng công ty mẹ dự kiến doanh thu khoảng 500 tỷ đồng, lợi nhuận 3 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác